Hải quan Bình Dương lắng nghe và đồng hành cùng Doanh nghiệp Nhật Bản

Lê Xuyền

(Tài chính) Sáng ngày 10/5/2013, Cục Hải quan Bình Dương đã phối hợp cùng VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương lần I/2013 nhằm phổ biến các quy định mới về quy trình thủ tục hải quan, thủ tục cấp C/O, và giải đáp khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: FinancePlus.vn
Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: FinancePlus.vn

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các đơn vị Khối tham mưu, các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan Bình Dương. Ngoài ra, tham dự Hội nghị có Ông Kakuro Sato- Phó Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, Ông Yamamoto- Trưởng đại diện DN Nhật Bản tại Bình Dương, Đại diện Phòng VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Đại diện cho khoảng 60 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương và cơ quan báo đài như Đài Truyền hình Bình Dương, Thông tấn xã Việt Nam…

Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Hải quan bình dương với DN nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực được thực hiện hóa trong cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa Hải quan nhằm tạo lập môi trường thương mại lành mạnh, bình đẳng, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và nuôi dưỡng nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước.

Được biết, Nhật Bản là một trong những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng các DN đến đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, thị trường Việt Nam không chỉ hấp dẫn các DN Nhật Bản đầu tư vào sản xuất mà trong lĩnh vực thương mại dịch vụ hạ tầng cũng đang được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có hơn 170 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 3,2 tỷ USD. Trong 3 năm qua, nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản gia tăng nhanh chóng. Cụ thể năm 2011, vốn đầu tư Nhật Bản chiếm 26% trong tổng vốn 1,12 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào tỉnh; năm 2012, vốn đầu tư từ Nhật Bản chiếm đến 75,08% trong tổng số 2,84 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào tỉnh; 3 tháng đầu năm 2013, Nhật Bản tiếp tục là một trong những quốc gia có vốn đầu tư lớn vào Bình Dương.

Tính riêng trong năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt trên 25 tỉ USD và Nhật Bản tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Về đầu tư, tính đến cuối năm 2012, Nhật Bản đã đứng thứ nhất về đầu tư vào Việt Nam với hơn 1.800 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng kí 29 tỉ USD.

Qua những số liệu trên, cho thấy tầm quan trọng của các Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam nói chung, trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng. Vì vậy, Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương đã chỉ đạo cần chú trọng công tác tiếp xúc mời gọi, đối thoại thường xuyên và tích cực hưởng ứng cũng như phối hợp với các sở ban ngành trong tỉnh hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp Nhật Bản, thành lập một số hoạt động cục thể như: tổ tư vấn trực tuyến tại Khối tham mưu và tổ giải đáp vướng mắc ở các  đơn vị trực thuộc; Áp dụng quản lý rủi ro đối với hàng hóa XNK và chỉ tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa đối với các lô hàng mà cơ sở dữ liệu và kết quả thu thập thông tin cho thấy có khả năng, dấu hiệu vi phạm…

Tại Hội nghị đối thoại lần này, Cục Hải quan Bình Dương đã nhận được khoảng 15 câu hỏi vướng mắc về các lĩnh vực như: thủ tục nhập khẩu phụ tùng linh kiện, thủ tục cấp  giấy chứng nhận xuất xứ, tại sao C/O form D thì được ghi số Invoice của nước thứ 3 còn C/O mẫu B thì không, các vấn đề liên quan đến Báo cáo thanh khoản, Bảo lưu thuế nhập khẩu nguyên vật liệu…Qua Hội nghị các câu hỏi vướng mắc đều được Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các Phòng ban Cục Hải quan Bình Dương, Đại diện VCCI chi nhánh TP Hồ Chí Minh trả lời thỏa đáng.

Năm 2013, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện thuận lơi nhất cho tất cả doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh Bình Dương nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương nói riêng, Cục Hải quan Bình Dương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính để hỗ trợ tối đa cho DN trong hoạt đông XNK: Khắc phục những tồn tại của việc áp dụng Hải quan điện tử (các sự cố kỹ thuật đường truyền số liệu, nâng cao an toàn mạng…). Ngoài ra, Hải quan Bình Dương sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng máy soi container tại Bãi kiểm tra thực tế hàng hóa tập trung thuộc Chi cục Hải quan Quản lý hàng hóa XNK Ngoài khu công nghiệp.

Đặc biệt, Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương sẽ quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng đối thoại Hải quan – doanh nghiệp; Trong đó có Hội doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; nhanh chóng truyền tải các thông tin cập nhật cề cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động Hải quan tới cộng đồng DN. Thu thập ý kiến của các DN để phản ánh lên cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện những chính sách, quy định có liên quan…Góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Bế mạc Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Phước Việt Dũng mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn nữa những ý kiến đóng góp của Hội Doanh nghiệp Nhật Bản thông qua các Hội nghị đối thoại và mong muốn mối quan hệ giữa Hải quan và cộng đồng Doanh nghiệp ngày càng bền chặt, thân thiện và “Chúc Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản gặp nhiều cơ hội tốt, hoạt động kinh doanh thuận lợi, đạt được mục tiêu đã đề ra”.