EU: Tốc độ cải cách thuế của Việt Nam hơn cả mấy năm cộng lại

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Đây là khẳng định của ông Thomas Mc Clelland-Chủ tịch Hội đồng lĩnh vực thuế của Eurocham tại buổi họp báo công bố Sách trắng 2015 – Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tổ chức ngày 1/12/2014, tại Hà Nội.

Eurocham công bố sách trắng 2015. Nguồn: internet
Eurocham công bố sách trắng 2015. Nguồn: internet

Các vấn đề và kiến nghị chính được Sách trắng 2015 đưa ra bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam, giáo dục và đào tạo, thuế, quyền sở hữu trí tuệ, yêu cầu hành chính, thực thi khuôn khổ pháp lý và vấn đề tiếp cận thị trường.

Chuyển biến tích cực trong lĩnh vực thuế

Theo bà Nicola Connolly- Chủ tịch EuroCham, EuroCham ghi nhận những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam trong suốt 12 tháng qua. Theo báo cáo từ Diễn đàn kinh tế thế giới 2014-2015, Việt Nam đã cải thiện sức mạnh cạnh tranh toàn cầu và được xếp hạng thứ 68 so với vị trí 70 của năm trước.

Bên cạnh đó, dựa trên những nghiên cứu của Phòng Thương mại châu Âu, tại Việt Nam chỉ số môi trường kinh doanh cũng cho kết quả tương tự. Theo đó chỉ số môi trường kinh doanh trong quý 3 đạt 74/100, cao thứ hai so với những chỉ số từ trước đến nay.

EuroCham nhận định, điểm BCI tăng đáng kể trong năm 2014 là do cộng đồng kinh doanh kỳ vọng nhiều vào các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) EU-Việt Nam.

Tiểu ban Thuế và Chuyển giá thuộc EuroCham ghi nhận, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhiều vấn đề liên quan đến thuế như khống chế chi phí quảng cáo và khuyến mại được khấu trừ, ưu đãi thuế đối với việc mở rộng kinh doanh, hay một số vấn đề về thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. 

Theo ông Thomas Mc Clelland-Chủ tịch Hội đồng lĩnh vực thuế của Eurocham: "Tốc độ cải thiện về chính sách thuế của Việt Nam trong mấy tháng qua hơn cả mấy năm cộng lại. Đây là một tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư đang có ý định kinh doanh tại Việt Nam".

Đồng hành với sự phát triển và hội nhập toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu mong muốn, cánh cửa tiếp cận thị trường Việt Nam sẽ được rộng mở hơn và môi trường đầu tư vào Việt Nam thuận lợi hơn.

Ngoài ra, tác động của việc tham gia FTA, Việt Nam sẽ phải giảm thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào, sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho các quy trình, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do vậy, việc loại bỏ các trở ngại đối với thương mại tự do và đầu tư nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tự điều chỉnh để thích ứng với thị trường quốc tế.

Tiếp tục cải thiện những hạn chế

Mặc dù được đánh giá đã có nhiều cải cách, nhưng các kiến nghị trong Sách Trắng 2015 cho thấy, vẫn còn một số điểm mà các doanh nghiệp châu Âu lo ngại khi làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Đó là vẫn còn thiếu tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện khuôn khổ pháp lý.

Giáo dục đào tạo và cung ứng nguồn lao động có chuyên môn cũng là lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu. Ngoài ra, cải cách hành chính, thuế doanh nghiệp cũng là  vấn đề mà doanh nghiệp châu Âu  cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy cải cách hơn nữa.

Liên quan đến cải cách thủ tục thế và hải quan,  ông Thomas McClelland, cho rằng, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính thuế, nhưng Việt Nam vẫn thiếu các văn bản hướng dẫn về cách áp dụng các điều khoản cụ thể mới về chống tránh thuế; quy trình thông báo áp dụng Hiệp định yêu cầu thông báo phải được gửi đến cơ quan thuế trước khi áp dụng, tuy nhiên lại không quy định về việc phản hồi/xác nhận chính thức từ cơ quan thuế đối với việc áp dụng.

Tiểu ban Thuế và Chuyển giá đề xuất làm rõ một số điều khoản liên quan đến thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu, cụ thể khái niệm “tiêu dùng ở ngoài Việt Nam”. Ngoài ra, cần làm rõ việc các nhà thầu tiến hành hàng loạt các hoạt động thăm dò dầu khí khi chấm dứt Hợp đồng chia sản phẩm, mà chưa có khai thác thương mại sẽ không bị truy thu thuế giá trị gia tăng như đang áp dụng đối với các doanh nghiệp ngoài ngành dầu khí khi doanh nghiệp ngừng hoạt động...