Hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Bộ Tài chính đã phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến các DN bảo hiểm, chủ xe cơ giới và các cơ quan liên quan về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới
Toàn cảnh hội nghị
Sau 4 năm triển khai thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới (Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chê độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới, Thông tư 126/2008/TT-BTC, Thông tư liên tịch 35/2009/TTLT-BTC-BCA, Thông tư 103/20009/TT-BTC), công tác bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới đã đạt được những kết quả bước đầu khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số quy định đã chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp ý kiến đóng góp qua các Hội nghị và khảo sát, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 151/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 126/2008/TT-BTC và Thông tư 103/2009/TT-BTC. Với việc ban hành Thông tư 151, Bộ Tài chính đã hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho chủ xe và người bị tai nạn.

 Những kết quả ban đầu

Tại Hội nghị tập huấn bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới theo Thông tư 151/2012/TT-BTC ngày 12/9/2012 của Bộ Tài chính, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã điểm lại những kết quả bước đầu đạt được sau 4 năm thực hiện hành lang pháp lý về bảo  hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới, trong đó thành quả đầu tiên là công tác phổ biến pháp luật, phối hợp thông tin tuyên truyền đã có ảnh hưởng tích cực đến người dân và toàn xã hội trong việc xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mình đối với thực hiện chế độ bảo hiểm này; ý thức chấp hành các quy định pháp luật cũng được nâng lên. Các DNBH đã có ý thức chấp hành tương đối nghiêm chỉnh các quy định pháp luật vè chế độ bảo hiểm này. Phía chủ xe cũng đã hình thành thói quen và xác định được tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ. Phía cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe trong việc chấp hành các quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS; Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đã và đang được triển khai.

Hiện tại, cơ sở dữ liệu đang được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2012. Sau khi vận hành, cơ sở dữ liệu này sẽ là phần mềm đầu tiên được sử dụng thống nhất trong ngành Bảo hiểm, đảm bảo công tác phối hợp, quản lý, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo công khai, minh bạch và giảm thiểu tối đa việc trục lợi bảo hiểm; Việc tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới, giải quyết bồi thường cũng đạt được những kết quả tích cực với 90% chủ xe ô tô và 29% chủ xe mô tô tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, hàng năm có khoảng 12 nghìn người chết vì tai nạn giao thông. Hầu hết các tai nạn giao thông liên quan đến xe cơ giới gây tử vong, thương tích cho nạn nhân đều thuộc trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới và được giải quyết bồi thường. Trường hợp không có bảo hiểm cũng được xem xét hỗ trợ. Mức bồi thường về người trong trường hợp chết là 50 triệu đồng/người/vụ, tài sản là 50 triệu đồng/vụ. Ngoài việc giải quyết bồi thường trên, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chi hàng trăm tỷ đồng để thực hiện việc đề phòng hạn chế tổn thất, hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường lánh nạn, biển báo...tại Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đồng Nai, Phú Yên,...

Hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới - Ảnh 1

Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm

Chú trọng hơn đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm

Thông tư 151/2012/TT-BTC được xem như đã kế thừa những kết quả đã đạt được từ các văn bản pháp lý trước đó cũng như khắc phục một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn như: mức phí, mức trách nhiệm bảo hiểm thấp và không đủ bù đắp các chi phí khắc phục hậu quả sau tai nạn; việc giải quyết bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm còn chậm trễ; không có quy định rõ về phân định lỗi trong giải quyết bồi thường;...

Đề cập các quy định mới được bổ sung cho phù hợp với thực hiện trong Thông tư số 151, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phạm Đình Trọng cho biết, Thông tư này chú trọng hơn đến quyền lợi của nạn nhân bị tai nạn và chủ xe cơ giới nhằm tạo điều kiện giúp cho chủ xe cơ giới và người bị tai nạn có thêm nguồn tài chính để bù đắp thiệt hại sau tai nạn.

Bên cạnh đó, mức phí mới được xây dựng theo nguyên tắc không làm tăng gánh nặng chi phí đối với các chủ xe cơ giới khi tham gia bảo hiểm, trong khi vẫn đảm bảo được quyền lợi bên thứ ba và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Quy định mới cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ xe trong việc tham gia bảo hiểm như: cho phép chủ xe có nhiều xe được mua vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm dồn về cùng 1 thời hạn bảo hiểm ở năm tiếp theo để thuận lợi trong việc theo dõi, quản lý và thực hiện mua bảo hiểm; giãn thời hạn nộ phí đối với một số trường hợp đặc thù,...

Đặc biệt, ông Trọng nhấn mạnhh, Thông tư 151 ra đời sẽ tăng cường hơn nữa sự minh bạch, công khai trong công tác giải quyết bồi thường, giảm thiểu các khiếu kiện giữa chủ xe và người bị thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm để bồi thường nhanh chóng, thuận tiện cho người bị nạn.