Dự trữ quốc gia: Vị thế mới, tầm vóc mới

TS. Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

Dự trữ quốc gia là lĩnh vực kinh tế đặc thù được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Trải qua quá trình phát triển với rất nhiều biến đổi về tổ chức, khi phân tán, lúc tập trung, ngày nay, Dự trữ quốc gia đã trở thành Ngành có hệ thống tổ chức vững mạnh, gồm Tổng cục Dự trữ Nhà nước là cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách thuộc Bộ Tài chính và 8 bộ, ngành được giao quản lý hàng dự trữ quốc gia. Trong lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Dự trữ quốc gia đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên các mặt công tác. Đặc biệt, trong mười năm đổi mới và phát triển gần đây (2006-2016), ngành Dự trữ quốc gia đã ghi được những “cột mốc” đáng nhớ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động có luật chuyên ngành về Dự trữ quốc gia

Quá trình hình thành, phát triển ngành Dự trữ quốc gia (DTQG) luôn được đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả hoạt động DTQG trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn triển khai Pháp lệnh DTQG, ngày 20/11/2012, Luật DTQG đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Đây là một thành công rất lớn đối với ngành DTQG, là kết quả ghi nhận sự nỗ lực tập trung của toàn Ngành, cùng với sự giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan đầu ngành từ Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành quản lý hàng DTQG.

Để Luật DTQG sớm đi vào cuộc sống, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, các bộ, ngành có liên quan xây dựng trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật DTQG; trình Bộ Tài chính ban hành trên 30 Thông tư hướng dẫn Luật; xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 văn bản quan trọng là Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTNN đến năm 2020 phê duyệt tại Quyết định 94/QĐ-TTg và Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định 2091/QĐ-TTg.

Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, hệ thống pháp luật về DTQG đã được xây dựng tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành và là cơ sở quan trọng để xây dựng, khẳng định vị trí, vai trò của ngành DTQG trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, giúp cho công tác quản lý DTNN ngày càng đi vào nề nếp, giữ vững kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả. Đây là thành tích đáng khích lệ, đánh dấu bước phát triển mới và khẳng định vị thế của ngành DTQG trong lịch sử phát triển của đất nước.

Hoàn thành nhiều mục tiêu lớn

Để có lực lượng DTQG vững mạnh, tương xứng với tầm vóc của Ngành, Tổng cục DTNN đã phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã đề ra, cụ thể:

Tăng cường tiềm lực DTQG, đảm bảo đến năm 2015, tổng mức DTQG đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020, tổng mức DTQG đạt khoảng 1,5% GDP, đảm bảo lực lượng DTQG luôn sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác. Mặt khác, từng bước cơ cấu danh mục mặt hàng hợp lý, đáp ứng yêu cầu xuất cấp trong mọi tình huống, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội.

Giai đoạn vừa qua, được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, bố trí vốn nên lượng hàng DTQG đã tăng dần, với mức bình quân khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, bao gồm một số mặt hàng chiến lược thiết yếu, quan trọng. Việc tăng dần quy mô hàng DTQG đã góp phần tạo sự chủ động cho Chính phủ trong quản lý, điều hành nền kinh tế-xã hội của đất nước. Tính đến năm 2015, tổng mức DTQG đã tăng hơn 1,5 lần so với năm 2010, gấp 3 lần so với năm 2005; một số mặt hàng đến nay đã đạt được mục tiêu đề ra và có mức tăng vượt bậc.

Giai đoạn vừa qua, được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, bố trí vốn nên lượng hàng Dự trữ quốc gia đã tăng dần với mức bình quân khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, bao gồm cả một số mặt hàng chiến lược thiết yếu, quan trọng. 

Với nguồn lực này, Chính phủ đã kịp thời giải quyết khó khăn trong đời sống của người dân, sớm khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo quốc phòng an ninh và an sinh xã hội, điều tiết vĩ mô nền kinh tế và thực hiện nhiệm vụ quan hệ quốc tế.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020; trên cơ sở đó các bộ, ngành đã xây dựng và quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTNN, đồng bộ, hiện đại, bố trí theo vùng, khu vực chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Việc từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tổng cục DTNN nhằm đưa ngành DTQG thực sự là một trong những công cụ tài chính quan trọng, góp phần giúp Chính phủ điều tiết vĩ mô nền kinh tế và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Đến nay, bộ máy đã dần được hoàn thiện từ cơ quan Trung ương tới các địa phương với 9 Vụ, Cục thuộc Tổng cục, 22 Cục DTNN khu vực trực thuộc giúp Lãnh đạo đơn vị quản lý hoạt động DTQG trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước theo hướng tập trung, hiện đại, quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Điểm nổi bật là trong giai đoạn này, Tổng cục DTNN đã thành lập mới 4 Cục DTNN khu vực như: Bắc Tây Nguyên, Cửu Long, Đông Nam Bộ, Hoàng Liên Sơn. Đến nay, các Cục DTNN này đã đi vào hoạt động ổn định, tạo thế và lực trên trên địa bàn trọng yếu, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Tiếp tục năng động trước mọi nhiệm vụ

10 năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi DTQG là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất bức thiết khác của Nhà nước.

Với ý thức sâu sắc về trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, Lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục DTNN thường xuyên chỉ đạo sát sao, đôn đốc các đơn vị vượt khó khăn hoàn thành công việc được giao. Cán bộ, công chức ngành DTQG đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phối hợp đồng bộ, không kể ngày đêm, tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai xuất cấp kịp thời, đủ về số lượng, tốt về chất lượng, góp phần ổn định cuộc sống nhân dân.

Tổng cục DTNN cũng đã xác định rõ phương hướng phát triển thời kỳ mới, đó là tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về DTQG; Xây dựng lực lượng DTQG đủ mạnh để chủ động đáp ứng mục tiêu của DTQG; Củng cố và hoàn chỉnh hệ thống kho DTQG với trang thiết bị hiện đại, quy mô tập trung với công nghệ bảo quản tiên tiến;Tin học hóa quy trình quản lý nghiệp vụ DTQG; Phát triển nguồn nhân lực theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và tăng cường nhiệm vụ quan hệ quốc tế.

Đặc biệt, với lòng yêu ngành, yêu nghề, với tinh thần trách nhiệm cao, ở chặng đường mới, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành DTQG sẽ tiếp tục tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của Ngành.           

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật DTQG;

2. Quyết định 106/2009/QĐ-TTg ngày 20/8/2009, quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục DTNN;

3. Quyết định 106/2009/QĐ-TTg ngày 20/8/2009, quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục DTNN, đặt ngành DTNN ở vị thế mới, với tầm vóc mới, tương xứng với vị trí, vai trò và sự tin yêu của Đảng và Nhà nước.