Hội thảo Nghị định của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh

Theo ssc.gov.vn

(Tài chính) Trong khuôn khổ hợp tác về Hỗ trợ Kỹ thuật lĩnh vực tài chính của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)- Nhật Bản, ngày 30/10/2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Viện Nghiên cứu Nomura- NRI (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Nghị định của Chính phủ về chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh ".

Chủ tịch UBCNNN Vũ Bằng (ở giữa) cùng ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (bên phải) và bà YoKo Ogimoto, Trưởng nhóm tư vấn của Viện nghiên cứu Momura (Nhật Bản) chủ trì Hội nghị. Nguồn: ssc.gov.vn
Chủ tịch UBCNNN Vũ Bằng (ở giữa) cùng ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (bên phải) và bà YoKo Ogimoto, Trưởng nhóm tư vấn của Viện nghiên cứu Momura (Nhật Bản) chủ trì Hội nghị. Nguồn: ssc.gov.vn
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định đã nhấn mạnh tính cần thiết phải xây dựng Nghị định của Chính phủ về TTCK phái sinh tại Việt Nam.

Thay mặt cho Ban soạn thảo, Ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, UBCKNN trình bày sơ lược các nội dung chính của Dự thảo Nghị định. Theo đó, các nội dung của Nghị định cơ bản đã bao hàm được toàn bộ các hoạt động niêm yết, kinh doanh, đầu tư, cung cấp dịch vụ liên quan đến chứng khoán và TTCK phái sinh.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định, các chuyên gia quốc tế của GIZ (Đức), Nomura cùng nhóm các chuyên gia đến từ các thành viên thị trường như Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Công ty chứng khoán SSI… đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho các nội dung cần điều chỉnh.

Ban soạn thảo Nghị định đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp, chia sẻ tại Hội thảo về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Nghị định, xem xét lựa chọn mô hình thành viên cho TTCK phái sinh, lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển các loại chứng khoán phái sinh trong tương lai.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo, ở hầu hết các quốc gia châu Á, sau khi thị trường cơ sở được hình thành và phát triển đều định hướng thiết lập TTCK phái sinh và xây dựng khung pháp lý cho vận hành thị trường này.

Thực tế thời gian qua, trên TTCK đã xuất hiện một số loại chứng khoán phái sinh nhưng không thực hiện được do chưa có quy định pháp lý. Việc dự thảo Nghị định của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh lần này được nhiều đại biểu tại Hội thảo đánh giá là cần thiết, cho thấy bước phát triển mới của TTCK, đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ban soạn thảo Nghị định đánh giá cao sự tham gia đóng góp của các đại biểu, chia sẻ ý kiến và nghiên cứu để hoàn chỉnh Nghị định. Dự kiến Nghị định sẽ được hoàn chỉnh và trình Chính phủ trong năm 2014.