Hải quan Hà Nội: Mạnh tay với nợ thuế

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Thực hiện biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản tiền gửi hoặc đã áp dụng nhưng chưa đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt. Đây là một trong những biện pháp mà Cục Hải quan Hà Nội đang triển khai để việc ban hành và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đúng quy định, đi vào nề nếp và thống nhất.

 Hải quan Hà Nội: Mạnh tay với nợ thuế
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Nguồn: baohaiquan.vn

Khó khăn trong xử lý

Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2013, Cục Hải quan Hà Nội đã ban hành 185 Quyết định cưỡng chế thuế. Số thuế thu hồi được từ việc ban hành các quyết định cưỡng chế là 504 triệu đồng. Theo Cục Hải quan Hà Nội, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế chủ yếu chỉ dừng lại ở biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi.

Thậm chí có trường hợp, cơ quan Hải quan thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền gửi nhưng lại không có được sự hợp tác của cơ quan chức năng có liên quan, dẫn đến việc xử lý nợ gặp khó khăn.

Đơn cử như trường hợp xử lý nợ đối với Công ty cổ phần ô tô TMT. Mặc dù, cho đến nay Công ty này đang đề nghị được giải tỏa cưỡng chế và xin xóa nợ đối với khoản nợ thuế truy thu xe gắn máy 2 bánh theo tỷ lệ nội địa hóa năm 2001, nhưng trong thời gian chờ kết luận cuối cùng của Bộ Tài chính, cơ quan Hải quan khi áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thu hồi nợ gặp khó khăn.

Cụ thể, sau ngày 30/6, các quyết định cưỡng chế bằng hình thức trích tiền gửi tại ngân hàng đối với Công ty cổ phần ô tô TMT, được ban hành từ tháng 2 và tháng 4/2013 đã hết hiệu lực, nhưng Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam chưa trích tiền gửi của công ty chuyển nộp ngân sách nhà nước. Lý do, giải thích cho cách làm của các ngân hàng thương mại là trong thời gian này, Công ty cổ phần ô tô TMT nộp hồ sơ chờ xem xét xóa nợ thuế.

Với trường hợp này, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc, đơn vị trực tiếp làm thủ tục đối với doanh nhân này không chỉ gặp khó trong việc thực thi các hoạt động nghiệp vụ, còn đối với các ngân hàng thương mại, việc áp dụng xử phạt hành chính đối với hành vi không thực hiện trích nộp vào tài khoản chưa rõ có bị áp dụng không.

Xử phạt nếu không trích nộp tài khoản

Để công tác thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả cao, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội đang quyết liệt chỉ đạo các chi cục hải quan thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế như: Ban hành quyết định cưỡng chế; thực hiện quyết định cưỡng chế thuế và xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định cưỡng chế thuế; các biện pháp thi hành quyết định hành chính thuế.

Lãnh đạo Cục lưu ý các chi cục khi ban hành các quyết định cưỡng chế thuế, thường xuyên kiểm tra, rà soát các căn cứ pháp lý, loại bỏ các căn cứ pháp lý hết hiệu lực, thay thế các căn cứ đang có hiệu lực thi hành. Dẫn chiếu thông báo thuế, quyết định ấn định thuế phải có thời gian ban hành trên 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nộp tiền chậm nộp, nộp tiền phạt trừ trường hợp người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn…

Khi thực hiện quyết định cưỡng chế thuế và xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, các nhân không chấp hành quyết định cưỡng chế thuế, cơ quan Hải quan tiến hành xác minh những thông tin về tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế ở tất cả các ngân hành thương mại.

Đối với trường hợp người nộp thuế đã tự nguyện nộp đủ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) trước khi bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thì các chi cục phải thông báo ngay cho các tổ chức, cá nhân có liên quan dừng việc thực hiện cưỡng chế thuế.

Đáng lưu ý, trong thời gian thi hành quyết định cưỡng chế thuế, nếu trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thuế còn số dư mà các Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng không thực hiện trích nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan Hải quan mở tại Kho bạc nhà nước theo quyết định cưỡng chế thì tiến hành xử lý vi phạm hành chính về hành vi không thực hiện trích nộp vào tài khoản của các đơn vị này.

Theo Cục Hải quan Hà Nội, biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được áp dụng khi không thực hiện được biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản tiền gửi hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt.

Khi cơ quan Hải quan không áp dụng được các biện pháp trích tiền từ tài khoản và biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp hoặc có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn, cơ quan Hải quan sẽ có văn bản yêu cầu cơ quan thuế quản lý trực tiếp ra thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Ngoài ra, lãnh đạo Cục cũng lưu ý các chi cục không áp dụng biện pháp kê biên đối với đối tượng bị cưỡng chế đang trong thời gian chữa bệnh, được cơ quan và tổ chức y tế xác nhận. Biện pháp kê biên tài sản cũng không áp dụng với trường hợp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan Hải quan mà đối tượng bị cưỡng chế không cung cấp thông tin về tài sản hiện đang sở hữu và cơ quan Hải quan không nhận được thông tin khác về tài sản của đối tượng bị cưỡng chế. Với trường hợp trị giá tài sản của đối tượng bị cưỡng chế không đủ bù đắp chi phí cưỡng chế cũng không áp dụng biện pháp kê biên tài sản.