Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC

Theo mof.gov.vn

(Taichinh) - Trong hai ngày 11-12/6/2015, hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC đã được tổ chức tại Bataan, Philippines với sự tham dự của các quan chức tài chính đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Bộ Tài chính Việt Nam đã cử đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn

Tập trung vào các chủ đề hợp tác trong 4 trụ cột của Kế hoạch hành động Cebu, hội nghị đã thảo luận về các sáng kiến hợp tác trong từng trụ cột, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm triển khai trong nước, những vấn đề nảy sinh và các đề xuất giải quyết vấn đề.

Kế hoạch hành động Cebu với 4 trụ cột trọng tâm, bao gồm (i) Thúc đẩy hội nhập tài chính, (ii) Thúc đẩy minh bạch tài khóa và cải cách chính sách, (iii) Cải thiện bền vững tài chính; và (iv) Tăng cường tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng, được Philippines đề xuất với tham vọng trở thành định hướng cho hoạt động hợp tác tài chính APEC trong 10 năm tới. Kế hoạch hành động này sẽ được trình lên các Bộ trưởng Tài chính thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 9/2015 tại Cebu, Philippines.

Với trụ cột về “Thúc đẩy hội nhập tài chính”, APEC hướng tới các mục tiêu hội nhập và phát triển tài chính toàn diện. Theo đó, APEC dự kiến sẽ tăng cường hợp tác nhằm phát triển một mạng lưới thông tin tín dụng khu vực đi đôi với hệ thống đăng ký tài sản lưu động cho các giao dịch bảo đảm nhằm hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp SME thuận lợi hơn khi tiếp cận các nguồn tín dụng. Mục tiêu thúc đẩy tự do hóa tài khoản vốn và dịch vụ tài chính qua biên giới cũng là một trong những mục tiêu lâu dài của APEC nhằm thúc đẩy hội nhập tài chính trong khu vực.

Với trụ cột về “Thúc đẩy minh bạch tài khóa và cải cách chính sách”, APEC tập trung tăng cường hợp tác trong các sáng kiến nhằm cải thiện tính minh bạch trong thông tin tài khóa, thúc đẩy chia sẻ thông tin tài khóa trong khu vực, xây dựng một hệ thống mã số định dạng thuế thống nhất trong khu vực, và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS).

Với trụ cột về “Tăng cường bền vững tài chính”, APEC nhấn mạnh vào các mục tiêu tạo ra một lớp đệm chống lại các cú sốc từ bên ngoài, phát triển các cơ chế bảo hiểm cho những rủi ro thiên tai, và tăng cường sự phát triển của thị trường vốn khu vực nhằm tạo thêm các công cụ chuyển hóa rủi ro.

Với trụ cột về “Tăng cường tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng”, APEC hướng tới các mục tiêu tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân thông qua các dự án PPP, tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn cho cơ sở hạ tầng, và thúc đẩy phát triển hạ tầng cho phát triển đô thị và kết nối khu vực.

Tại hội nghị, “Kế hoạch hành động Cebu” đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ từ nhiều nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế khu vực quan trọng như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, để Kế hoạch hành động này có thể trở thành một khung khổ hợp tác tài chính cho khu vực APEC trong trung và dài hạn, một số nền kinh tế đã đề xuất bổ sung các nguyên tắc về tự nguyện và không ràng buộc là các nguyên tắc cơ bản của APEC, vào Kế hoạch hành động Cebu, nhằm đảm bảo tính linh hoạt của Kế hoạch và tính tự chủ của nước chủ nhà. Philippines sẽ phối hợp với các nền kinh tế thành viên và các tổ chức quốc tế tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động Cebu để có thể trình lên các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tháng 9 tới tại Cebu, Philippines.