Hiện đại hóa hải quan: Đột phá từ chính sách

Theo daibieunhandan.vn

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh, một trong những thành công của công tác hiện đại hóa hải quan là đổi mới về mặt thể chế, chính sách. Cụ thể, pháp luật hải quan với nhiều quy định cải cách về thủ tục hành chính đã góp phần không nhỏ giảm bớt hồ sơ, giấy tờ cho doanh nghiệp, đồng thời tạo sự minh bạch cho hoạt động hải quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Từ hiện đại hóa thủ tục…

Theo ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), Luật Hải quan và văn bản hướng dẫn thi hành có không ít quy định thể hiện tinh thần đổi mới toàn diện thông quan hải quan điện tử.

Đơn cử như Thông tư số 38/2015/TT - BTC quy định về thủ tục thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã bãi bỏ một số văn bản mà trước đây doanh nghiệp phải mất thời gian, công sức soạn thảo trình cơ quan hải quan như văn bản xác định trước mã số, trị giá hải quan; văn bản xác nhận và cam kết của đại diện doanh nghiệp về việc sử dụng máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế. Thủ tục này đã giảm cho doanh nghiệp 1/3 nhân lực và thời gian thực hiện thông quan lô hàng xuất nhập khẩu.

Nhiều văn bản hướng dẫn Luật Hải quan 2014 cũng có quy định cụ thể cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ, chứng từ thông qua hệ thống điện tử VNACCS, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan.

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập bông sản xuất, xuất khẩu cho biết, với những quy định thông thoáng, nhất là việc áp dụng hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS, loại bỏ nhiều chứng từ giấy doanh nghiệp phải nộp, cho phép doanh nghiệp có thể chủ động mở tờ khai, gửi đến cơ quan hải quan để nhanh chóng ra quyết định thông quan hàng hóa.

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Luật Hải quan 2014 và Nghị định 08/2015/NĐ - CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đã hướng dẫn chi tiết về kết nối Cơ chế một cửa quốc gia.

Đây cũng là cơ sở để ngành Hải quan chủ động triển khai kết nối chính thức cơ chế này với các bộ, ngành. Đến nay, đã có 33 thủ tục được kết nối với trên 150.000 bộ hồ sơ và 6.000 doanh nghiệp.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để triển khai chính thức hoạt động e - Manifest, cho phép tiếp nhận 100% hồ sơ tàu biển và thông quan điện tử đối với tàu biển xuất nhập cảnh trên địa bàn 9 Cục Hải quan có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn với sự tham gia của hơn 90% hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận.

… tới minh bạch giám sát

Liên quan đến công tác giám sát hải quan, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, theo Luật Hải quan, giám sát hải quan được thực hiện bằng các phương thức như niêm phong hải quan; giám sát trực tiếp do công chức hải quan thực hiện và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật.

Trong đó, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật đã được nhiều đơn vị triển khai có hiệu quả bằng hình thức mô tả chi tiết hàng hóa, chụp ảnh hàng hóa và phương tiện, kiểm tra trọng lượng hàng hóa và phương tiện vận tải.

Tại các địa bàn hoạt động hải quan, nhất là khu vực kho, bãi tập kết hàng hóa, địa điểm làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan cũng trang bị hệ thống camera giám sát để bảo đảm yêu cầu quản lý và phòng, chống các hành vi, biểu hiện tiêu cực trong nội bộ.

Đáng chú ý, tháng 10.2015, Tổng cục Hải quan chính thức đưa vào hoạt động Phòng Giám sát hải quan trực tuyến (Cục Điều tra chống buôn lậu) đặt tại trụ sở Tổng cục Hải quan. Đây là đơn vị thực hiện việc kết nối, tích hợp các hệ thống trang thiết bị giám sát của ngành hải quan, cung cấp thông tin, dữ liệu, hình ảnh trực tuyến về Tổng cục Hải quan.

Từ đó tạo kênh giám sát hiệu quả giữa các cấp trong thực hiện quy trình thủ tục, nghiệp vụ tại các địa điểm làm thủ tục hải quan; bảo đảm chấp hành đúng quy định và công khai, minh bạch. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, hiện Tổng cục Hải quan đang tích cực triển khai Điều 41 Luật Hải quan bằng việc hoàn thiện Quy trình giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đưa vào, lưu giữ, đưa ra khu vực giám sát hải quan tại cảng biển trên cơ sở kết nối hệ thống công nghệ thông tin giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng.

Đây được xem là bước đột phá, thay đổi phương thức giám sát hải quan theo hướng tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, thông qua việc huy động mọi nguồn lực, cũng như đề cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong phối hợp giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu.