Hội thảo "Giám sát và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước"

PV.

(Tài chính) Ngày 22/11/2012, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Giám sát và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước" trong khuôn khô dự án “Hỗ trợ xây dựng tầm nhìn và lộ trình thực hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam” do Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)– Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Đây là dự án quan trọng do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) hỗ trợ CIEM thực hiện.

TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhận định: “Một số doanh nghiệp vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản của Nhà nước nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Hoạt động giám sát chưa có tác dụng cảnh báo và ngăn ngừa việc sử dụng kém hiệu quả vốn và bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu nhà nước còn thiếu đồng bộ”. Điều này cho thấy, vấn đề giám sát và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần phải có những quan tâm thích đáng.

Mở đầu hội thảo, báo cáo “Giám sát, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước – Thực trạng và kiến nghị đổi mới” do Ths. Phạm Đức Trung  - Phó Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp – CIEM trình bày cho thấy, bức tranh về hoạt động giám sát, đánh giá hoạt động DNNN của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập (báo cáo này chỉ đề cập tới các DNNN có 100% vốn nhà nước).

Trong gần 30 năm cải cách DNNN, Việt Nam đã có một hệ thống các quy định về giám sát đối với DNNN. Nhưng hiện nay chúng ta đang rất lúng túng trong việc tìm ra đầu mối quản lý vấn đề này, vì  không có văn bản nào chỉ định rõ cơ quan nào thực hiện chức năng giám sát. Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật có nhiều lỗ hổng. Về chủ thể giám sát thì cơ chế hiện hành chưa làm rõ trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước trong hoạt động giám sát, đánh giá. Năng lực giám sát và đánh giá của bản thân các quan giám sát còn yếu, mang nặng tính hình thức. Các chỉ tiêu giám sát, đánh giá cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như: nặng về các chỉ tiêu tài chính, chưa đủ để làm cơ sở giám sát, đánh giá vai trò và chức năng của DNNN trong nền kinh tế. Cơ chế giám sát mới tập trung vào việc giám sát, đánh giá các doanh nghiệp mà chưa chú trọng đến giám sát quá trình thực thi chức năng chủ sở hữu Nhà nước. Bản thân việc đánh giá các chỉ tiêu đang sử dụng hiện nay chưa tạo được động lực và trách nhiệm bắt buộc các doanh nghiệp pháp tối đa hóa kết quả thực hiện. Các chỉ tiêu giám sát chưa thực sự trở thành công cụ để kịp thời phát hiện, cảnh báo về nguy cơ, dấu hiệu rủi ro về tài chính và sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, chưa xét đến đặc thù của ngành, lĩnh vực hoạt động của DNNN. Cơ chế công khai, minh bạch hóa thông tin vẫn còn nhiều yếu kém. Việc giám sát nội bộ DNNN yếu do chưa có sự tách bạch giữa quản lý và điều hành, giữa chủ thể giám sát và đối tượng giám sát.

Báo cáo cũng đưa ra các kiến nghị, giải pháp như: bổ sung quy chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân. Xác định rõ nội dung và tiêu chí giám sát của chủ sở hữu nhà nước. Xác định chủ thể giám sát và thực hiện việc giám sát. Ngoài ra, tăng cường việc giám sát từ bên ngoài qua cơ chế công khai, minh bạch thông tin… Riêng đối với chủ thể giám sát, trước mắt báo cáo này đề xuất Bộ Tài chính là đầu mối chịu trách nhiệm giám sát toàn diện đối với DNNN là Tổng công ty hoặc Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Còn đối với các DNNN thuộc Bộ hoặc UBND cấp tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát thay vì cơ chế Bộ Tài chính đồng giám sát như hiện nay.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, khâu giám sát đánh giá còn bộc lộ nhiều yếu kém do cơ chế chưa rõ ràng, các doanh nghiệp cũng thực hiện chưa nghiêm túc các quy định giám sát. Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội) cho biết: công tác tiền lương cần qua khâu giám sát, đánh giá cẩn thận nhưng báo cáo của doanh nghiệp gửi Liên Bộ và kiểm toán lại không thống nhất. Và vấn đề ở đây là cũng phải lưu ý đến vai trò của cơ quan giám sát.

Vấn đề minh bạch hóa thông tin cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, TS. Trần Thị Thanh Hồng – Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Văn phòng Trung ương Đảng đã đưa ra giải pháp là tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo về cơ quan giám sát hàng ngày qua đường Internet để khi nào cần cơ quan này cần đều có thể kiểm tra được.

TS. Trần Tiến Cường – Chuyên gia tư vấn độc lập nhấn mạnh: Thay vì vẫn tổ chức giám sát tản mạn và chỉ khác là giao quyền và trách nhiệm nhiều hơn về cho các Bộ quản lý ngành, cần có quyết tâm chính trị để tập trung đầu mối, thành lập tổ chuyên trách và chuyên nghiệp để giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước quy mô lớn, quan trọng.