Gỡ "nút thắt" về nhân lực, phải xoá bao cấp

Theo Báo Đầu tư

Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, năm 2013, Bộ sẽ thực hiện nhiều giải pháp tài chính đối với cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, gỡ “nút thắt” nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới.

Thưa bà, mức chi cho giáo dục - đào tạo/tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm của Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới. Vậy tại sao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vẫn không đạt được như mong muốn?

Gỡ "nút thắt" về nhân lực, phải xoá bao cấp - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh
Hàng năm, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục - đào tạo tương đương 20% tổng chi ngân sách. Thực tế này cho thấy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới lĩnh vực giáo dục - đào tạo, song do chi ngân sách của nước ta còn thấp (tổng chi ngân sách năm 2012 là 978.000 tỷ đồng, ước  khoảng 47 tỷ USD), nên về số tuyệt đối, chi ngân sách/đầu học sinh, sinh viên còn rất thấp.

Ngoài ra, chi ngân sách vẫn còn mang tính bình quân cho các cơ sở đào tạo, lĩnh vực đào tạo, ngành nghề đào tạo, nên nhiều ngành nghề, lĩnh vực cần nhiều kinh phí đào tạo lại rất thiếu kinh phí. Đây là 2 trong nhiều nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo tăng không tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và nhu cầu nguồn nhân lực doanh nghiệp.

Hơn nữa, do chi phí đào tạo/sinh viên ngày càng tăng, trong khi khung học phí không còn phù hợp với tốc độ tăng giá tiêu dùng, nên để tăng nguồn thu, các cơ sở đào tạo đều phải tăng tuyển sinh đầu vào. Điều này cũng khiến chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng đáng kể.

Thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực đào tạo tăng 20%/năm – cao gần gấp đôi so với mức tăng chung của xã hội. Phải chăng, cơ sở đào tạo quan tâm đến việc tăng thu nhập hơn là nâng cao chất lượng đào tạo?

Triển khai Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ sở đào tạo đã năng động trong việc huy động nguồn vốn ngoài xã hội để tăng nguồn thu, tăng chi cho công tác đào tạo, qua đó chất lượng đào tạo cũng được cải thiện.

Tuy nhiên, Nghị định 43/2006/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, trong đó có việc chưa thực sự trao quyền tự chủ toàn diện cho cơ sở đào tạo về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và đặc biệt là chưa trao quyền tự chủ thực sự cho cơ sở đào tạo về tài chính, nên chất lượng đào tạo tăng không tương xứng.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp là một trong 3 “điểm nghẽn” hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội. Để khơi thông “điểm nghẽn” này sẽ phải thực hiện những chính sách gì, thưa bà?

Trong tháng 2/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định cơ chế hoạt động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực đào tạo.

Trong năm 2013, các bộ này phải sớm hoàn thiện danh mục tiêu chí, tiêu chuẩn và hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật của loại hình dịch vụ giáo dục đại học làm cơ sở để Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đánh giá chất lượng dịch vụ (qua chất lượng nguồn nhân lực) do cơ sở đào tạo cung cấp; quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn các ngành đào tạo cần đặt hàng và tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo nhận đặt hàng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước còn phải nghiên cứu, đổi mới cơ chế tính giá đặt hàng sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp đào tạo theo hướng từng bước tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý trong giá dịch vụ, phù hợp với thị trường và khả năng của ngân sách nhà nước. Ngoài ra, còn phải kiên quyết thực hiện lộ trình xoá bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ đào tạo (học phí).

Nói như vậy thì việc tăng học phí đủ để bảo đảm chi phí đào tạo là bắt buộc?

Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP, thì học phí được điều chỉnh theo lộ trình tăng dần (khoảng 20 -  25%/năm), nhưng theo tính toán thì đến năm 2015, mức học phí cũng chỉ đáp ứng được 40 - 50% chi phí đào tạo cần thiết.

Tôi nghĩ rằng, trên bình diện tổng thể, chưa thể thực hiện được tăng học phí ngay đủ để trang trải chi phí đào tạo, mà phải thực hiện theo lộ trình. Người học phải trả đủ chi phí đào tạo và có một phần để cơ sở đào tạo tái đầu tư, nâng cao chất lượng. Với các đối tượng chính sách xã hội, đối tượng nghèo, để bảo đảm lợi ích của cơ sở đào tạo và cũng để đối tượng này được tiếp cận và thụ hưởng chất lượng đào tạo như đối tượng phải đóng đầy đủ học phí, Nhà nước có chính sách bảo đảm kinh phí, hỗ trợ tương xứng cho đối tượng này.

Hiện có khá nhiều ngành học, như tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin… có nhu cầu đào tạo rất cao, người học có đủ tiềm lực tài chính để chi trả và nhiều cơ sở đào tạo trong nước đáp ứng được chất lượng đào tạo. Với những ngành học này, theo tôi, ngân sách cần phải giảm mức đầu tư, cho phép cơ sở đào tạo thu học phí bảo đảm đủ chi phí đào tạo chất lượng cao. Việc hàng năm cả nước có hàng chục ngàn sinh viên ra nước ngoài học tự túc cho thấy, nhu cầu chi trả đào tạo chất lượng cao trong xã hội rất lớn. Nếu cho phép một số ngành học, một số cơ sở đáp ứng đủ tiêu chuẩn đào tạo chất lượng cao thu học phí tương xứng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề: giảm lượng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài, tăng nguồn lực tài chính cho cơ sở đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội và ngân sách sử dụng số tiền không phải cấp cho các cơ sở đào tạo này để bổ sung cho cơ sở đào tạo khác để nâng cao chất lượng.