Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2018 đạt 32,53% kế hoạch

PV.

Trả lời phóng viên về những nội dung liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, ông Triệu Thọ Hân - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) đã có nhiều chia sẻ về vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hiện nay ở nước ta?

Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2018 đạt 32,53% kế hoạch  - Ảnh 1
Ông Triệu Thọ Hân - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính)

Ông Triệu Thọ Hân - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính): Theo Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc phân bổ kế hoạch vốn năm 2018; Ước tính 6 tháng đầu năm 2018 đã giải ngân được là 130.013,784 tỷ đồng, đạt 32,53% kế hoạch vốn Quốc hội giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 25,59%) và đạt 33,85% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 là 29,6%). Riêng vốn trong nước giải ngân đạt 119.527 tỷ đồng tương đương 35,2% kế hoạch vốn Quốc hội giao (cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2017 tỷ lệ giải ngân là 25,3%).

Có 08 bộ, ngành Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 50% kế hoạch; đặc biệt, có 01 đơn vị và 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 60% kế hoạch, gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (79,55%), tỉnh Quảng Ninh (82,79%), tỉnh Hải Dương (69,77%), tỉnh Nam Định (68,96%).

Kết quả này cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm 2018 cao hơn so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân cả nước nhìn chung vẫn còn thấp so với kế hoạch giao. Theo số liệu báo cáo giải ngân của Kho bạc Nhà nước vẫn còn 35/56 bộ, ngành Trung ương và 06/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn 25%, trong đó, còn 15 bộ, ngành Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Một số bộ, ngành Trung ương chưa giải ngân hoặc gần như chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Vậy, theo ông, đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay ở nước ta?

Theo báo cáo của các bộ, ngành địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn thấp do một số nguyên nhân chủ yếu như:

Một là, một số dự án có cơ chế cho vay lại địa phương, song nhiều địa phương chưa đáp ứng được điều kiện giải ngân phần vốn cho vay lại, cụ thể: UBND các tỉnh chưa hoặc chậm phê duyệt kế hoạch vốn cho vay lại và Công tác thẩm định và ký thỏa thuận cho vay lại với các tỉnh còn chậm. Hơn nữa, một số dự án thành phần bị ảnh hưởng bởi dự án tổng thể đang làm thủ tục trình duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Hai là, một số dự án khởi công mới có tỷ lệ giải ngân rất thấp do các đơn vị cần thời gian để tổ chức lựa chọn tư vấn thiết kế, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thi công xây lắp. Theo báo cáo của một số địa phương, thời gian để hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án tính từ khi được bố trí vốn đến khi ký hợp đồng thi công công trình cần hơn 3 tháng chuẩn bị.

Ba là, việc tiến hành cơ cấu lại hoặc sát nhập để chuyển đổi thành các ban quản lý dự án chuyên ngành theo quy định của Luật Xây dựng phải thực hiện theo một số quy trình nhất định, vì vậy đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán đối với các dự án mà các ban quản lý dự án đang quản lý. Trong khi đó, một số dự án hoàn thành hiện mới đang hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công để kiểm toán, quyết toán dự án hoàn thành nên chưa hoàn thiện hồ sơ thanh toán.

Bốn là, năm 2018, vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho các bộ, ngành đều là bố trí cho các dự án khởi công mới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng), vì vậy sau khi được giao kế hoạch vốn các chủ đầu tư mới bắt đầu tiến hành các bước chuẩn bị thực hiện dự án, làm các thủ tục giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu thầu nên khối lượng nghiệm thu và thanh toán trong 6 tháng đầu năm còn rất ít.

Với vai trò là cơ quan tổng hợp báo cáo tình hình giải ngân, hướng dẫn về thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã triển khai những giải pháp nào để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thưa ông?

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao kế hoạch vốn, Bộ Tài chính đã có văn bản số 1664/BTC-ĐT ngày 8/2/2018 đôn đốc các bộ, ngành địa phương phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2018, văn bản 3642/BTC-ĐT ngày 30/3/2018 gửi các địa phương đôn đốc phân bổ kế hoạch vốn 2 chương trình mục tiêu quốc gia và báo cáo phân bổ về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư để hoàn thiện thủ tục hạch toán thu hồi vốn ứng trước kế hoạch.

Cùng với đó, để tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong việc thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính có Văn bản số 5625/BTC-ĐT ngày 15/5/2018 yêu cầu các địa phương báo cáo khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2018 chi tiết đối với từng dự án; Văn bản số 5626/BTC-ĐT ngày 15/5/2018 yêu cầu các Sở Tài chính báo cáo tình hình nhập TABMIS cho các dự án. Tuy nhiên, nội dung báo cáo về vướng mắc trong giải ngân của các bộ, ngành địa phương còn chung chung, không cụ thể, do đó Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản số 6682/BTC-ĐT ngày 07/6/2018 gửi các bộ, ngành và địa phương đôn đốc giải ngân trong đó đề nghị các Bộ,ngành địa phương cần nêu rõ các vướng mắc , khó khăn để Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 sửa đổi Thông tư 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 quy định về quản lý thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, sửa đổi bổ sung Điểm a Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 08/2016/TT-BTC về thực hiện kiểm soát thanh toán ở Kho bạc Nhà nước theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với lần thanh toán cuối cùng của hợp đồng.