Sau công văn 3357/BTC-TCT về hoàn thuế GTGT:

Hàng trăm hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp được 'giải phóng'

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi có Công văn số 3357/BTC-TCT (ngày 14/3/2016) của Bộ Tài chính về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), tại các cục thuế lớn nhiều hồ sơ hoàn thuế đã được giải phóng và cơ bản vướng mắc của DN đã được tháo gỡ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ quan thuế giải tỏa

Phóng viên TBTCVN đã có cuộc khảo sát ở một số cục thuế các địa phương có số hoàn thuế lớn cho thấy, văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính có sự “giải tỏa” rất lớn đối với các vướng mắc trong hoàn thuế.

Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội - đơn vị có 1.830 lệnh hoàn trả thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, với số tiền hoàn lên tới gần 10 nghìn tỷ đồng - cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, đã hoàn hơn 2.300 tỷ đồng. Đơn vị cũng đã nhận ra các vướng mắc và kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tháo gỡ. Và cơ bản các kiến nghị của Cục Thuế TP. Hà Nội đã được Bộ Tài chính tháo gỡ tại Công văn 3357. Sau khi có hướng dẫn mới, công tác hoàn thuế trên địa bàn Thủ đô đã suôn sẻ hơn nhiều.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trao đổi với phóng viên chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hạnh Nga - Trưởng phòng Kê khai kế toán thuế cho biết, chỉ sau 4 ngày Công văn 3357 ban hành, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh đã ra các quyết định hoàn thuế cho 329 hồ sơ, với tổng số tiền 1.430 tỷ đồng. Trong số này, có 100 hồ sơ (với số tiền đề nghị hoàn 528 tỷ đồng) được “cởi trói” bởi hướng dẫn mới của Bộ Tài chính. Trước đó, số hồ sơ này phải chờ do không thuộc diện ưu tiên.

Tổng cục Thuế cũng đã chủ động điều tiết quỹ hoàn thuế sang nơi cần thiết để hoàn thuế kịp thời cho các hồ sơ đã có lệnh hoàn. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, ngành Thuế tỉnh Bình Định đã giải quyết 80 hồ sơ hoàn thuế chuyển từ năm 2015 sang của các DN trên địa bàn tỉnh, cộng với số hoàn thuế của 2 tháng đầu năm nay là 90 hồ sơ. Kết quả, đã có quyết định hoàn thuế cho 150 hồ sơ, với số tiền 222 tỷ đồng, bình quân số thuế hoàn khoảng 1 tỷ đồng/doanh nghiệp (DN). Hiện, còn khoảng 20 hồ sơ thuộc diện DN hoàn thuế lần đầu, hoặc DN rủi ro cao đang được kiểm tra để giải quyết hoàn thuế. Năm 2016, Cục Thuế Bình Định lập dự toán đề xuất hoàn thuế GTGT là 1.200 tỷ đồng; trong 2 tháng đầu năm đã được cấp hạn mức hoàn thuế khoảng 253 tỷ đồng. Mới đây, Tổng cục Thuế tiếp tục chi 184 tỷ đồng để Cục Thuế tỉnh “giải phóng” số thuế trong diện đã có quyết định hoàn cho DN…

Doanh nghiệp cảm thông

Trở lại sự kiện Bộ Tài chính ban hành Công văn số 3357, nhiều ý kiến cho rằng, với việc ban hành công văn này, cơ bản vướng mắc trong công tác hoàn thuế GTGT đã được tháo gỡ. Việc quy định cho phép DN được bù trừ số thuế còn nợ với số thuế được hoàn đã nhận được cho là ưu việt nhất trong công văn này, được cả người nộp thuế và các chuyên gia pháp luật, có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực thuế đánh giá cao.

Ông Nguyễn Thành Dương - Giám đốc Công ty TNHH Thành Dương, một DN chuyên nhập khẩu các linh kiện để lắp ráp lò sấy chia sẻ: “Trước đây, có thời điểm công ty chỉ nợ 500 triệu đồng thuế, nhưng số thuế được hoàn hơn 7 tỷ đồng. Mặc dù vậy DN cũng không được hoàn vì chưa trả hết tiền nợ thuế. Vướng mắc này hiện nay đã được Bộ Tài chính tháo gỡ, tôi cho là rất phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động vốn của DN”.

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh, người đã có nhiều năm nghiên cứu các chính sách pháp luật về lĩnh vực thuế cũng đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của Bộ Tài chính, nhất là việc sửa đổi những bất cập trong quy định hoàn thuế. “Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc một cách kịp thời của Bộ Tài chính. Việc sửa đổi các bất cập trong quy định hoàn thuế như Công văn 3357 đã thể hiện thái độ cầu thị, lắng nghe của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế. Việc cho phép DN được bù trừ số thuế còn nợ với số thuế được hoàn là sửa đổi đáng chú ý nhất. Tôi cho rằng vướng mắc trong công tác hoàn thuế về cơ bản đã được tháo gỡ”- Luật sư Vi Văn Diện cho biết.

Chi cục trưởng một chi cục thuế ở Hà Nội, trong cuộc trao đổi với chúng tôi tâm sự: “Việc hoàn thuế chậm hầu như chỉ ảnh hưởng tới các DN chuyên xuất khẩu, thường xuyên có hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Trong quá trình giám sát, chúng tôi cũng bàn bạc, nêu rõ những vấn đề của cả hai phía. Phía DN cũng rất thông cảm cho cơ quan thuế, nên thống nhất về việc hoàn thuế “gối đầu”- tương tự chậm trả cho các lô hàng (giao lô sau nhận tiền lô trước - PV). Và vì vậy, vấn đề trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Đến giờ phút này trên địa bàn không có nợ hoàn thuế. …”./.

Đảm bảo chặt chẽ trong công tác hoàn thuế

Chuyển cơ chế kiểm tra trước khi hoàn thuế sang kiểm tra sau hoàn thuế đối với các trường hợp rủi ro thấp để tạo thuận lợi hơn cho DN nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ hoàn thuế GTGT, theo đó bãi bỏ Điểm 4 Công văn 18832/BTC-TCT. Bên cạnh đó, cơ quan thuế vẫn phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như: Phối hợp cơ quan hải quan, biên phòng, công an, ngân hàng... quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.