Hơn 3.300 tỷ đồng bồi thường các vụ tai nạn giao thông

Thanh Sơn

Ngày 24/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm , Bộ Tài chính đã phối hợp với Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hiệp hội vận tải Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn Thông tư 22/2016/TT-BTC (TT 22) quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới khu vực phía Nam.

Hội nghị tập huấn Thông tư 22/2016/TT-BTC. Ảnh: Financeplus.vn
Hội nghị tập huấn Thông tư 22/2016/TT-BTC. Ảnh: Financeplus.vn

Tích cực triển khai thông tư 22

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Phùng Ngọc Khánh cho biết, với việc tích cực triển khai thực hiện chế độ bảo hiểm (BH) bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới ban hành theo Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ. Nhằm tiếp tục hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS), cũng như tạo cơ sở pháp lý ổn định, minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), chủ xe cơ giới, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS để thay thế Thông tư số 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008 và Thông tư số 151/2012/TT-BTC ngày 12/9/2012 và Thông tư số 43/2014/TT-BTC ngày 11/4/2014 của Bộ Tài chính.

Ông Phùng Ngọc Khánh chia sẻ: “Thời gian qua, các DNBH đã giải quyết bồi thường gần 80.000 vụ tai nạn giao thông, với tổng số tiền bồi thường hơn 3.300 tỷ đồng, trong đó bồi thường thiệt hại về người là gần 1.000 tỷ đồng cho hơn 7.700 người bị chết và gần 26.000 người bị thương, bồi thường thiệt hại về tài sản là trên 2.300 tỷ đồng và phần lớn là tài sản của người bị tai nạn”.

Bên cạnh đó, một số trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông nhưng tài xế lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường, nên các cơ quan chức năng không xác định được xe gây tai nạn hoặc xe không tham gia bảo hiểm còn được hỗ trợ nhân đạo từ Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới. Qua đó, đã góp phần tích cực nhằm bù đắp những tổn thất với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng, giảm bớt mất mát về người và tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia giao thông, thể hiện rõ tính chất nhân văn của chính sách này.

Hơn 3.300 tỷ đồng bồi thường các vụ tai nạn giao thông  - Ảnh 1

Ông Phùng Ngọc Khánh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Financeplus.vn


Tăng mức phí bồi thường từ 25% và 43%

Thông tư đã tăng 25% và 43% mức trách nhiệm bảo hiểm hiện hành (lên mức 50 triệu/1 vụ tai nạn và 100 triệu đồng/vụ tai nạn đồng đối với thiệt hại về tài sản do mô tô, xe máy và xe ô tô gây ra, 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn đối với thiệt hại về người) nhằm phản ánh các biến động tăng về chi phí khám chữa bệnh và chi phí sửa chữa tài sản, phương tiện.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn tài chính của các DNBH, Thông tư cũng quy định mức tăng phí từ 10% đến 20% một số dòng xe (13 dòng) có tỷ lệ tai nạn, rủi ro cao, bao gồm xe dưới 6 chỗ ngồi, xe 16, 24 và trên 25 chỗ ngồi; xe tải từ 8 đến 15 tấn, trên 15 tấn và một số loại xe khác (taxi, xe chuyên dùng, đầu kéo rơ-moóc, xe máy chuyên dùng.

Đặc biệt, Thông tư 22 đã thay thế toàn bộ bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường bảo hiểm theo quy định mới của của liên Bộ Y tế và Bộ Lao động, thương binh và xã hội quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp. Bảng tỷ lệ mới được quy định chi tiết hơn (tăng từ 221 lên 827 trường hợp thương tật) với cách phân loại đầy đủ, khoa học hơn, và thống nhất một mức dao động là 5% giữa tỷ lệ tối thiểu và tối đa của các loại thương tật.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Huyền, Cục phó Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết “TT 22 còn có điểm mới quy định là tăng thêm mức phí ở những phương tiện có độ rủi ro cao, mở rộng cho các doanh nghiệp được tự quyết định bồi thường theo thủ tục hồ sơ bồi thường rút gọn đối với các trường hợp tai nạn xe mà thiệt hại về tài sản ước tính dưới 10 triệu đồng, nhưng phải tránh trục lợi bảo hiểm. Pháp luật hình sự đã có quy định xử phạt các trường hợp trục lợi bảo hiểm. Một số doanh nghiệp có những trường hợp trục lợi, thì tự mình hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để xử lý”.

Thông tư 22 cũng quy định thống nhất về thời hạn đóng phí BH cho tất cả các đối tượng chủ xe. Theo đó, trường hợp phí BH dưới 50 triệu đồng, chủ xe cơ giới thanh toán 1 lần tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận BH; trường hợp phí BH từ 50 triệu đồng, trên cơ sở thỏa thuận với DNBH, chủ xe được gia hạn thu phí (nhưng tối đa không quá 30 ngày). Việc xác nhận nộp tiền của khách hàng trên Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng hợp pháp xác nhận khách hàng đã thanh toán phí BH. Về bồi thường thiệt hại do lỗi của bên thứ ba, Thông tư quy định rõ trường hợp lỗi hoàn toàn của bên thứ ba thì mức bồi thường bảo hiểm về người đối với các đối tượng thuộc bên thứ ba bằng 50% mức bồi thường theo quy định.

Tại Hội nghị tập huấn, trả lời một số câu hỏi của doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV xe khách SG hỏi về xe buýt chạy trong nội thành, vào dịp lễ, tết do được điều động chở khách đi tỉnh khác, khi bị tai nạn có được bồi thường hay không, lãnh đạo Cục QLBH cho biết: Chuyển từ chạy đường ngắn sang chạy đường dài, thì độ rủi ro cao hơn. Khi mua bảo hiểm ban đầu là không kinh doanh, nhưng sau chuyển sang thành xe có kinh doanh thì chủ xe phải có thỏa thuận với cơ quan bảo hiểm về mức phí cũng như mức bồi thường khi có tai nạn xảy ra. Ngoài ra doanh nghiệp vận tải phải có thông báo cho cơ quan công an khi thay đổi luồng tuyến. Mặt khác xe buýt thuộc dạng xe không kinh doanh nhưng là dòng xe đặc thù, có rủi ro, nên cơ quan chức năng cũng tính toán để có mức biểu phí cho phù hợp, để khi hành khác bị tai nạn sẽ được bồi thường khi mua vé xe.

Về câu hỏi của công ty Bảo hiểm Liberty về thời gian áp dụng mức phí bồi thường giấy thì giấy chứng nhận bảo hiểm áp dụng trước ngày 01/4/2016 mức phí vẫn theo quy định cũ. Ngoài ra, mức phí bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm khi mức viện phí tăng lên thì theo Thông tư 22 sẽ không có quy định tính khấu hao tài sản khi thiệt hại về tài sản xảy ra.

Việc giải đáp kịp thời tại buổi tập huấn đã góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai, cũng như viêc phổ biến những nội dung cơ bản của Thông tư 22 nhằm nhanh chóng đưa Thông tư đi vào cuộc sống.