Hội nghị lần thứ 3 Nhóm Tư vấn Khu vực Châu Á của Uỷ ban Ổn định Tài chính

Theo Cổng thông tin Bộ Tài chính

Ngày 12/11/2012, Nhóm Tư vấn Khu vực Châu Á của Uỷ ban Ổn định Tài chính (FSB) đã nhóm họp tại Seoul, Hàn Quốc dưới sự đồng chủ trì của hai nước Hàn Quốc và Malaysia. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính và cơ quan giám sát tài chính của 16 nền kinh tế thành viên của Nhóm và đại diện của FSB. Với tư cách là thành viên của Nhóm, ông Nguyễn Bá Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đã đại diện Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị.

Đại biểu tham dự Hội nghị
Đại biểu tham dự Hội nghị

FSB là cơ quan quốc tế do nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (nhóm G20) thành lập, chịu trách nhiệm hợp tác và phối hợp chính sách tài chính toàn cầu nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính quốc tế. Nhóm Tư vấn Khu vực Châu Á do FSB thiết lập vào tháng 11/2010 (gồm 16 nền kinh tế Châu Á và Châu Đại Dương, trong đó có 8 nước ASEAN) nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra ngoài các thành viên của FSB. Với mục tiêu này, sáu nhóm tư vấn khu vực đã được hình thành tại sáu khu vực trên thế giới để quy tụ các cơ quan tài chính của các nền kinh tế thành viên và không phải thành viên G20 nhằm trao đổi quan diểm về các vấn đề dễ bị tác động làm ảnh hưởng tới các hệ thống tài chính và các sáng kiến tăng cường ổn định tài chính.

 Tại hội nghị, các thành viên đã cùng nhau rà soát các ưu tiên chính sách và kế hoạch hành động của FBS, và thảo luận các vấn đề liên quan tới sự ổn định và tính dễ tổn thương của tài chính khu vực. Về nội dung này, các thành viên đã trao đổi sâu về những tác động ngắn và dài hạn do sự bất ổn kéo dài trong việc giải quyết các vấn đề về nợ công và khu vực tài chính của Châu Âu cũng như các diễn biến chính sách gần đây của Mỹ tới ổn định và hạ tầng tài chính trong khu vực Châu Á. Các nước thành viên cũng thảo luận về những tiến bộ trong quá trình hoàn thiện các công cụ chính sách vĩ mô thận trọng và các thách thức tiềm ẩn liên quan tới việc thực hiện các công cụ này trong khu vực.

 Một lĩnh vực khác cũng được các thành viên tập trung thảo luận tại Hội nghị là tác động của những cải cách quy chế tài chính ở Châu Á, theo đó Hội nghị cho rằng cần chú trọng tới các tác động chưa chưa tính hết phát sinh trong quá trình thực hiện và chuẩn bị các biện pháp có thể để ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực. Các ưu tiên chính sách và thách thức liên quan tới các tổ chức và hoạt động cấp vốn phi ngân hàng tại Châu Á cũng như triển khai sáng kiến của FSB về xây dựng Hệ thống xác định thể nhân toàn cầu (LEI) cho các thị trường tài chính cũng nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý của các đại biểu.

 Tại Hội nghị, đại diện của Bộ Tài chính Việt Nam đã tham gia tích cực tất cả các phiên họp, bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối với các tiến triển trong hoạt động gần đây của Nhóm, nhất là các hoạt động nghiên cứu, phân tích về tác động của tình hình bất ổn tài chính toàn cầu đối với khu vực và các biện pháp ứng phó. Việc tham gia vào Nhóm Tư vấn Khu vực Châu Á của FSB, đối với các nước không phải thành viên của G20 như Việt Nam có một ý nghĩa quan trọng, một mặt để chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm về việc phát triển và áp dụng các công cụ chính sách vĩ mô thận trọng của các nước trên thế giới, mặt khác để nêu lên quan điểm của nhóm nước đang phát triển nhằm đấu tranh cho việc hình thành các công cụ chính sách phù hợp với những đặc trưng riêng biệt và mức độ phát triển khác nhau của thị trường tài chính của các nước Châu Á so với các nước G20.

 Về hoạt động của Nhóm Tư vấn Khu vực Châu Á, Hội nghị đã trao đổi và thống nhất thành lập một Nhóm công tác. Trong thời gian trước mắt, Nhóm công tác sẽ tập trung vào nghiên cứu hai chủ đề: (1) Tác động của quy định quản lý đối với các định chế tài chính quan trọng về mặt hệ thống (SIFI) do Hồng Kông và Malaysia đồng chủ trì; và (2) Nghiên cứu về các tổ chức và hoạt động cấp vốn phi ngân hàng ở Châu Á do Ấn Độ và Hàn Quốc chủ trì. Hội nghị cũng thống nhất các nội dung cơ bản của quy chế hoạt động của Nhóm. Thời gian của cuộc họp tiếp theo được xác định là ngày 28/3/2013.