Hàng dự trữ luôn kịp thời hỗ trợ nhân dân

Phạm Việt Hà – Nguyễn Hồng Sâm (Thực hiện)

“Đến nay, số lượng hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng, kịp thời cứu trợ, hỗ trợ, giúp nhân dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống”, ông Đỗ Việt Đức, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về chủ đề này.

PV: Thưa ông, 2017 là năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện hiện tượng El Nino, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, gây nên nhiều thiệt hại ở các địa phương. Ngành Dự trữ đã nhiều lần thực hiện cứu trợ, hỗ trợ, vậy xin ông cho biết rõ hơn về công tác xuất cấp hàng dự trữ để cứu trợ, viện trợ từ đầu năm đến nay?

Hàng dự trữ luôn kịp thời hỗ trợ nhân dân - Ảnh 1
Ông Đỗ Việt Đức - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

 
Ông Đỗ Việt Đức: Từ đầu năm 2017 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia (DTQG) cho các địa phương để cứu đói, hỗ trợ Tết Nguyên đán và phòng chống thiên tai, dịch bệnh, viện trợ... Bộ Tài chính xuất hơn 53.711 tấn gạo để cứu trợ Tết Nguyên đán, hỗ trợ nhân dân trong thời điểm giáp hạt, dịch bệnh, ảnh hưởng của thiên tai, viện trợ cho Cu Ba, hỗ trợ học sinh các vùng đặc biệt khó khăn.

Về vật tư thiết bị, Bộ Tài chính cũng đã xuất cấp xuồng cao tốc, máy phát điện, máy bơm nước chữa cháy, thiết bị khoan cắt bê tông, phao tròn cứu sinh, phao áo cứu sinh, bè nhẹ cứu sinh và nhà bạt các loại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp hàng nghìn tấn hạt giống rau, lúa, ngô, xuất cấp vắc xin, thuốc sát trùng để phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất nông nghiệp; Bộ Quốc phòng xuất cấp nhiều xe chuyên dùng để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng; Bộ Công an cũng đã tạm xuất nhiều mặt hàng trang thiết bị, phương tiện từ nguồn DTQG để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh an toàn phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2017...  Với những hoạt động trên, có thể khẳng định, hàng DTQG đã luôn triển khai thực hiện kịp thời đến đúng địa chỉ, đảm bảo chất lượng

Với lượng hàng hóa lớn được xuất cấp, việc thực hiện cơ chế giám sát đã được Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) triển khai như thế nào, để bảo đảm hàng hóa cứu trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng, thưa ông?

Cơ chế giám sát hàng DTQG hiện nay khá chặt chẽ, nhất là việc hỗ trợ gạo cho học sinh. Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức cấp phát, giao nhận gạo hỗ trợ học sinh; Văn bản yêu cầu các địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra quá trình xác định học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ gạo, tiếp nhận, quản lý và sử dụng gạo hỗ trợ học sinh để kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện.

Việc phân bổ, cấp phát gạo cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt và khắc phục hậu quả thiên tai đều do chính quyền các cấp thực hiện, có sự kiểm tra, giám sát của ngành chức năng và sự phối hợp kiểm tra, giám sát của các cục DTNN khu vực phụ trách địa bàn. Do vậy, trong thời gian qua việc xuất cấp, giao nhận, phân phối và sử dụng hàng DTQG bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích và được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.

Vậy trong quá trình thực hiện quản lý, xuất cấp hàng dự trữ có gặp những khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

Những năm vừa qua, ngân sách nhà nước (NSNN) gặp nhiều khó khăn, việc bổ sung vốn mua tăng và bù chênh số lượng hàng dự trữ đã xuất cấp tại một số thời điểm chưa được kịp thời. Trong khi đó, việc mua, bán lương thực được thực hiện theo thời vụ thu hoạch của từng vùng miền cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn mua hàng.

Hơn nữa, trong những tháng đầu năm, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã xuất cấp gạo để cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân. Số lượng gạo này đã đưa vào kế hoạch xuất bán luân phiên đổi hàng hàng năm để lấy vốn mua hàng mới, nay đã xuất cấp làm giảm số vốn mua hàng, cũng đã làm thiếu vốn mua hàng trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, nhất là đối với mặt hàng thóc phải mua theo thời vụ và mua trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng, cần có nguồn vốn thanh toán ngay.

Bên cạnh đó, vật tư, thiết bị nhập kho DTQG là các mặt hàng có thời hạn bảo quản lưu kho dài ngày để sử dụng trong những tình huống đột xuất, cấp bách, do đó phải tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật riêng. Đây là các mặt hàng không có sẵn trên thị trường, phải nhập khẩu hoặc phải sản xuất sau khi ký hợp đồng. Điều này khiến công tác nhập hàng đôi khi bị chậm tiến độ.

Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao, xin ông cho biết, trong năm tới Tổng cục DTNN cần thực hiện những giải pháp cụ thể nào?

Thứ nhất, về hoàn thiện cơ chế chính sách: Tổng cục DTNN phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG để thực hiện đồng bộ Luật DTQG.

Thứ hai, chuẩn bị sẵn sàng triển khai kế hoạch năm 2018, cụ thể là: Tập trung đôn đốc các bộ, ngành quản lý hàng DTQG chỉ đạo các đơn vị được giao trực tiếp quản lý hàng DTQG tích cực triển khai thực hiện kế hoạch năm 2017 chuyển sang (nếu có) và kế hoạch 2018 theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ; Giải quyết kịp thời về giá, vốn, phí và các điều kiện khác để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch; Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để thực hiện khảo sát, nắm bắt thông tin thường xuyên về giá trên thị trường để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định giá mua, thời điểm mua, bán; Bảo đảm tiết kiệm NSNN và hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Thứ ba, để sẵn sàng xuất cấp hàng DQTG cho các địa phương theo quyết định của cấp có thẩm quyền, Tổng cục DTNN chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị tốt mọi nguồn lực triển khai thực hiện xuất cấp hàng DTQG cho nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng, nhất là triển khai kế hoạch hỗ trợ gạo kịp thời cho các địa phương miền Trung bị ảnh hưởng của thiên tai trong thời gian qua, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Chủ động đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, kịp thời chấn chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý việc quản lý, sử dụng hàng DTQG xuất cấp không đúng đối tượng, mục đích (nếu có).

Xin cảm ơn ông!