Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC và Hội nghị về Tiếp cận Tài chính toàn diện tại Indonesia

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Trong các ngày từ 22-25/5/2013 tại Indonesia đã diễn ra các Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC (SFOM) và Hội nghị về Tiếp cận Tài chính toàn diện. Đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính đã tham dự các hội nghị.

Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC  và Hội nghị về Tiếp cận Tài chính toàn diện tại Indonesia
Các đại biểu tham dự hội nghị. Nguồn: Mof.gov.vn
SFOM hàng năm là hội nghị thường niên giữa kỳ ở cấp kỹ thuật của kênh hợp tác tài chính APEC. Tại Hội nghị này, các quan chức tài chính các nước APEC sẽ xem xét, thảo luận về tiến độ triển khai các chủ đề hợp tác đã được khởi xướng từ đầu năm, và dự kiến chuẩn bị cho các hoạt động hợp tác cuối năm 2013.

Nội dung thảo luận của hội nghị SFOM lần này tập trung vào các chủ đề: (i) Đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; (ii) Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực; (iii) Thúc đẩy sáng kiến tiếp cận tài chính toàn diện; (iv) Tài trợ thương mại; (v) Hiện đại hóa hệ thống kho bạc nhà nước và một số vấn đề khác.

Đánh giá về viễn cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các đại điểu đều nhất trí thống nhất nhận định rằng kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn yếu kém và tiềm ẩn nhiều bất ổn, có thể sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế APEC trong cả ngắn hạn và trung hạn.

Đứng trước các nguy cơ ấy, hội nghị đã cùng nhau chỉ ra các ưu tiên chính sách đối với các nền kinh tế APEC. Theo đó, các nước kinh tế phát triển cần tập trung kết hợp thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ bền vững trong khi các nước đang phát triển nên tận dụng cơ hội để thực hiện các biện pháp cải cách cơ cấu theo hướng cải thiện năng suất và chú trọng đầu tư vào nội bộ nền kinh tế, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn nhân lực.

Đối với nội dung tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực APEC, các đại biểu đã thảo luận và nhận thấy cần có một lộ trình, kế hoạch dài hạn trong việc thúc đẩy việc phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Hội nghị đã tiến hành trao đổi về việc xây dựng một kế hoạch nhiều năm nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, và đầu tư. Dự thảo kế hoạch này sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới. Hội nghị cũng thống nhất nghiên cứu về việc thành lập thử nghiệm một trung tâm phối hợp về nội dung hợp tác đối tác công tư nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng trong các nền kinh tế khu vực.

Ở nội dung tăng cường tiếp cận tài chính toàn diện, hội nghị đã làm việc về việc xây dựng các nguyên tắc hướng dẫn nhằm hỗ trợ các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận thuận lợi hơn đối với các dịch vụ tài chính. Các đại biểu tham dự cũng trao đổi việc thúc đẩy tài trợ thương mại trong các nền kinh tế APEC, đồng thời đặc biệt lưu ý việc các thị trường tư nhân thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong tài trợ thương mại và nhận thấy rằng các nền kinh tế APEC đang có xu hướng giảm lệ thuộc vào các ngân hàng Châu Âu trong tài trợ thương mại trong khi các ngân hàng Châu Á đang trở thành nguồn cung cấp tín dụng thương mại thay thế. Đây là xu thế nên được khuyến khích nhưng cũng cần có sự chuẩn bị để hỗ trợ các ngân hàng khu vực vì hiện nay, năng lực các ngân hàng này vẫn còn chưa đủ đáp ứng khả năng hỗ trợ tài chính tài trợ cho hoạt động thương mại của khu vực.

Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi các biện pháp nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng các nguồn tín dụng chi phí thấp và dồi dào hiện nay nhằm hỗ trợ tài trợ hoạt động thương mại của họ thông qua hỗ trợ các hoạt động bảo lãnh và kiểm toán từ phía chính phủ và các tổ chức quốc tế trong khu vực.

Về vấn đề hiện đại hoá hệ thống kho bạc trong các nền kinh tế APEC, các nước thành viên APEC đều nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống kho bạc xuất phát từ cả nhu cầu bên trong nền kinh tế (tăng cường tính hiệu quả và hợp lý của việc quản lý, phân bổ nguồn lực) và từ nhu cầu bên ngoài (suy giảm kinh tế toàn cầu càng thúc đẩy yêu cầu tăng hiệu quả của việc chi tiêu và thắt chặt quản lý ngân sách). Hội nghị nhận định các bài học kinh nghiệm về hiện đại hóa hệ thống kho bạc ở các nền kinh tế APEC cần được chia sẻ giữa các thành viên, rút ra mô hình thực tiễn tốt nhất để cùng trao đổi, thảo luận và từ đó, các nền kinh tế thành viên có thể áp dụng, học tập.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội nghị cũng cùng nhau thảo luận một số vấn đề khác như đánh giá tiến độ của sáng kiến Chứng nhận Quỹ Khu vực Châu Á (ARFP), nghe trình bày của đại diện OECD về các nguyên tắc quản lý rủi ro thảm họa… và thảo luận về các vấn đề liên quan đến chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2013.

Cũng trong thời gian này, Hội nghị Tăng cường tiếp cận tài chính toàn diện cũng đã được diễn ra. Hội nghị về Tiếp cận Tài chính toàn diện là hội nghị nằm trong một trong bốn chủ đề chính trong năm chủ tịch của Indonesia. Hội nghị nhằm tạo cơ hội để các nước thành viên APEC gặp gỡ, trao đổi về các biện pháp gia tăng sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh cá thể vào việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Tại hội nghị, các đại diện của các nền kinh tế thành viên APEC đã cùng nhau trao đổi xoay quanh các chủ đề về: phương pháp tiếp cận đổi mới; các công cụ mới; khung khổ pháp lý/quy định hỗ trợ; và vai trò chiến lược của mối quan hệ hợp tác đối tác công tư trong việc thúc đẩy các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ đủ điều kiện tham gia tiếp cận các dịch vụ tài chính. Hội nghị năm nay về Tiếp cận tài chính toàn diện còn có mục tiêu thảo luận và chuẩn bị các nội dung thảo luận và đề xuất kiến nghị lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính  APEC vào cuối tháng 9/2013.

Tại hội nghị, đại diện của Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động tham gia các phần thảo luận và đóng góp ý kiến đối với các nội dung về đầu tư cơ sở hạ tầng, về hiện đại hóa hệ thống kho bạc nhà nước. Đến hết ngày 25/5, các hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp.