Hoàn thiện hệ thống pháp luật để phát triển đại lý thuế

Theo tapchithue.com.vn

Dịch vụ tư vấn thuế và làm thủ tục về thuế đã hình thành và phát triển từ lâu tại các quốc gia trên thế giới, qua đó đã góp phần giảm thiểu thời gian và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp (DN).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ở Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực phát triển, song đến nay mới có khoảng 280 đại lý thuế (ĐLT) hoạt động. Con số này là khá khiêm tốn so với trên 500 nghìn DN và hàng triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Chính vì vậy, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng như hiện nay, cần có các giải pháp thiết thực hơn để thúc đẩy dịch vụ tư vấn thuế và các ĐLT phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DN.

Tốc độ phát triển chưa đáp ứng yêu cầu

Tại Việt Nam, môi trường pháp lý cho dịch vụ tư vấn và các ĐLT đã được quy định rõ trong Điều 20 của Luật Quản lý thuế, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007. Tuy nhiên theo thống kê, đến nay cả nước mới có 280 ĐLT, hoạt động tại 32 tỉnh, TP trong cả nước.

Các ĐLT thuế chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, trong đó có một số DN hoạt động tương đối hiệu quả như: ĐLT Trí Luật (TP. Hồ Chí Minh) đang làm thủ tục dịch vụ về thuế cho 400 DN, ĐLT Trương Gia (TP. Hồ Chí Minh) làm thủ tục cho trên 300 DN; ĐLT Cường Linh (Quảng Ninh) phục vụ thường xuyên cho trên 150 DN… còn đại đa số các địa phương chưa có ĐLT, một số nơi hoạt động này được lồng ghép bởi các công ty tư vấn luật, dịch vụ kế toán, kiểm toán. Để tồn tại, các ĐLT phải làm thêm các dịch vụ khác như: kế toán, rà soát báo cáo tài chính, tư vấn tài chính, hóa đơn chứng từ, lập và giải thể DN…

Bên cạnh đó, ĐLT là loại hình kinh doanh còn mới ở Việt Nam nên rất ít DN hiểu về ĐLT cũng như chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng dịch vụ của ĐLT, họ sợ lộ bí mật thông tin kinh doanh. Hơn nữa, các DN đều có hệ thống kế toán được trả lương, nên nhiều đơn vị cho rằng, trách nhiệm của kế toán phải đảm bảo kê khai nghĩa vụ thuế đúng quy định.

Về phía các ĐLT, do chưa chú trọng nhiều đến công tác quảng bá, chất lượng của dịch vụ thuế chưa được tốt, chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp cao nên chưa mở rộng được thị trường cung cấp. Số lượng và chất lượng ĐLT, cá nhân có chứng chỉ hành nghề còn thấp so với nhu cầu của DN và người nộp thuế. Ngoài ra, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của ĐLT, dẫn đến nhiều trường hợp DN ngần ngại, chưa “mặn mà” với ĐLT.

Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển ĐLT

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược cải cách và hiện đại hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 420/QĐ-BTC ngày 3/3/2014 của Bộ Tài chính nêu rõ: phát triển hệ thống ĐLT theo hướng đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, tăng dần số lượng và chất lượng các ĐLT, mở rộng và đa dạng hóa dịch vụ ĐLT. Xây dựng hệ thống ĐLT thực sự trở trành cầu nối giữa cơ quan thuế và người nộp thuế; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế, giảm chi phí và thời gian làm thủ tục thuế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020 có ít nhất 6000 người được cấp chứng chủ hành nghề ĐLT; tối thiểu 10% số người nộp thuế là pháp nhân sử dụng dịch vụ ĐLT và khoảng 90% số DN hài lòng với chất lượng dịch vụ do ĐLT cung cấp.

Để thực hiện được những mục tiêu này, trước hết các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý điều chỉnh hoạt động của các ĐLT, sửa đổi, bổ sung và nâng hình thức văn bản quy phạm pháp luật từ Thông tư hiện nay lên thành Nghị định của Chính phủ, tiến tới ban hành Luật Đại lý thuế. Ngoài ra, cần tạo cơ chế khuyến khích người nộp thuế sử dụng dịch vụ ĐLT, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan, tạo một số ưu đãi về thủ tục cho người nộp thuế sử dụng dịch vụ ĐLT. Không những vậy, quy chế thi, cấp chứng chỉ hành nghề ĐLT cần sửa đổi và bổ sung theo hướng đồng bộ hóa và thống nhất giữa cơ quan quản lý với các cơ quan kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ chuyên trách quản lý hoạt động hành nghề ĐLT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ thuế, người nộp thuế về sự cần thiết, lợi ích do sử dụng dịch vụ ĐLT mang lại. Về phía mình, để phát triển dịch vụ tư vấn thuế một cách bền vững, các ĐLT cần phải nâng cao năng lực hoạt động, xây dựng và áp dụng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức chuyên sâu cho lãnh đạo và cá nhân hành nghề; cung cấp, hướng dẫn cài đặt và sử dụng các phần mềm hỗ trợ công tác kê khai và nộp thuế cũng như xây dựng, ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề ĐLT.

Ở Nhật Bản, các ĐLT ra đời từ năm 1942 và đến nay đã có trên 90% DN nhỏ và vừa tại đây thực hiện khai thuế qua ĐLT. Nếu so với cán bộ thuế làm việc cho các cơ quan quản lý nhà nước thì số nhân viên tại các ĐLT lên tới 72.000 người, gấp 1,4 lần. Ở Hàn Quốc, hội kế toán thuế công ra đời và hoạt động từ năm 1962 và hiện nay có khoảng 93% tổng số DN, doanh nhân sử dụng dịch vụ ĐLT. Tại Đức, một trong những quốc gia nổi tiếng về sự phát triển của dịch vụ tư vấn thuế, cũng có khoảng 79.000 tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.