Hải quan Hà Nội: Nhiều giải pháp tăng thu ngân sách

Lục Trường

(Tài chính) Xác định nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề, toàn thể cán bộ, công chức Hải quan Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu đạt kết quả thu ngân sách cao nhất. Xung quanh vấn đề trên, Tài chính & Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trường - Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hà Nội.

Phóng viên: Xin ông khái quát một số nét chính về công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của Cục Hải quan Hà Nội trong 8 tháng đầu năm 2013?

Hải quan Hà Nội: Nhiều giải pháp tăng thu ngân sách - Ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Trường.
Cục trưởng Cục Hải quan
TP. Hà Nội
Cục trưởng Nguyễn Văn Trường: Tính đến 31/8/2013, số thu của Hải quan Hà Nội đạt gần 9.200 tỷ đồng, đạt 58% chỉ tiêu được giao. Dù đã tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số thu này vẫn thấp hơn so với dự toán.

Ngay từ đầu năm, nhận định được những khó khăn trong công tác thu ngân sách, Hải quan Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để khai thác và quản lý tốt nguồn thu, nhưng những diễn biến không thuận của nền kinh tế thế giới và trong nước đã tác động trực tiếp đến nguồn thu của Cục. Hoạt động đầu tư nước ngoài và kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK) trầm lắng.

Tính chung, kim ngạch XNK trong 8 tháng đầu năm 2013 giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Số thu từ nhóm hàng nhập khẩu chính làm thủ tục qua Hải quan Hà Nội như linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, điện gia dụng, hóa chất… giảm so với cùng kỳ, do lực cầu hàng hóa, tiêu dùng giảm.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số hàng tồn kho lớn và có xu hướng tăng cao, trong 5 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ hàng tồn kho lên đến 75,4%. Nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng phá sản, giải thể làm co hẹp nguồn thu và tăng nợ khó đòi... Đây chính là những nguyên nhân cơ bản tác động đến kết quả thu ngân sách của Hải quan Hà Nội.

Được biết, khó khăn lớn nhất của Cục hiện nay là xử lý số tiền nợ đọng thuế quá hạn của DN. Vậy, giải pháp xử lý hiệu quả vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Xác định thu hồi nợ đọng thuế luôn là công tác phức tạp và khó khăn, Hải quan Hà Nội đã tập trung nhiều biện pháp tích cực thu nợ thuế, trong 8 tháng đầu năm 2013, Cục đã thực hiện thu hồi khoảng 381 tỷ đồng tiền nợ thuế quá hạn.

Tính đến ngày 31/8/2013, tổng số nợ thuế quá hạn qua Hải quan Hà Nội là 509 tỷ đồng. Trong đó, số nợ khó có khả năng thu hồi là khoảng 400 tỷ đồng. Nguyên nhân do DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên chưa có tiền nộp thuế; một số đối tượng có dấu hiệu chây ỳ thuế; ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như giáo dục đang chờ xét miễn thuế; hàng thuộc đối tượng ưu đãi đặc biệt đang chờ bổ sung C/O để điều chỉnh giảm thuế…

Để xử lý số tiền nợ thuế quá hạn của DN, Hải quan Hà Nội đã thành lập Ban thu hồi nợ thuế của Cục và các Tổ thu hồi nợ thuế của Chi cục để thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ. Trong đó, thực hiện phân loại DN và xây dựng kế hoạch chi tiết về thu hồi nợ thuế đối với từng DN. Tập trung xử lý các khoản nợ thuế lớn của các DN đang hoạt động nhưng chây ỳ không nộp thuế. Hải quan Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuế địa phương, Sở Kế hoạch & Đầu tư và các tỉnh lân cận để truy tìm DN mất tích, bỏ trốn; phối hợp thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh…

Đâu là các giải pháp vượt khó của cán bộ, công chức Hải quan Thủ đô trong bối cảnh tình hình kinh tế những tháng cuối năm chưa thể khả quan, thưa ông?

Xác định nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề, đặc biệt là trong công tác thu NSNN, cán bộ, công chức Hải quan Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong các lĩnh vực công tác.

Theo đó, trước tiên tiếp tục tạo thuận lợi cho DN trong quá trình làm thủ tục hải quan. Đến nay, 100% Chi cục của Hải quan Hà Nội đã áp dụng thủ tục hải quan điện tử, với 97,6% DN XNK qua địa bàn được làm thủ tục qua hệ thống hải quan điện tử. Qua đó, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí và cho DN. Hải quan Hà Nội cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ, thực hiện đầy đủ các chương trình cải cách, hiện đại hóa của Ngành, tiến tới sẵn sàng cùng toàn Ngành triển khai và áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS - hệ thống thông quan tự động tiên tiến do Nhật Bản tài trợ vào năm 2014, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian hơn nữa trong giải quyết thủ tục hải quan.

Trong 8 tháng đầu năm 2013, với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ, Hải quan Hà Nội đã thực hiện thu hồi được 381 tỷ đồng tiền nợ thuế quá hạn tại các DN xuất nhập khẩu và NSNN.

Hai là, lắng nghe ý kiến, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh của DN trong quá trình làm thủ tục, Hải quan Hà Nội cũng liên tục tổ chức Hội nghị đối thoại với DN, với sự tham dự của lãnh đạo Cục, đại diện các đơn vị nghiệp vụ. Qua đó, tạo được kênh thông tin thường xuyên và trực tiếp với DN.

Ba là, tập trung nguồn nhân lực cho công tác kiểm tra sau thông quan, chú ý tới các lĩnh vực, mặt hàng có khả năng gian lận cao, những mặt hàng có mức thuế lớn. Bên cạnh đó, để hạn chế việc phát sinh nợ thuế trong lĩnh vực hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, Hải quan Hà Nội thực hiện rà soát, theo dõi, phân tích kỹ tình hình thực tế của từng DN để có biện pháp quản lý phù hợp. Nâng cao năng lực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Hải quan Hà Nội có kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?

Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan kiến nghị với Chính phủ sửa đổi quy định về hàng hóa chuyển cửa khẩu tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 30/12/2005 để cho phép hàng tiêu dùng được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về địa điểm làm thủ tục ngoài cửa khẩu, kho ngoại quan cho phù hợp với Luật Hải quan, giảm thời gian, chi phí vận chuyển cho DN (do hàng hóa tiêu dùng được cung cấp phần lớn cho Thủ đô). Chủ trương này cũng phù hợp với chính sách ưu tiên phát triển theo Luật Thủ đô, có hiệu lực từ tháng 7/2013.

Kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, trên cơ sở báo cáo dự toán thu ngân sách của địa phương, kiểm tra, đánh giá chính xác tình hình hoạt động XNK, các yếu tố tác động đến thu NSNN để giao dự toán thu NSNN sát với khả năng thực hiện của địa phương trong những năm tới.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 9 - 2013