Hạt gạo Chính phủ ấm lòng người dân trồng rừng

PV.

Theo chân Đoàn công tác của cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Hà Bắc khảo sát các điểm xuất cấp gạo dự trữ Quốc gia (DTQG) vào những ngày cuối tháng 10, tôi mới tận mắt chứng kiến được niềm vui của người dân trồng rừng nơi đây, khi họ nhận gạo hỗ trợ, thời khắc đó thật sự rất xúc động!

Đoàn công tác của cục DTNN khu vực Hà Bắc cùng đại diện huyện Lục (Bắc Giang) trực tiếp kiểm tra chất lượng gạo hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Đoàn công tác của cục DTNN khu vực Hà Bắc cùng đại diện huyện Lục (Bắc Giang) trực tiếp kiểm tra chất lượng gạo hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Đoàn công tác do ông Nguyễn Quốc Hải, Cục trưởng Cục DTNN khu vực Hà Bắc cùng đại diện của Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn, Bắc Giang triển khai nhằm khảo sát các điểm xuất cấp gạo DTQG hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang năm 2016.

Nhà nước luôn ở bên và hỗ trợ

Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đi hết đoạn đường đầy “ổ gà”, ổ voi từ trung tâm huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đến trung tâm xã Phú Nhuận. Có lẽ, đi khắp  tỉnh Bắc Giang chưa có xã nào đường giao thông lại “hoang sơ” như xã Phú Nhuận.

 

Hạt gạo Chính phủ ấm lòng người dân trồng rừng - Ảnh 1Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang:

Chúng tôi đánh giá cao chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn DTQG cho người dân tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thay thế nương rẫy trong thời gian chưa tự túc được lương thực của Chính phủ và ghi nhận sự đóng góp tích cực của Cục DTNN khu vực Hà Bắc với nhân dân huyện Lục Ngạn. Cán bộ ngành Dự trữ đã làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng cả  tấm lòng và luôn có sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, hiệu quả. Trong thời gian tới, huyện ủy và UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ Tổng cục DTNN và Cục DTNN khu vực Hà Bắc khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Nhiều miền quê trên khắp đất nước đã được bê tông hóa, đường nhựa nhưng riêng xã Phú Nhuận thì tuyệt nhiên từ làng trên đến xóm dưới không có một mét đường nhựa hay bê tông, xe chúng tôi phải rất khó khăn mới di chuyển được, thỉnh thoảng có một cơn gió cuốn bụi mù mịt, khiến con đường phía trước bỗng chốc như biến mất trong làn bụi của đất đỏ Lục Ngạn.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch huyện Lục Ngạn cho biết: có những ngày mưa, những ổ gà này luôn sũng nước, đường thì trơn tuột vì bùn đất, xe cộ qua lại rất khó khăn, nhiều chiếc xe máy còn quấn xích vào bánh không thể đi được, có những lần vào họp, các anh phải đi bộ cả chục cây số mới vào được đến nơi.

Ở tận cuối con đường “gian khổ” ấy, trụ sở UBND xã Phú Nhuận lọt thỏm giữa núi rừng bao la. Khi chúng tôi đến được UBND xã Phú Nhuận thì mặt trời đã dần đứng bóng. Thế mà, rất nhiều hộ dân  đã đến đợi những xe gạo cảu Chính phủ với những nụ cười tươi rói.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Cục DTNN khu vực Hà Bắc trực tiếp xuất cấp gạo hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Lục Ngạn tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thay thế nương rẫy trong thời gian chưa tự túc được lương thực.

Năm nay, thưc hiện quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, Cục DTNN khu vực Hà Bắc trong thời gian từ 20/10 đến cuối tháng 12 có nhiệm vụ xuất đến tận tay người dân huyện Lục Ngạn hơn 1.466 tấn gạo.

Số lượng gạo hỗ trợ đợt này đạt khối lượng lớn nhất nhất so với các đợt trước, do phần lớn là các hộ dân nhận hỗ trợ năm thứ nhất. Gạo được chia đủ theo danh sách các thôn đã lập sẵn, theo cách tính mỗi ha trồng rừng thay thế nương rẫy được hỗ trợ 0,7 tấn gạo/năm với thời gian trong 3 năm (trồng năm thứ nhất, chăm sóc 2 năm tiếp theo).

Sau khi nhận xong phần gạo của gia đình mình, nhiều bà con vẫn bịn rịn chưa vội dời chân để về nhà. “Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ không thể nghe theo Đảng, Chính phủ trồng rừng được vì lo ngày mai nếu không đốn củi đi bán thì lấy đâu ra gạo để ăn. Nhưng, hôm nay, gạo Đảng, Chính phủ đã mang về đến tận bản thì làm sao mà đói được kia chứ! Đã thế, mấy năm nữa khi rừng xanh, chính chúng tôi là chủ rừng thì cái ăn cái mặc lúc đó chẳng phải lo nữa và mùa lũ lụt rừng sẽ bảo vệ chúng tôi”- Người đàn ông có nước da sạm nắng kể lại với tôi về lợi ích của dự án trồng rừng với giọng chắc nịch.

Người dân thoát nghèo bền vững

Tâm sự với mọi người trong đoàn, ông Phạm Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã  Phú Nhuận cũng cho biết: Phú Nhuận là một trong những xã nghèo của huyện Lục Ngạn, có đến 90% dân số là người dân tộc thiểu số (dân tộc Cao Lan). Ba năm trước, Chính phủ triển khai dự án trồng rừng thay thế nương, rẫy cho bà con. Lúc đó, số người tham gia chưa nhiều vì còn mang tâm lý e ngại.

Thế nhưng, từ hiệu quả kinh tế thu được trong việc trồng rừng cũng như hàng năm được Đảng, Chính phủ hỗ trợ gạo, tâm lý ấy mất dần, thay vào đó là sau mỗi năm số hộ đăng ký tham gia dự án ngày một nhiều.

“Hiện nay cả xã chúng tôi có 18 thôn, bản những diện tích nương  rẫy nào đủ điều kiện rộng hơn 0,5ha đều được đưa vào dự án trồng rừng. Phải nói là bà con rất hứng khởi với dự án này”, ông Phạm Văn Sinhcho biết.

Tôi nhớ mãi ánh mắt và nụ cười của bà Đỗ Thị Ngân, thôn Đèo Cỏ, xã Phú Nhuận khi lần đầu tiên gia đình chị được nhận gạo hỗ trợ của Đảng, Chính phủ khi cùng với các hộ dân trong thôn tham gia dự án trồng, chăm sóc rừng trồng thay thế nương rẫy của năm 2016. Bà nói như reo: “Vui lắm cô à, chúng tôi vừa được trồng cây, vừa được nhận gạo”.

Ông Hoành Văn Tịch, trưởng thôn Ván B, xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, người trực tiếp đứng phát gạo cho đồng bào cũng tấm tắc nói về chất lượng gạo cấp phát rất ngon để rồi xuýt xoa chuyện các cán bộ dự trữ bền bỉ vượt đường xa- nhất là đường đất đỏ, gập ghềnh, ngoắt nghéo dẫn từ trung tâm huyện vào đến thôn để trao bằng được những bao gạo đến tận tay người dân…

Tạm biệt những người dân Lục Ngạn, tôi được đem theo về biết bao niềm vui và nụ cười. Những niềm vui, nụ cười này đang được chính mỗi người dân nơi đây nhân giống với những dự án trồng rừng. Bởi thế, hơn bao giờ hết, chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn DTQG cho người dân tham gia trồng rừng là rất có ý nghĩa, đạt được hiệu quả xã hôi khi mang lại nguồn thu nhập mới cho người dân để người dân thoát nghèo bền vững.