Năm 2015:

Hàng hóa thiết yếu không tăng giá - Đáp ứng mong đợi của cộng đồng

PV.

Năm 2015, tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động, giá dầu thô không ổn định, lãi suất và tỷ giá các đồng tiền mạnh biến động... đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, đặc biệt ảnh hưởng về giá cả của các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, sữa, vận tải...

Nhiều mặt hàng được bình ổn giá. Nguồn: internet
Nhiều mặt hàng được bình ổn giá. Nguồn: internet

Ngay từ những ngày đầu năm 2015, dự báo trước được tình hình biến động về giá của các mặt hàng thiết yếu có thể gây bất lợi cho nền kinh tế trong nước và đặc biệt là ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của người dân, Bộ Tài chính đã có kế hoạch xây dựng phương án cụ thể để quản lý, điều tiết, bình ổn giá (BOG) như sau:

Đối với mặt hàng xăng dầu

Giá xăng dầu thế giới trong năm 2015 diễn biến phức tạp, khó lường. Từ đầu tháng 2/2015, giá xăng dầu có xu hướng tăng cao trở lại, đặc biệt tăng mạnh vào tháng 5 và 6/2015; từ đầu tháng 7/2015 đến đầu tháng 9/2015 biến động theo chiều hướng giảm nhưng đến giữa tháng 9/2015 lại có xu hướng tăng.

Trong tháng 10/2015, giá mặt hàng dầu (trừ dầu điêzen) trên thế giới biến động tăng nhẹ, giá mặt hàng xăng giảm nhẹ so với tháng 9/2015. Tháng 11/2015, giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục xu hướng giảm nhẹ so với tháng 10/2015.

Trước tình hình trên, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt theo cơ chế thị trường đồng thời sử dụng các công cụ tài chính (thuế, Quỹ BOG) để điều hành nhằm hạn chế mức tăng giá khi cần thiết.

Theo đó, từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2015, khi giá xăng dầu chiều hướng gia tăng mạnh, Liên Bộ đã cho phép sử dụng Quỹ BOG Bình ổn giá xăng dầu nhằm hạn chế mức tăng giá xăng dầu, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả nói chung.

Từ tháng 7 đến tháng 11/2015, khi giá thế giới bình quân giảm, Liên Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá tương ứng các mặt hàng xăng dầu sau khi đã thực hiện việc trích lập quỹ BOG và các khoản thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi

Sữa cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 06 tuổi là mặt hàng có diễn biến về giá phức tạp, khi giá sữa trên thế giới và một số nước trong khu vực đang giảm, thì trong nước lại có su hướng tăng, do đó để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, Bộ Tài chính đã có nhiều biện pháp quản lý như: (i) Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá và các luật có liên quan; (ii) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các điều Điều 6, Điều 7 và Điều 16 Nghị định 177/2013/NĐ-CP theo hướng giao cho bộ quản lý chuyên ngành chủ trì đối với quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; (iii)Trong quá trình thực hiện Bó có trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa cho phù hợp. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm sữa thực hiện kê khai giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của pháp luật về giá.

Tính đến ngày 09/12/2015, Bộ Tài chính và Sở Tài chính các tỉnh, thành phố đã công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 787 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.

Nhìn chung, giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi ổn định trong năm 2015, riêng mức giá của 67 sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi sau khi các doanh nghiệp kinh doanh sữa rà soát, kê khai lại (loại bỏ chi phí quảng cáo theo quy định) đã giảm từ 0,4-4% so với mức giá kê khai trước đó.

Đối với giá cước vận tải ôtô

Trước xu hướng giá nhiên liệu liên tục giảm trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 9/2015, Bộ Tài chính đã có các công văn số 11198/BTC-QLG ngày 14/8/2015 và công văn số 11707/BTC-QLG ngày 25/8/2015 gửi Bộ GTVT, Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan có văn bản yêu cầu và giám sát chặt chẽ việc kê khai giảm giá cước đối với dịch vụ vận tải bằng xe ô tô phù hợp với diễn biến giảm của giá nhiên liệu. Đồng thời, trong tháng 9/2015, Bộ Tài chính đã tham gia phối hợp với Bộ GTVT thành lập 03 Đoàn kiểm tra tại 16 tỉnh thuộc 3 khu vực Bắc, Trung, Nam để kiểm tra đối với công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải.

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các địa phương báo cáo đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá phù hợp với biến động giảm của giá xăng dầu, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô tại nhiều tỉnh/thành phố đã kê khai giảm cước với mức giảm phổ biến từ 3%-10%.

Kết luận

Cùng với việc điều hành đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tài khóa, tiền tệ, công tác quản lý, điều hành giá của Bộ Tài chính năm 2015 đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Năm 2015, công tác quản lý giá đã có sự phối hợp điều hành tốt hơn giữa các cơ quan quản lý thông qua Ban Chỉ đạo điều hành giá... trong quá trình điều hành giá các mặt hàng quan trọng thiết theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo quy định tại Luật Giá và các Luật liên quan. Đồng thời đã tăng cường công tác công khai, minh bạch trong điều hành giá các mặt hàng này, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận, giám sát từ phía xã hội.

GDP năm 2015 ước đạt 6,68% - vượt mục tiêu đề ra (6,2%);

Lạm phát thấp: CPI tháng 12/2015 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2014, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,05%.

CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với bình quân năm 2014.

Mức tăng CPI tháng 12/2015 so với cùng kỳ năm 2014 và mức tăng CPI bình quân năm 2015 so với bình quân năm 2014 đều là mức thấp nhất trong 14 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu CPI tăng 5%.