Hoàn thiện cơ chế chính sách bảo hiểm hạt nhân tại Việt Nam

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Sáng ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã phối hợp với Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử Nhật Bản tổ chức Hội thảo về bảo hiểm năng lượng nguyên tử.

Hoàn thiện cơ chế chính sách bảo hiểm hạt nhân tại Việt Nam
Toàn cảnh Hội thảo
Hộ thảo nhằm mục tiêu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản và kinh nghiệm quốc tế để vận dụng, hoàn thiện cơ chế chính sách bảo hiểm hạt nhân tại Việt Nam. Việc xây dựng cơ chế bảo hiểm hạt nhân ở Việt Nam vừa phải đảm bảo phù hợp với đặc thù của Việt Nam, vừa phải tuân theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các nhà làm chính sách bảo hiểm của Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu điện năng và góp phần đảm bảo cung cấp an ninh năng lượng của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030, theo đó sẽ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Trong đó đến năm 2015, thực hiện xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; đến năm 2020, thực hiện xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Theo Cục Quản lý & Giám sát Bảo hiểm, bên cạnh yêu cầu quản lý an toàn và khai thác có hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân, thì việc đề phòng và khắc phục rủi ro có thể xảy ra cũng phải được đặt ra và nghiên cứu đồng bộ với việc nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Giải pháp của vấn đề này chính là việc bảo hiểm cho nhà máy điện hạt nhân.

Cục Quản lý & Giám sát Bảo hiểm cho biết, ở Việt Nam, cơ chế bảo hiểm hạt nhân bước đầu đã được quy định tại các văn bản pháp luật: Luật Năng lượng nguyên tử số 18/2008/QH12, Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử, Thông tư số 13/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về bảo hiểm bắt buộc bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ.

Tuy nhiên, Cục Quản lý & Giám sát Bảo hiểm cho rằng cơ chế bảo hiểm hiện tại được xây dựng để áp dụng chung cho tất cả các hoạt động bức xạ quy định trong Luật Năng lượng nguyên tử, chưa xây dựng áp dụng riêng cho các chủ đầu tư vận hành nhà máy điện hạt nhân như Nhật Bản và các nước khác trên thế giới. Do vậy, cần thiết phải có quy định pháp luật về bảo hiểm điều chỉnh riêng và chuyên sâu hơn đối với các nhà máy điện hạt nhân. Việc xây dựng cơ chế bảo hiểm hạt nhân ở Việt Nam vừa phải đảm bảo phù hợp với đặc thù của Việt Nam, vừa phải tuân theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Một số nội dung quan trọng liên quan đến nhiệm vụ của Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử Nhật Bản; các quỹ chung; cơ chế bảo hiểm nguyên tử; khái quát bảo hiểm nguyên tử của Nhật Bản; kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc triển khai bảo hiểm năng lượng nguyên tử; kiến nghị đối với việc triển khai bảo hiểm năng lượng nguyên tử tại Việt Nam và định hướng phát triển bảo hiểm năng lượng nguyên tử tại Việt Nam đã được Đại diện Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử Nhật Bản chia sẻ tại buổi Hội thảo cùng sự tham gia đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ là những bài học kinh nghiệm quý để phía Việt Nam hoàn thiện cơ chế bảo hiểm trách nhiệm hạt nhân