Hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án ODA

Theo mof,gov.vn

(Tài chính) Ngày 11/9, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các đơn vị đến từ Bộ Tài chính, các bộ ban ngành Trung ương, các địa phương khu vực phía Bắc, đại diện một số Ban quản lý dự án chương trình, dự án nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đại diện các Ngân hàng Thương mại, các cơ quan cho vay lại và đại diện các nhà tài trợ Việt Nam.

Đây là Hội thảo nhằm thực hiện yêu cầu của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án ODA - Ảnh 1

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: mof.gov.vn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, Hội thảo là cơ hội để Bộ Tài chính, Ban soạn thảo lắng nghe ý kiến từ các đại biểu, đại diện các Bộ ban ngành, địa phương, các nhà tài trợ. Những ý kiến này sẽ là cơ sở quan trọng trong việc nghiên cứu và hoàn thiện Dự thảo Thông Tư, để sau khi được ban hành cùng với Nghị định 38/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp lý có liên quan tạo thành hành lang pháp lý quan trọng đối với quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các nguồn vốn ưu đãi khác để phát triển đất nước.

Hội thảo đã nghe ông Nguyễn Mạnh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trình bày sơ bộ nội dung Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Ông Hoà cho biết, Dự thảo Thông tư sau khi được hoàn thiện và ban hành sẽ thay thế cho Thông tư 108/2007/TT-BTC ngày  7/9/2007 của Bộ Tài chính. Việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư 108/2007/TT-BTC là hết sức cần thiết bởi do những biến đổi của tình hình kinh tế xã hội đã khiến cho các văn bản là cơ sở pháp lý cho việc ban hành Thông tư 108/2007/TT-BTC đã có sự thay đổi (Luật quản lý nợ công 2009 và các Nghị định hướng dẫn thay thế cho Nghị định 134/2005/NĐ-CP ngày 1/11/2005 của Chính phủ về quản lý vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ; Nghị định 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 thay thế cho Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 về Quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA). Hơn thế nữa, dự thảo Thông tư nếu được thông qua sẽ phù hợp với các văn bản mới được ban hành liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt là đối với Nghị định 38/2013/NĐ-CP mới được ban hành ngày 23/4/2013.

Hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án ODA - Ảnh 2

Ông Nguyễn Mạnh Hòa-Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trình bày nội dung dự thảo Thông tư. Nguồn: mof.gov.vn

Về kết cấu của Thông tư, ông Hoà cho biết thêm, Dự thảo Thông tư được chia làm 11 chương, gồm 33 Điều. Trong đó đáng lưu ý, các nội dung cơ bản của Thông tư được xây dựng  theo hướng bám sát các nhiệm vụ cụ thể của Bộ Tài chính, quy định tại Điều 62 Nghị định 38/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài những quy định chung, dự thảo Thông tư quy định cụ thể chi tiết các nội dung liên quan đến cơ chế tài chính trong nước; kế hoạch vốn hàng năm; ngân hàng phục vụ; thủ tục rút vốn và quản lý rút vốn; Hạch toán NSNN; Bố trí vốn đối ứng và ứng trước vốn từ NSNN; Tổ chức cho vay lại; chế độ kế toán, kiểm toán, báo cáo, kiểm tra.

Bên cạnh những nội dung của dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, Hội thảo cũng đã nghe đại diện Tổng cục Thuế, đại diện Cục Quản lý công sản trình bày yêu cầu và nội dung Dự thảo Thông tư hướng dẫn về chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi thay thế Thông tư 123/2007/TT-BTC; yêu cầu và nội dung Dự thảo thông tư quy định về quản ly sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước thay thế thông tư số 87/2010/TT-BTC về quản lý tài sản dự án.

Ngoài phần trình bày về nội dung dự thảo các Thông tư nêu trên, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp  đến từ các đại biểu tham dự về các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, vốn đối ứng, ngân hàng phục vụ, việc mở tài khoản cho các chương trình, dự án hay vấn đề kiểm soát chi, kiểm toán trước… được nêu lên trong Dự thảo.

Ông Andrew Head, đại diện nhóm các nhà tài trợ là ngân hàng cho rằng một nguyên nhân quan trọng khiến các chương trình, dự án chậm tiến độ là thiếu vốn đối ứng. Để hạn chế tình trạng này ở các dự án, chương trình trong tương lai cần có cơ chế hữu hiệu để các ban QLDA thực hiện các cam kết về tài chính. Có cơ chế đảm bảo vốn đối ứng được NS cấp đầy đủ và đúng thời hạn. Đồng thời, để tránh những chậm trễ trong công tác kiểm soát chi, nhóm các Ngân hàng phát triển cho rằng Thông tư không cần thiết quy định kiểm soát chi đối với tất cả các khoản chi, mà nên chăng chỉ kiểm soát đối với những khoản chi quan trọng, tránh những thủ tục rườm rà, gây chậm chễ tiến độ dự án và quy định thêm danh mục thủ tục kiểm soát chi cung cấp cho tất cả các bên liên quan; hay cần quy định cụ thể trong Thông tư về Ban hành sổ tay quản lý tài chính như một cẩm nang giúp các bên liên quan trong quá trình triển khai, thực hiện.

Hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án ODA - Ảnh 3

Ông Andrew Head, Phó Giám đốc Quốc gia ngân hàng ADB tại Việt Nam trình bày tham luận của ADB tại Hội thảo. Nguồn: mof.gov.vn

Đồng tình với quan điểm này,  bà Nguyễn Thị Thanh Hà, đại diện nhóm tư vấn đối với Dự thảo Thông tư cho rằng cần có sự liên kết giữa Thông tư với Sổ tay quản lý tài chính, không chỉ sử dụng Sổ tay này cho Ban QLDA mà còn sử dụng cho nhóm các nhà tài trợ, đặc biệt là 6 đối tác phát triển lớn (ngân hàng chính). Thông qua Sổ tay tài chính, Bộ Tài chính cũng sẽ nhanh chóng cập nhật thông tin cho các nhà đầu tư, các BQL dễ dàng cập nhật, sử dụng.

Về cơ chế tài chính, nhóm tư vấn cho rằng vẫn còn một số nội dung chưa rõ ràng như định nghĩa về khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc thu hồi một phần, Bộ Tài chính xem xét việc công bố danh mục các loại dự án được UBND tỉnh được vay lại vốn ODA/vốn ưu đãi, đồng thời bổ sung những yêu cầu tối thiểu được vay lại. Hay Thông tư quy định Bộ Tài chính sẽ thẩm định khả năng trả nợ của UBND tỉnh hoặc khả năng trả nợ của các tổ chức  tín dụng nhưng không nêu rõ quy trình thẩm định, cơ sở thẩm định. Do vậy, để chặt chẽ hơn và có tính ràng buộc cao hơn, Thông tư cần thiết phải bổ sung những quy định cụ thể này. Bổ sung thêm vào ý kiến về cơ chế tài chính, đại diện đến từ Ngân hàng nhà nước cho rằng, cơ chế tài chính trong dự án ODA là một trong những hợp phần quan trọng nhất quyết định dự án có thành công hay không. Do vậy, ngay trong quá trình xác định dự án, cơ chế tài chính cần được xác định và phê duyệt đồng thời. Khi cơ chế tài chính được phê duyệt mới tiến hành đàm phán về dự án, tránh tình trạng đàm phán được nhiều nhưng triển khai không được bao nhiêu vì vướng mắc về cơ chế tài chính.

Một nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm, đề nghị có cơ chế phù hợp theo dõi luân chuyển hồ sơ để kiểm tra việc tuân thủ thời hạn tối đa. Đặc biệt, các chuyên gia đến từ Ngân hàng thế giới cho rằng, các nhà tài trợ đang có sự thay đổi về phương thức đầu tư ở Việt Nam. Nếu như trước đây đầu tư theo dự án thì đang có xu hướng đầu tư theo kết quả đầu ra, hoặc tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, mục tiêu quốc gia. Do vậy,  Thông tư cần  được xây dựng tổng quan hơn, bao quát những vấn đề, xu hướng trong tương lai, chứ không  chỉ dựa trên những cái đang có sẵn. Nếu không làm được điều này, khi tình hình thay đổi, Thông tư mới được xây dựng sẽ nhanh  chóng trở nên lạc hậu, phải sửa đổi hoặc thay thế dẫn tới sự lãng phí lớn. WB còn chỉ ra rằng, Việt Nam từ nhóm quốc gia thu nhập thấp đã được xếp vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, điều đó có nghĩa sẽ không còn nhiều khoản viện trợ ưu đãi nữa mà sẽ là viện trợ ít ưu đãi hơn. Đồng nghĩa với đó, Việt Nam có thể có nhiều sự lựa chọn linh hoạt hơn về các điều khoản của viện trợ. Chính vì thế, Thông tư cần nắm được xu hướng này để quy định xem tổ chức nào, cá nhân nào có quyền lựa chọn những ưu đãi đó.

Sự quan tâm, góp ý kiến tích cực từ đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo sẽ giúp Ban soạn thảo có thông tin đa chiều để tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa và  hoàn thiện dự thảo Thông tư.