Ngành Tài chính:

Góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2015

Theo Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

Bám sát các mục tiêu, định hướng đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Bộ Tài chính đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành Tài chính xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch phát triển trung và dài hạn,đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 5 năm có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những kết quả đạt được

Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình thu - chi và thực hiện cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2011 - 2015, nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm tăng cường huy động cho ngân sách, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, quản lý chặt chẽ nợ công, phát triển thị trường tài chính, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh...

Cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng bền vững

Trong giai đoạn 2011 - 2015, mức độ động viên NSNN có xu hướng giảm so với giai đoạn trước, chủ yếu do chịu tác động bởi 2 yếu tố: (i) Tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến và thấp hơn giai đoạn trước; (ii) Điều chỉnh chính sách động viên, làm giảm thu NSNN trong ngắn hạn, trong đó, nhiều chính sách về thu NSNN được ban hành trong giai đoạn 2011 - 2015 để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế... theo hướng cắt giảm, điều chỉnh một số loại thuế nhanh hơn dự kiến. Bình quân cả giai đoạn, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN khoảng 21% GDP (khá sát với mục tiêu đề ra).

Mặc dù, tổng thu ngân sách/GDP giảm, song cơ cấu thu đã có chuyển biến theo hướng tích cực, tỷ trọng thu nội địa (phản ánh mức động viên từ nội bộ nền kinh tế) đã tăng từ 59% (giai đoạn 2006 - 2010) lên 68% (giai đoạn 2011 - 2015), đến năm 2015 chiếm 74% tổng thu NSNN.Sự chuyển dịch cơ cấu thu cơ bản đảm bảo theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giảm do tham gia hội nhập quốc tế.Trong cơ cấu thu nội địa, thu từ sản xuất - kinh doanh tăng trưởng ở mức cao và trở thành nguồn thu giữ vai trò quan trọng của NSNN, tỷ trọng thu từ khu vực ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng dần theo các giai đoạn (2001 - 2005 là 14%, 2006 - 2010 là 21%, 2011 - 2015 dự kiến khoảng 26%).

Thực hiện phân bổ có hiệu quả nguồn lực NSNN, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm chi NSNN

Chi NSNN đã thực hiện phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm: Tổng chi NSNN giai đoạn 2011 - 2015 đạt mức bình quân khoảng 28,3% GDP. Chi thường xuyên giai đoạn 2011 - 2015 ở mức bình quân khoảng 65% tổng chi NSNN, tăng so với giai đoạn 2006 - 2010 (bình quân 54 - 55%) do thực hiện điều chỉnh tiền lương, chế độ phụ cấp công vụ và ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội; chi trả nợ cũng tăng nhanh do phải duy trì bội chi NSNN ở mức cao, đồng thời tăng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) cho đầu tư phát triển.

Chi NSNN đã và đang được điều hành theo hướng chặt chẽ, rà soát, sắp xếp lại các khoản chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; hạn chế bổ sung ngoài dự toán... và quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách.Cơ chế phân bổ vốn đầu tư từng bước được thực hiện theo kế hoạch trung hạn, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí nguồn lực theo thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện có kết quả các giải pháp để tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn TPCP.

Cân đối NSNN được duy trì theo các mục tiêu đề ra, dư nợ công, dư nợ chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia được đảm bảo trong giới hạn cho phép

Trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi, tăng trưởng thấp hơn dự kiến, ảnh hưởng đến thu NSNN; tích lũy của nền kinh tế còn nhỏ, khả năng huy động đầu tư từ các nguồn ngoài NSNN còn hạn chế nên những năm qua Việt Nam đã chủ động điều hành bội chi NSNN theo hướng linh hoạt, chấp nhận bội chi cao ở một số thời điểm để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bội chi NSNN năm 2015 dự kiến 5% GDP, tuy cao hơn so với mục tiêu 4,5% GDP đề ra nhưng đã thể hiện xu hướng giảm so với hai năm trước đó.

Nợ công, nợ chính phủ và nợ quốc gia được quản lý chặt chẽ, các chỉ tiêu về nợ nằm trong giới hạn. Tính đến ngày 31/12/2014,dư nợ công khoảng 59,6% GDP, dư nợ chính phủ khoảng 47,4% GDP, vẫn trong ngưỡng đã được Quốc hội phê duyệt. Dự kiến đến cuối năm 2015, dư nợ công ở mức 61,3% GDP. Cơ cấu vay của Chính phủ thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng vay trong nước, với các kỳ hạn dài.

Thị trường tài chính tiếp tục phát triển ổn định, quá trình tái cơ cấu được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tiến độ đề ra

Thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục phát triển theo hướng ổn định và tích cực hơn so với giai đoạn trước đó. Các quy định về tái cấu trúc 4 trụ cột của TTCK là cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và hệ thống thị trường ngày càng được hoàn thiện. Vốn hóa TTCK so với GDP năm 2014 đạt khoảng 32,7% GDP (tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2010). Dư nợ thị trường trái phiếu ngày càngcao, tương đương khoảng 21,77% GDP năm 2014, gấp 2,19 lần năm 2010. Trong giai đoạn 2011 - 2015, quy mô huy động vốn qua TTCK ước đạt khoảng gần 1 triệu tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư toàn xã hội.

Quy mô và vai trò của thị trường bảo hiểm được nâng cao, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm được tăng cường, số lượng sản phẩm phát triển đa dạng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường giai đoạn 2010 - 2014 tăng trung bình 15,6%/năm, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trung bình 15,4%/năm.

Thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, tư vấn thuế, đại lý hải quanđược hình thành và có những bước phát triển quan trọng. Các chủ thể tham gia thị trường dịch vụ tài chính tiếp tục phát triển đa dạng hơn, cạnh tranh bình đẳng hơn. Phạm vi cung ứng dịch vụ được mở rộng, chất lượng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường.

Cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính được chú trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính đã được quyết liệt triển khai một cách đồng bộ và toàn diện với các lĩnh vực tài chính như chứng khoán, tài chính doanh nghiệp, bảo hiểm, tài chính công. Kết quả cải cách hành chính trong các lĩnh vực tài chính đã có sự bổ trợ cho nhau, qua đó tạo hiệu ứng nâng cao hiệu quả cải cách hành chính chung trong cả hệ thống tài chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chỉ số cải cách hành chính có sự cải thiện rõ rệt; đã rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, hải quan; rút ngắn số giờ nộp thuế xuống còn 117 giờ/năm (giảm được 370 giờ/năm trong năm 2014 và 50 giờ trong 6 tháng đầu năm 2015); giảm thời gian làm thủ tục hải quan (thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp được rút ngắn xuống mức trung bình của ASEAN - 6, trong đó, xuất khẩu là 14 ngày, nhập khẩu là 13 ngày).

Mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020

Trên cơ sở các kết quả đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015, ngành Tài chính tiếp tục đặt ra những chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm:(i) Tiếp tục thực hiện cải cách hệ thống thuế, đảm bảo huy động vào NSNN từ thuế, phí mức hợp lý. Tỷ trọng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2020 đạt khoảng 80% tổng thu NSNN;(ii) Hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực được nâng cao, đảm bảo gắn kết với việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội; (iii) Phát triển đồng bộ thị trường tài chính, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hoạt động trên thị trường để khơi thông, động viên các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội;(iv) Đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia; cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN, duy trì dư nợ chính phủ và nợ quốc gia trong giới hạn quy định; tăng cường dự trữ nhà nước, đáp ứng kịp thời các nhu cầu đột xuất của nền kinh tế.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới được ngành Tài chính ưu tiên thực hiện là:Thứ nhất,tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô; tăng cường hiệu quả huy động, phân bổ nguồn lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai,thực hiện cơ cấu chi NSNN vững chắc theo hướng điều chỉnh giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển với lộ trình phù hợp, kết hợp với điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và giám sát tài chính quốc gia; đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công.

Thứ ba,phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc giao quyền tự chủ toàn diện cho khu vực sự nghiệp công lập, tăng cường xã hội hóa cung cấp dịch vụ công.

Thứ tư,xây dựng, hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quản trị công ty, minh bạch và công khai thông tin tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Thứ năm,tăng cường giám sát của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, phấn đấu đến năm 2020 đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững thị trường trái phiếu.

Thứ sáu,đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế; xây dựng chính sách hội nhập tài chính hiệu quả, phát huy được các lợi thế cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Thứ bảy,tập trung phát triển các yếu tố tiền đề cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ); đồng thời tập trung phát triển có hiệu quả một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ.Thứ tám,đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán, bảo hiểm, tài chính doanh nghiệp… nhằm tạo môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo minh bạch và nâng cao hiệu quả giám sát của xã hội.