Hoàn thiện cơ chế chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

PV.

Sáng ngày 27/9, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi Họp báo chuyên đề “Một số nội dung Dự thảo nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” dưới sự chủ trì của ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp - Bộ Tài chính. Tham dự buổi Họp báo còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đông đảo phóng viên cơ quan thông tấn báo chí.

Toàn cảnh buổi Họp báo.
Toàn cảnh buổi Họp báo.

Tại buổi Họp báo, đánh giá về tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn 09 tháng đầu năm 2017, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết, trong tháng 9/2017, Bộ Tài chính nhận được báo cáo của 01 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa thuộc thuộc Danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017 – 2020 theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ là Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kiên Giang.

Lũy kế 09 tháng đầu năm 2017, đã có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 11/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa năm 2017.

Tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636  tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.873 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.646 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.941 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.060 tỷ đồng.

Thông tin về tình hình thoái vốn trong tháng 9/2017, ông Đặng Quyết Tiến đánh giá, các đơn vị thoái được 125 tỷ đồng, thu về 195 tỷ đồng, bao gồm: Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 05 lĩnh vực nhạy cảm) được 342 triệu đồng, thu về 6,9 tỷ đồng; Thoái vốn ở Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC): SCIC đã bán vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 125 tỷ đồng, thu về 188 tỷ đồng. Lũy kế 09 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về 15.998 tỷ đồng.

Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp - Bộ Tài chính nhận định, trong 09 tháng đầu năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các DNNN tập trung thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra.

Trong thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính đưa ra những đề xuất mới quan trọng tại Dự thảo nghị định về cổ phần hóa DNNN như: Điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá; Xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá; Xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước; chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá...

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, về các phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 03 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm phương pháp mới là phương pháp dựng sổ (Book building). Đây là một phương thức phổ biến trên thế giới cần được nghiên cứu áp dụng trong quá trình cổ phần hóa. Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.

Về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, Dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đồng thời, Dự thảo đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.