Hải quan Quảng Bình: Tuyên truyền để làm tốt khâu hậu kiểm

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Qua công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), Cục Hải quan Quảng Bình đã kiểm tra, đánh giá được sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (DN), truy thu hàng tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách Nhà nước. Có được kết quả đó là nhờ đơn vị đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp.

 Hải quan Quảng Bình: Tuyên truyền để làm tốt khâu hậu kiểm
Công chức Hải quan Quảng Bình tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho DN

Theo ông Lê Văn Lưu, Phó Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ- Cục Hải quan Quảng Bình, để nâng cao hiệu quả tại các cuộc kiểm tra, lực lượng KTSTQ của đơn vị đã chú trọng tuyên truyền, giải thích rõ các quy định của pháp luật về KTSTQ, quyền và nghĩa vụ của DN, cơ quan Hải quan trong mỗi cuộc kiểm tra. Từ đó, cộng đồng DN, các tổ chức, cá nhân nắm được các quy định, yêu cầu, tác dụng của công tác KTSTQ và có cái nhìn đúng đắn hơn về công tác này.

Trên thực tế, từ khi ngành Hải quan áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong quản lý nhà nước về Hải quan nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại, thì việc phòng ngừa, phát hiện gian lận thương mại trong thông quan hàng hóa qua việc tăng cường công tác KTSTQ là hoàn toàn cần thiết.

Cũng theo ông Lê Văn Lưu, nhận thức được nhiệm vụ nặng nề trên, Chi cục KTSTQ đã tham mưu cho lãnh đạo Cục biên soạn thành công cuốn “Sổ tay quy định của pháp luật về KTSTQ” nhằm tuyên truyên rộng rãi đến người dân và DN biết và phối hợp với cơ quan Hải quan trong việc thực hiện nhiệm vụ KTSTQ. Lãnh đạo Cục đã chỉ đạo cho lực lượng KTSTQ kịp thời xây dựng kế hoạch gắn với mục tiêu cụ thể hàng năm như tích cực hoàn thành các cuộc KTSTQ, phúc tập hồ sơ để góp phần vào chỉ tiêu thu nộp ngân sách Nhà nước.

Năm 2012, Chi cục KTSTQ đã trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn công tác phúc tập hồ sơ tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu: cảng Hòn La, Cha Lo tạo được sự chuyển biến về số lượng, chất lượng phúc tập. Các chi cục đã tiến hành phúc tập được trên 99% bộ tờ khai (8.904/9.991 bộ tờ khai).

Đáng lưu ý, Chi cục đã ra kết luận cho 25 cuộc kiểm tra KTSTQ, truy thu 1,25 tỷ đồng tiền thuế, vượt 150% chỉ tiêu kế hoạch giao và tăng 384% so với năm 2011.

Bên cạnh đó, trên cơ sở các quy định về nghiệp vụ KTSTQ, Chi cục còn đặt ra cho mỗi cuộc kiểm tra như xác định phạm vi kiểm tra, hoạt động của DN trong một giai đoạn, kiểm tra việc xuất nhập khẩu ở một mặt hàng (như kiểm tra về trị giá, mã số…). Mặt khác, lực lượng KTSTQ còn phối hợp với lực lượng: Kiểm lâm, Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước… trên địa bàn thu thập thông tin đối với những trường hợp có nghi vấn, cần xác minh, củng cố hồ sơ, tài liệu làm cơ sở để kết luận KTSTQ.

Nhằm cụ thể hóa các biện pháp nghiệp vụ trên, ngay từ đầu năm 2013, Cục Hải quan Quảng Bình đã xây dựng Kế hoạch KTSTQ tại trụ sở DN năm 2013. Thông qua kế hoạch này, lãnh đạo Cục đã thống nhất triển khai một số nghiệp vụ cơ bản như thẩm định tính chính xác các nội dung của các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và đánh giá sự tuân thủ pháp luật trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của người khai hải quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Hải quan.

Đơn vị đã lập tiêu chí lựa chọn DN để kiểm tra gồm: DN có kim ngạch xuất nhập khẩu và số thuế nộp ngân sách trong những năm qua, nhưng chưa được kiểm tra tại trụ sở DN; những mặt hàng có thuế, có khả năng gian lận như: Quặng các loại, gỗ các loại, trâu bò sống dùng để làm thịt, hàng tạm nhập, tái xuất… Cụ thể, trong năm 2013, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo cho lực lượng KTSTQ tiến hành 7 cuộc kiểm tra đối với 7 DN ở các loại hình xuất nhập khẩu như nhập kinh doanh, xuất kinh doanh, tạm nhập-tái xuất.