Giảm áp lực cân đối ngân sách nhà nước

Theo nhandan.com.vn

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 mặc dù dự báo tăng vượt dự toán nhưng ngân sách T.Ư sẽ bị hụt thu, chủ yếu do giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh. Điều này tạo áp lực lớn cho việc bảo đảm cân đối NSNN năm nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiết kiệm chi để bảo đảm cân đối ngân sách

Theo Tổng cục Thuế, trong số thu nội địa của cả nước 10 tháng qua, đáng lưu ý là số thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) tăng khoảng 21 nghìn tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng tăng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân tăng khoảng 2,7 nghìn tỷ đồng. Đây chính là những tín hiệu cho thấy nền kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, tuy còn chậm nhưng đã có sự bền vững, nhất là số thu từ thuế thu nhập DN.

Trong khi đó, số thu từ dầu thô cho thấy, tuy sản lượng dầu thanh toán 10 tháng ước đạt xấp xỉ 13,9 triệu tấn, bằng 94,3% kế hoạch năm, tăng 11,4% so với cùng kỳ nhưng giá dầu thô bình quân chỉ đạt khoảng 58,4 USD/thùng, giảm 41,6 USD/thùng so với giá dự toán. Lũy kế số thu từ dầu thô 10 tháng đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán, giảm 37,7% so cùng kỳ. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 10 tháng ước đạt 209,3 nghìn tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán.

Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, năm nay, NSNN nói chung sẽ tăng vượt dự toán khoảng 17.400 tỷ đồng, song, NSNN T.Ư sẽ hụt thu khoảng 31 nghìn tỷ đồng, còn NSNN địa phương sẽ tăng thu 47 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án bù đắp số hụt thu này.

Trong khi đó, số chi NSNN lũy kế thực hiện 10 tháng đạt 918,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,1% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển bằng 70,7% dự toán, tăng 8,1% so cùng kỳ; chi trả nợ và viện trợ bằng 84,9% dự toán, tăng 10,3%. Ngoài ra, các nhiệm vụ chi NSNN khác đều được đáp ứng kịp thời theo dự toán giao và tiến độ thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, bảo đảm kinh phí cho những nhiệm vụ cấp thiết phát sinh về quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai...

Với tình hình trên, có thể thấy, hiện nay, thu NSNN đang gặp khó khăn. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh, và điều quan trọng là tổng chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt khoảng 18,1% so với tổng chi cân đối NSNN, giảm mạnh so với mức 25% giai đoạn 2006-2010…

Cùng quan điểm này, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Đình Cung cho rằng, chi ngân sách đang quá nhiều so với thu và hiệu quả chi tiêu chưa được cải thiện đang là một trong những điểm chứa đựng nhiều rủi ro đối với sự ổn định của nền kinh tế. Chính vì vậy, phải có sự quyết liệt trong vấn đề tiết kiệm chi NSNN để bảo đảm cân đối.

Còn theo TS Vũ Đình Ánh, chi NSNN địa phương chiếm hơn một phần hai số chi NSNN và vấn đề cốt lõi của thu chi NSNN là sự phân cấp rành mạch về thu chi ngân sách giữa T.Ư và địa phương. “Luật quy định ngân sách địa phương không được phép thâm hụt, mà phải cân đối. Trong khi đó, trên thực tế hiện nay, trong 63 tỉnh, thành phố thì có tới gần 50 tỉnh, thành phố, thu không đủ chi, kể cả đã giữ lại 100% ngân sách cho địa phương, tức là kể cả khi trung ương không lấy đồng nào cả mà để lại hết cho địa phương. Do đó, Luật NSNN sửa đổi đã đặt ra vấn đề cơ cấu lại thu chi NSNN và khắc phục những điểm bất hợp lý của phân cấp ngân sách hiện nay”, TS Vũ Đình Ánh phân tích.

Xây dựng khung NSNN trung hạn

Để cân đối NSNN bớt căng thẳng, đã có nhiều giải pháp được bàn thảo. Theo công bố của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, kinh tế vĩ mô quý III có nhiều điểm sáng, mức tăng trưởng kinh tế được cải thiện liên tục. Tăng trưởng GDP quý IV có thể đạt 6,83% và cả năm, tăng khoảng 6,61% so với năm 2014, vượt mục tiêu đề ra là 6,5%. Đây chính là căn cứ quan trọng để tăng thu NSNN năm 2015 và 2016. Tuy nhiên, để có thể bảo đảm cân đối thu chi NSNN hiệu quả, bền vững, vấn đề được đặt ra nhiều năm qua vẫn là phải cơ cấu lại chi NSNN.

Theo TS Vũ Đình Ánh, trong thực tế, do thu không đủ chi nên phần lớn ngân sách địa phương phải trông chờ vào T.Ư. Đây là sự phụ thuộc rất lớn kể cả về mặt số lượng cũng như quy mô. Dù ngân sách địa phương có nhận được bổ sung từ T.Ư thì vẫn còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu chi tại địa phương, và để bù đắp chênh lệch giữa thu và chi, dù đã xin được bổ sung một phần từ T.Ư, địa phương vẫn phải huy động các nguồn lực khác.

Việc huy động này có thể công khai hoặc không công khai và vô tình tạo ra nghĩa vụ nợ cho chính quyền địa phương, tạo nghĩa vụ nợ tiềm ẩn do địa phương không công khai, và do đó, không được đưa vào phần nợ công chính thức của chính quyền địa phương. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải có cơ chế bảo đảm kỷ luật tài chính, sao cho toàn bộ chu trình ngân sách (từ lập dự toán, cho đến thực thi, kiểm toán, kế toán ngân sách) phải được công khai và minh bạch, có trách nhiệm giải trình của người sử dụng NSNN.

Bên cạnh các giải pháp tăng thu nội địa, giảm phụ thuộc vào dầu thô, đối với chi NSNN, năm 2016, Bộ Tài chính đã áp dụng phương pháp đổi mới chính sách phân phối tài chính thông qua lập và thực hiện kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn. Theo đó, việc xác định phạm vi ngân sách đã tuân theo thông lệ quốc tế, đồng thời đã tăng cường minh bạch tài khóa khi công khai đề xuất dự toán và tình hình thực hiện dự toán NSNN, công khai số liệu phải kèm theo báo cáo thuyết minh, công khai kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, các thủ tục NSNN, giám sát thực hiện NSNN của cộng đồng.

Ngoài ra, năm dự toán 2016, Bộ Tài chính đã bổ sung quy định về thực hiện quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ để gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách với kết quả và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, tăng cường trách nhiệm giải trình, minh bạch ngân sách và sự giám sát của các cơ quan quản lý. Các động thái đó đã giúp đổi mới phương thức giải quyết vấn đề chính sách tài chính công nói chung và thu chi NSNN nói riêng. Bên cạnh việc phải tái cơ cấu các nguồn thu, giảm chi thường xuyên thì cần phải thay đổi hoàn toàn cơ chế quản trị các đơn vị sự nghiệp (nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục) để giảm chi thường xuyên từ NSNN, góp phần giảm áp lực cân đối NSNN.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN lũy kế 10 tháng qua đã đạt 777 nghìn tỷ đồng, bằng 85,3% dự toán, tăng 6,3% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 578,2 nghìn tỷ đồng, bằng 90,5% dự toán, tăng 16,2% so cùng kỳ với nhiều khoản thu đã hoàn thành dự toán cả năm như: thuế bảo vệ môi trường đạt 158,3% dự toán; thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 133,3% dự toán; các khoản thu về nhà, đất đạt 128,9% dự toán; lệ phí trước bạ đạt 115,6% dự toán...