Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 20

Theo mof.gov.vn

Từ ngày 4-5/5, tại thành phố Yokohama, Nhật Bản diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 20 (AFMGM 3) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Philippines. Về phía đoàn Việt Nam có bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tình hình kinh tế vĩ mô khu vực

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cùng Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Phó Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Giám đốc Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO) chia sẻ quan điểm về tình hình kinh tế tài chính khu vực và toàn cầu cũng như các giải pháp để giảm thiếu tối đa tác động của những rủi ro, nhằm ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Các Bộ trưởng chia sẻ nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực, năng động của khu vực ASEAN+3 sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này có được là nhờ các nỗ lực cải cách cơ cấu và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả trong khu vực.

Các Bộ trưởng cũng nhận định các rủi ro và khó khăn mà kinh tế khu vực sẽ phải đối mặt. Kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là tính khó dự đoán liên quan tới việc thực thi chính sách kinh tế của các nước trên thế giới. Theo đó, các chính sách định hướng kinh tế hướng nội, bảo hộ và thắt chặt tài chính quá mức là những rủi ro lớn nhất với tăng trưởng ổn định và tích cực của kinh tế khu vực.

Trước những thách thức và rủi ro trên, Hội nghị đã nhận định tầm quan trọng trong việc thực thi các giải pháp chính sách sau khủng hoảng tài chính, sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm giúp tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, củng cố niềm tin, trên cơ sở điều kiện kinh tế khác nhau của các nền kinh tế thành viên.

Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò phối hợp của các tổ chức tài chính quốc tế trong việc nghiên cứu các biện pháp quản lý luồng vốn một cách phù hợp, tác động của các dòng luân chuyển vốn và duy trì sự ổn định kinh tế tài chính khu vực. Các Bộ trưởng thể hiện sự cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác tài chính khu vực, hỗ trợ các hệ thống thương mại, đầu tư đa phương theo hướng tự do hóa nhằm tăng cường phát triển kinh tế các nước thành viên.

Củng cố hệ thống an ninh tài chính khu vực

Trước đó, vào ngày 4/5/2017, để chuẩn bị cho Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3, Hội nghị các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương đã diễn ra.

Tại Hội nghị Thứ trưởng, các Thứ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã tiến hành rà soát các hoạt động và sáng kiến hợp tác tài chính của khu vực gồm Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), các vấn đề về định hướng phát triển AMRO, và Sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu Châu Á (ABMI).

Hội nghị ghi nhận tiến độ đạt được khi triển khai CMIM, bao gồm thực hiện chạy thử nghiệm CMIM với nhiều tình huống giả định khác nhau để đảm bảo tính sẵn sang khi vận hành trong thực tế; tăng cường phối hợp giữa CMIM và IMF để đảm bảo CMIM sẽ là công cụ hữu hiệu nhằm bổ sung cho mạng lưới an ninh tài chính khu vực.

Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương cũng đánh giá cao sự kiện Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã có những bước tiến trong việc tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát, trong đó có hoàn thiện và xuất bản báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 bên lề Hội nghị. Qua đó, tăng cường tính hiệu quả của cơ chế CMIM.

Về phát triển thị trường trái phiếu Châu Á (Sáng kiến ABMI), Hội nghị ghi nhận tiến độ triển khai của ABMI đã góp phần quan trọng vào phát triển thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ, là một kênh huy động vốn dài hạn trong khu vực.

Đồng thời, các Thứ trưởng ghi nhận tiến độ mà các nhóm công tác trong khung khổ ABMI đã đạt được, trong đó có việc xuất bản “Những thực tiễn tốt trong phát triển thị trường trái phiếu”, qua đó tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên và chia sẻ kinh nghiệm thành công của khu vực ASEAN+3 ra các khu vực khác.

Định hướng hợp tác tài chính khu vực ASEAN+3

Nhân dịp 20 năm kể từ thời điểm của Cuộc Khủng hoảng tài chính Châu Á, Các Bộ trưởng đã cùng nhau thảo luận và thông qua một văn bản kèm theo tuyên bố chung, ghi nhận định hướng hợp tác tài chính khu vực - “Tầm nhìn Yokohama”.

Văn bản này nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác khu vực thông qua 2 trụ cột hợp tác: (1) Tăng cường tính bền vững của khu vực nhằm đối mặt với các cú sốc về kinh tế và phi kinh tế thông qua việc củng cố và phát triển mạng lưới an toàn tài chính khu vực; và (2) Thúc đẩy sử dụng đồng tiền nội địa trong các giao dịch tài chính và thương mại nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.

Các trụ cột hợp tác này sẽ là những ưu tiên định hướng nhằm tạo tiền đề và cơ sở để các nước trong khu vực thúc đẩy liên kết kinh tế, tài chính trong khu vực, cùng nhau đối phó với những khó khăn thách thức gặp phải.

Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đánh giá cao và cảm ơn nỗ lực của hai nước Philippines và Nhật Bản trong việc chuẩn bị và đảm nhận công tác chủ trì Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng ASEAN+3 năm 2017. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 21 sẽ diễn ra tại Manila, Philippines vào năm 2018, dưới sự chủ trì của Singapore và Hàn Quốc.