Giải pháp thực hiện dự toán thu ngân sách của ngành Thuế năm 2015

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Năm 2015 dự toán thu ngân sách mà Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho ngành thuế là 731.600 tỷ đồng, trong đó thu dầu thô 93.000 tỷ đồng, thu nội địa 638.600 tỷ đồng, số thu nội địa không kể tiền sử dụng đất là 599.600 tỷ đồng.

Giải pháp thực hiện dự toán thu ngân sách của ngành Thuế năm 2015
Năm 2015 dự toán thu ngân sách Bộ Tài chính giao cho ngành thuế là 731.600 tỷ đồng. Nguồn: internet
Đây là thách thức rất lớn khi ngành thuế phải triển khai thực hiện trong điều kiện giá dầu thô đang giảm sâu; Nhà nước đang đẩy nhanh lộ trình thực hiện cải cách thuế, thực hiện điều chỉnh mức điều tiết thu đối với một số ngành hàng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), thu hút đầu tư; cùng lúc ngành thuế phải tập trung thực hiện các chính sách thuế mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và người dân, góp phần cải thiện môi trường sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Do vậy, để phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tại văn bản hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, TP triển khai dự toán thu ngân sách năm 2015, Tổng cục Thuế đã nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện ngay từ những ngày đầu năm.
 
Trước hết, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để DN phát triển, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu vững chắc, lâu dài cho ngân sách nhà nước (NSNN). Trong công tác chỉ đạo điều hành, cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu và dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Đồng thời, xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế thực hiện.
 
Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các luật thuế mới trên cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng; công khai tại trụ sở cơ quan thuế các cấp, trên trang thông tin điện tử ngành thuế để người nộp thuế nắm bắt kịp thời về chính sách, thủ tục hành chính thuế và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế. Tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung thông tin về hộ kinh doanh để triển khai thực hiện việc công khai các thông tin của hộ kinh doanh thuế khoán trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Cùng với đó, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế ngay từ đầu năm, tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn như doanh thu lớn nhưng số thuế nộp ít, có cùng quy mô kinh doanh nhưng số thuế nộp ít hơn; những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế như nhà hàng, khách sạn, khai thác tài nguyên - khoáng sản,... Kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp kê khai chậm, kê khai lỗi, không kê khai thuế; thực hiện ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế theo đúng qui định của Luật Quản lý thuế.
 
Tăng cường rà soát, đối chiếu, xác định chính xác số DN đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích. Tổ chức thực hiện tốt việc phân cấp quản lý thuế đối với DN mới thành lập, DN di chuyển, sáp nhập (thay đổi địa chỉ kinh doanh, trụ sở doanh nghiệp) nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Tăng cường việc trao đổi thông tin giữa cơ quan kế hoạch đầu tư và cơ quan thuế để thực hiện cấp mã số thuế trong vòng 3 ngày và thực hiện theo phương thức điện tử theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2014. Tập trung rà soát, kiểm tra quyết toán xác định lợi nhuận còn lại nộp NSNN theo quy định tại Nghị quyết số 57/2013/QH13 ngày 12/11/2013 về dự toán NSNN năm 2014 và Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2015. Cập nhập đầy đủ kịp thời, chính xác báo cáo tài chính năm vào ứng dụng quản lý thuế để phục vụ công tác đánh giá, phân tích rủi ro, lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
 
Đẩy mạnh công tác chống thất thu ngân sách, tập trung thanh tra, kiểm tra các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, DN hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua đường biên giới đất liền, DN được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, DN có hoạt động liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; các DN kinh doanh thương mại điện tử, trò chơi điện tử hay có phát sinh thuế nhà thầu; phấn đấu hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế năm 2015 đạt tối thiểu 14,65% số lượng DN đang hoạt động thuộc diện quản lý thuế (trong đó thanh tra đạt tối thiểu 1,65% kiểm tra đạt tối thiểu 13%) thanh tra, kiểm tra 100% hồ sơ sau hoàn đối với DN có số thuế hoàn lớn; đồng thời thu đầy đủ, kịp thời các khoản tiền thuế, tiền phạt sau thanh tra vào NSNN, phấn đấu tỷ lệ nộp vào ngân sách đạt tối thiểu 80% số kiến nghị truy thu qua thanh tra, kiểm tra.
 
Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào NSNN. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định; xây dựng kế hoạch thu nợ đối với số tiền thuế nợ tại thời điểm ngày 31/12/2014, chi tiết cho từng quý, từng tháng; thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng phòng, từng đội thuế, từng công chức quản lý thực hiện đôn đốc thu nợ thuế, đảm bảo tổng số nợ thuế (không bao gồm các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi) đến thời điểm 31/12/2015 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách năm 2015. 
 
Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ ngành theo hướng mở rộng về số lượng đơn vị kiểm tra; tập trung kiểm tra đối với việc thực hiện các qui trình nghiệp vụ hoàn thuế, xử lý miễn, giảm, gia hạn thuế, quản lý nợ thuế, đăng ký, cấp mã số thuế, ấn định thuế và tiến hành phúc tra lại các trường hợp đã thanh tra (nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm), nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp công chức thuế do thiếu tinh thần trách nhiệm, hạn chế về trình độ, thông đồng, bao che, làm thất thoát nguồn thu; đồng thời tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời đúng pháp luật, đúng thời hạn.
 
Tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế một cách toàn diện, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để giảm thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính về thuế, phấn đấu trong năm 2015 đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 (121,5 giờ/năm), góp phần phát triển SXKD. Tiếp tục hiện đại hoá công tác quản lý thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, triển khai rộng rãi kê khai, nộp thuế điện tử, phấn đấu năm 2015 đạt 100% DN tham gia kê khai thuế điện tử, triển khai nộp thuế điện tử tại 63/63 địa phương.
 
Để thực hiện tốt các giải pháp, Cục Thuế các tỉnh, TP phải coi trọng việc chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật, thực hiện bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo hướng cải cách, hiện đại hoá công tác quản lý thu và tiến trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính thuế đã đề ra; thường xuyên giáo dục nâng cao phẩm chất, đạo đức và năng lực đội ngũ công chức, viên chức thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm những công chức, viên chức thuế tiêu cực, vi phạm pháp luật.