Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ:

Dự trữ Quốc gia chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Hồng Sâm (Thực hiện)

2016 là một năm ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử phát triển của ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN). Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đan xen nhưng toàn ngành DTNN đã nỗ lực vượt qua và thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Ngày đầu xuân năm mới Đinh Dậu 2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có một buổi trò chuyện với báo chí để chia sẻ và đánh giá về kết quả công tác năm 2016 và những định hướng, mục tiêu quan trọng mà ngành DTNN cần tập trung thực hiện năm 2017.

Dự trữ Quốc gia chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao - Ảnh 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, năm 2016, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, của Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm. Xin Phó Thủ tướng một vài đánh giá về những kết quả ngành DTNN đạt được trong năm 2016?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Năm 2016, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, tuy vậy vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Thiên tai, dịch bệnh, an ninh khu vực và tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, ngành DTNN đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đến nay, các hoạt động của Ngành đã tuân thủ đúng quy định của Luật Dự trữ quốc gia (DTQG); công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động DTQG đã có chuyển biến tích cực; các bộ, ngành đã tổ chức việc xuất cấp, vận chuyển kịp thời hàng DTQG đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ góp phần giúp các đơn vị quân đội, công an, các đơn vị tìm kiếm cứu nạn thực hiện nhiệm vụ và hỗ trợ nhân dân một số địa phương kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, được Chính phủ biểu dương, được nhân dân tin tưởng và đánh giá cao.

Cùng với việc từng bước củng cố và hoàn thiện hệ thống kho tàng, lãnh đạo Tổng Cục DTNN đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý chất lượng hàng DTQG thông qua thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, phúc tra chất lượng hàng hóa, do vậy hàng DTQG được xã hội và các ngành các cấp đón nhận với chất lượng tốt.

Trong những kết quả đã đạt được của Ngành, tôi đặc biệt vui mừng khi thấy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm để vượt gian khó, thách thức của cán bộ trong ngành DTNN được tiếp tục phát huy. 

Đặc biệt, năm 2016 kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành DTNN đã một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí của ngành DTNN đối với kinh tế - xã hội của đất nước. Với truyền thống quý báu trong chặng đường suốt 60 năm qua được cán bộ, công chức, viên chức ngành DTNN hôm nay tiếp nối. Mọi người luôn đồng lòng chung sức, lặng thầm vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và không ngừng vươn lên vì sự nghiệp chung của ngành Tài chính và đất nước.

Thay mặt Đảng, Chính phủ, tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu và những thành tích mà ngành DTNN nói chung và Tổng cục  DTNN nói riêng đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong năm 2016.

Năm 2016 đã để lại nhiều dấu ấn trong việc sử dụng nguồn lực DTQG đáp ứng yêu cầu đột xuất cấp bách, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, ghi nhận của Phó Thủ tướng ra sao về hoạt động này?

Năm 2016, có thể nói, ngành DTNN đã ghi được một cột mốc mới trong việc sử dụng nguồn lực DTQG để đáp ứng yêu cầu đột xuất cấp bách, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước: Lượng hàng hóa DTQG huy động để đáp ứng mục tiêu đã đạt mức trên 2.000 tỷ đồng, không những đáp ứng yêu cầu mục tiêu của DTQG mà con tham gia thực hiện những nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao.

Riêng Bộ Tài chính xuất cấp các mặt hàng tổng trị giá trên 1.600 tỷ đồng, với trên 150.000 tấn gạo (trong đó khoảng 70.000 tấn gạo cứu trợ, trên 75.000 tấn gạo hỗ trợ học sinh và dự án trồng rừng...) và nhiều loại vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, năm 2016, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) cũng đã xuất cấp khoảng 20.000 tấn gạo để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân các tỉnh Miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường. 

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ gạo DTQG cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung được triển khai rất khẩn trương, có phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị để xuất kho, vận chuyển và giao nhận gạo theo đúng kế hoạch phân bổ của UBND tỉnh.

Để phòng chống dịch bệnh, khôi phục sản xuất nông nghiệp, trong năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xuất cấp nhiều mặt hàng DTQG, trong đó khoảng 1.300 tấn hạt giống lúa, giống cây trồng, khoảng 2,5 triệu liều vắc xin và hàng trăm nghìn lít thuốc sát trùng; Bộ Công an xuất cấp hàng để đảm bảo an ninh, trật tự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, phục vụ Tết Nguyên đán, phục vụ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp và các ngày lễ lớn trong năm 2016; Bộ Y tế xuất cấp trang thiết bị cho các bệnh viện công lập và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, chiến sỹ vùng biên giới, hải đảo..

Số lượng hàng DTQG được xuất cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; được vận chuyển kịp thời đến các địa bàn cần cứu trợ, hỗ trợ góp phần giúp đồng bào kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, hỗ trợ học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phục vụ tốt công tác quốc phòng, an ninh.

Có thể khẳng định, những năm qua, ngành DTNN luôn là công cụ tài chính hữu hiệu của Chính phủ trong quá trình điều hành, phát triển bền vững của đất nước; không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng ngừa, khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng an ninh mà còn góp phần tích cực thực hiện bảo đảm an sinh xã hội... 

Với việc đa dạng hóa mục tiêu; kịp thời hiệu quả trong sử dụng, lực lượng DTQG đã và đang khẳng định vai trò, vị thế của mình trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Đã từng là Bộ trưởng Bộ Tài chính, đặc biệt là người đã trực tiếp chỉ đạo soạn thảo Luật DTQG, xin Phó Thủ tướng một vài nhận định về kết quả sau gần 5 năm Luật DTQG đi vào cuộc sống?

Từ thực tiễn quản lý, điều hành DTQG thời gian qua cho thấy, hoạt động DTQG mang tính đặc thù, yêu cầu khẩn trương trong hoạt động; cần có cơ chế quản lý thích ứng bảo đảm sự hình thành, quản ký và điều hành, sử dụng nguồn lực DTQG của Nhà nước, theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả xã hội.

Vì vậy, Luật Dự trữ Quốc gia được Quốc hội thông qua năm 2012 đã đánh dấu một bước phát triển mới của ngành DTNN, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với hoạt động DTQG. Đây là một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG; góp phần khẳng định vị trí, vai trò của ngành DTQG trong nền kinh tế xã hội.

Nhờ sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao, Tổng cục DTNN đã phát huy vai trò tham mưu cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai và đưa Luật DTQG vào cuộc sống. 

Đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, hình thành đồng bộ  hệ thống cơ chế, chính sách tạo ra khung pháp lý về quản lý DTQG và định hướng cho hoạt động của ngành. Nhờ đó, chỉ sau gần 5 năm Luật DTQG có hiệu lực, ngành DTNN đã có bước trưởng thành đáng khích lệ, quy mô DTQG ngày càng lớn, hoạt động DTQG ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả, hiệu lực cao, đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý trong thời kỳ mới.

Năm 2017, khối lượng công việc đặt ra cho toàn ngành DTNN là rất lớn, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, theo Phó Thủ tướng ngành DTNN cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm nào?

Tình hình kinh tế, chính trị của thế giới và khu vực có nhiều phức tạp, hiện tượng biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ  lụt, dịch bệnh diễn biến bất thường và ngày càng gay gắt, đặt ra yêu cầu ngành DTNN phải tập trung đánh giá tình hình và dự báo, tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính để chuẩn bị lực lượng DTQG  đủ mạnh và xây dựng các kịch bản ứng phó khi có tình huống đột xuất cấp bách xảy ra. Bảo đảm DTQG luôn chủ động, phòng chống và khắc phục kịp thời hiệu quả thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngành DTNN cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: Là năm đầu thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước và là năm bản lề thực hiện kế hoạch DTQG giai đoạn 2016-2020, đề nghị các bộ, ngành quản lý hàng DTQG phối hợp tốt với Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai thực hiện tốt quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật DTQG và kế hoạch DTQG năm 2017 nhằm nâng dần quy mô DTQG theo hướng Chiến lược phát triển DTQG đã đề ra.

Tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách theo hướng: hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện Luật DTQG trong đó cần tập trung xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý, hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về  hàng DTQG; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực DTQG theo hướng đơn giản, thuận lợi, công khai, minh bạch và xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Quản lý hiệu quả xuất cấp, sử dụng hàng DTQG, bảo đảm xuất cấp kịp thời đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng; tham mưu đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính tăng cường sử dụng nguồn lực DTQG tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tăng cường quản lý chất lượng hàng DTQG, bảo đảm hàng DTQG an toàn trong quá trình bảo quản, xuất cấp sử dụng được ngay. Cần quản lý chất lượng ở cả ba khâu: Quản lý chất lượng đầu vào, quản lý chất lượng trong quá trình lưu kho và quản lý chất lượng khi xuất cấp; Thực hiện nguyên tắc quản lý chất lượng hàng DTQG  theo quy chuẩn và bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Đổi mới công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động DTQG. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực DTQG. Cán bộ làm công tác thanh tra phải vừa ”hồng” vừa ”chuyên”, vừa giỏi chuyên môn vừa có phẩm chất đạo đức tốt. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện, ngăn chăn kịp thời những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực DTQG. Xây dưng đồng bộ hệ thống thể chế quản lý nói chung trong đó có thể chế về hoạt động thanh tra, kiểm tra

Nhân dịp năm mới Đinh dậu 2017, thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức ngành DTNN; chúc các đồng chí phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, lao động nhiệt tình và sáng tạo để đạt được thành công trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!