Học viện Tài chính sẽ nối tiếp sứ mệnh, truyền thống vẻ vang nửa thế kỷ qua

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) GS., TS., NGND. Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính (HVTC) đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Học viện Tài chính.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, 50 năm qua, HVTC đã có những đóng góp quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực tài chính, kế toán có chất lượng cao cho nền kinh tế. Giáo sư có thể cho biết một số nét ấn tượng về quá trình này? 

GS Ngo The Chi
GS., TS., NGND. Ngô Thế Chi,
Giám đốc Học viện Tài chính

GS., TS., NGND. Ngô Thế Chi: HVTC tiền thân là trường cán bộ Tài chính – Kế toán Ngân hàng Trung ương được thành lập ngày 31/7/1963. Năm 1976, trường đổi tên thành Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội; năm 2001, chuyển sang hoạt động theo mô hình học viện trên cơ sở sáp nhập Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tài chính và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính. Năm 2003, sáp nhập thêm Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả và Trường Bồi dưỡng Cục Dự trữ Quốc gia.

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Học viện gồm 31 đơn vị, trong đó có 14 khoa; 12 ban và tương đương; 5 đơn vị sự nghiệp và các hội đồng tư vấn, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội.

Tổng số cán bộ, viên chức của Học viện hiện là 731, trong đó có 459 giảng viên; 46 nghiên cứu viên; 226 cán bộ, viên chức quản lý và phục vụ. Số cán bộ, viên chức có trình độ từ thạc sỹ trở lên là: 345 người, trong đó giáo sư, phó giáo sư: 36; tiến sỹ: 112 và thạc sỹ: 243. Giảng viên kiêm nhiệm thỉnh giảng khoảng 200 người. 21 nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú.

Có thể nói rằng, sau 50 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, HVTC hôm nay đã thực sự trở thành một đại học đa cấp, đa ngành và đa lĩnh vực có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và quốc tế.

Thực hiện sứ mệnh “Cung cấp sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao cho xã hội”, trong suốt 50 năm qua, các thế hệ thầy và trò của Học viện đã luôn luôn đoàn kết, vượt lên muôn vàn khó khăn, năng động, sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng cơ sở vật chất tạo nên những kỳ tích đưa HVTC ngày một trưởng thành và phát triển không ngừng.

Thành tựu nào quan trọng nhất đối với học viện, thưa Giáo sư?

Thành tựu nổi bật nhất mà HVTC đạt được là lĩnh vực đào tạo: Trước hết, từ chỗ có chưa đầy 40 giáo viên kiêm nhiệm tham gia đào tạo một khóa dài hạn và một khóa chuyên tu với số sinh viên chưa đầy 500 người, chương trình, nội dung đào tạo còn nghèo nàn, chuyên ngành đào tạo còn hạn chế thì nay Học viện đã có một đội ngũ giáo viên phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ngày càng đông đảo tham gia đào tạo với hầu hết các chuyên ngành mà nền kinh tế tài chính của đất nước đòi hỏi, số lượng đào tạo hàng năm trên vài nghìn sinh viên.

Rất nhiều trong số sinh viên ra trường đã giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Nhìn chung, hầu hết sinh viên ra trường đều phát huy được tài năng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước trong thời chiến cũng như trong thời bình.

Ngoài việc đào tạo cử nhân kinh tế, từ năm 1987, Học viện được Nhà nước giao trách nhiệm đào tạo trên đại học. Hàng năm Học viện tuyển sinh đào tạo gần 1.000 học viên cao học, gần 100 nghiên cứu sinh với chương trình, nội dung đào tạo ngày một cải tiến phù hợp với yêu cầu đổi mới kinh tế, tài chính của đất nước.

Nhiều luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước và cấp Học viện được đánh giá có chất lượng, được các cơ quan thực tế nghiên cứu áp dụng. Ngoài ra, tính đến nay Học viện đã đào tạo cho nước bạn Lào hàng trăm cán bộ kinh tế tài chính có trình độ đại học và trên đại học.

Với những thành tích kể trên, trong 50 năm qua, Học viện đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước Việt Nam và Nhà nước CHDCND Lào trao tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập; Huân chương Lao động; Huân chương ITSARA, Huân chương Hữu nghị do Nhà nước Lào trao tặng, hơn 60 cán bộ, giáo viên được công nhận là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, 15 Chiến sĩ toàn quốc và nhiều danh hiệu vẻ vang khác.

Theo Giáo sư, hiện nay HVTC cần làm gì để trở thành trung tâm đào tạo có chất lượng cao của cả nước, vươn lên ngang tầm khu vực và có uy tín quốc tế?

Giải pháp cần ưu tiên thực hiện trước mắt là: triển khai chiến lược phát triển HVTC giai đoạn 2013 – 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Tài chính phê duyệt, theo Quyết định số 55/QĐ-BTC ngày 9/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Học viện đã có các chương trình, kế hoạch rất cụ thể, khả thi để thực hiện định hướng chiến lược trên. Cùng với đó, học viện đã có chỉ đạo tiếp tục phát huy được sự đoàn kết gắn bó, tập trung trí tuệ tập thể của đội ngũ giảng viên, cán bộ nhân viên và sinh viên để thực hiện. Tin tưởng rằng với truyền thống nửa thế kỷ xây dựng trưởng thành vừa qua học viện sẽ thực hiện các chương trình mục tiêu một cách hiệu quả nhất.

Nửa thế kỷ đã đi qua, hẳn là nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập, Giáo sư còn có nhiều cảm xúc muốn chia sẻ?

Sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung, học viện nói riêng luôn gánh trên vai sứ mệnh cao cả, góp phần cho tiến trình phồn thịnh đất nước, đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng nghỉ. Tình hình kinh tế xã hội đất nước hiện nay càng đòi hỏi sự phấn đấu cao hơn.

Để phát huy những truyền thống tốt đẹp của Học viện, mỗi cán bộ, công chức HVTC cũng phải cống hiến không ngừng, hoàn thiện bản thân, trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ và chuyên môn nghiệp vụ, khắc phục mọi khó khăn gian khổ… Có như vậy mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính giao phó.

Xin chúc cán bộ, giảng viên, công nhân viên chức và các em sinh viên HVTC  mạnh khỏe, hạnh phúc và giành nhiều thành công mới!

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!