Hợp tác tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ APEC

PV.

Việt Nam và nhiều nền kinh tế khác trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) có nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) ngày càng lớn. Sáng kiến đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong khuôn khổ APEC 2017 đang được các nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm.

Tới năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển thuộc châu Á và Thái Bình Dương sẽ vượt 22,6 nghìn tỷ USD (tương đương 1,5 nghìn tỷ USD) mỗi năm.
Tới năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển thuộc châu Á và Thái Bình Dương sẽ vượt 22,6 nghìn tỷ USD (tương đương 1,5 nghìn tỷ USD) mỗi năm.

Nhu cầu tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng

Trong những năm gần đây, nhu cầu đầu tư, phát triển CSHT và tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư CSHT tại Việt Nam và một số nền kinh tế thành viên APEC là vấn đề “nóng”, được quan tâm nhiều, đặc biệt là khi áp lực chi tiêu công ngày càng lớn khiến nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn đầu tư trở thành mối quan ngại.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tới năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho CSHT ở các nước đang phát triển thuộc châu Á và Thái Bình Dương sẽ vượt 22,6 nghìn tỷ USD (tương đương 1,5 nghìn tỷ USD) mỗi năm. Nếu tính cả chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu thì các số liệu ước tính tăng lên hơn 26 nghìn tỷ USD, tương đương 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Việc đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, giao thông, viễn thông và nước sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng, giảm nghèo và cải thiện đời sống của người dân. Tính đến nay, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn thiếu hụt đáng kể về CSHT, với hơn 400 triệu người thiếu điện, 300 triệu người chưa được tiếp cận nước an toàn...

Trước thực trạng đó, tài trợ vốn dài hạn để đầu tư vào hệ thống hạ tầng là một trong các chủ đề được thảo luận nhiều tại Diễn đàn APEC cũng như các diễn đàn và hội thảo quốc tế khác.

Trong những năm gần đây, để tăng cường tài chính và phát triển CSHT, các nền kinh tế APEC đã ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP) cho các dự án quan trọng, huy động nguồn tài trợ dài hạn dành cho CSHT, khởi động các công cụ dài hạn hỗ trợ cho đầu tư dài hạn và tăng cường cơ sở hạ tầng toàn diện cho phát triển đô thị, kết nối khu vực. Và tại Diễn đàn APEC 2017, Hợp tác tài chính cho cơ sở hạ tầng tiếp tục là vấn đề được các nước thành viên và các tổ chức quốc tế quan tâm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm.

Sáng kiến đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ APEC 2017

Sáng kiến hợp tác tài chính trong năm APEC 2017 gắn liền với các trụ cột ưu tiên quốc gia của Việt Nam chủ trì Năm APEC. Bốn sáng kiến về hợp tác tài chính APEC 2017 được lựa chọn là: (i) Tài chính cho CSHT; (ii) Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận; (iii) Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; và (iv) Tài chính toàn diện.

Chủ đề đầu tư dài hạn cho CSHT trong APEC 2017 được các nền kinh tế thành viên APEC và tổ chức quốc tế thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm hướng tới việc thu hút các nguồn vốn đầu tư dài hạn cho CSHT và thúc đẩy các dự án PPP trong lĩnh vực CSHT thông qua việc giải quyết vấn đề chia sẻ rủi ro và xây dựng các cơ chế giảm thiểu rủi ro cho dự án.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC diễn ra vào tháng 02/2017 đã thông qua kế hoạch hoạt động về đầu tư dài hạn cho CSHT với đề xuất định hướng hợp tác trong năm 2017 cụ thể gồm:

- Tổ chức Hội thảo về Đầu tư dài hạn cho CSHT vào tháng 5/2017 chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm giữa các thành viên APEC trong việc xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý, đa dạng hóa các nguồn tài chính cho CSHT và các công cụ giảm thiểu rủi ro hiệu quả.

- Phối hợp với các đối tác quốc tế như Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trung tâm CSHT toàn cầu (GIH) trong việc đúc kết và phổ biến các kinh nghiệm tốt nhất trong việc xây dựng ma trận chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP và các công cụ để giảm thiểu rủi ro trong một số lĩnh vực cụ thể, phù hợp với các nền kinh tế thành viên APEC để các thành viên APEC có thể tham khảo trong quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP cụ thể.

- Triển khai các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực sử dụng Source, một hệ thống công cụ trực tuyến về quản lý các dự án đầu tư, do của Tổ chức CSHT bền vững (SIF) phát triển nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC trong xây dựng và quản lý dự án CSHT.

Chia sẻ về chủ đề đầu tư dài hạn cho CSHT trong APEC 2017, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính Việt Nam) cho biết, APEC 2017 tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của các Bộ trưởng Tài chính APEC trong việc tăng cường đầu tư cho các dự án CSHT mang tính bền vững, nhất là thu hút các nguồn đầu tư dài hạn cho hạ tầng từ các nhà tài trợ tổ chức trong khu vực, tối đa hoá vai trò PPP thông qua việc đánh giá khung chính sách về CSHT, phân tích các thông lệ tốt về chia sẻ rủi ro trong đầu tư CSHT.