Hướng tới nền Tài chính công hiệu quả và hiện đại

Thái Hằng

(Tài chính) Ngày 12/9, tại Hà Nội, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức Hội thảo – Triển lãm Vietnam Finance 2014 với chủ đề “Tăng cường Hệ thống Thông tin Quản lý Tài chính Chính phủ (GFMIS) hướng tới nền Tài chính công hiệu quả và hiện đại”. Bộ Tài chính tổ chức sự kiện này với mong muốn lắng nghe các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn xây dựng GFMIS toàn diện, phù hợp với đặc thù nền tài chính công Việt Nam.

Triển khai thành công dự án Cải cách quản lý tài chính công là bước đi lớn trong sự nghiệp hiện đại hóa ngành Tài chính. Nguồn: internet.
Triển khai thành công dự án Cải cách quản lý tài chính công là bước đi lớn trong sự nghiệp hiện đại hóa ngành Tài chính. Nguồn: internet.

Tình hình kinh tế Việt Nam, bước đầu ổn định và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong sản xuất – kinh doanh. Điều này đặt nặng áp lực lên việc quản lý, dự toán ngân sách và tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, trong 10 nhóm nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2014 của ngành Tài chính, có thể dễ dàng nhận thấy nhiệm vụ quản lý, kiểm soát và báo cáo tài chính đang ngày càng trở nên cấp thiết. Do đó, một cơ sở dữ liệu tài chính đáng tin cậy và dễ tiếp cận là yếu tố chủ chốt để tiến hành cải cách hành chính; đồng thời hỗ trợ các quyết định về chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, cũng như phản ánh hiệu quả hoạt động của chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính công. Tuy nhiên, khối lượng và độ phức tạp của các thông tin tài chính công trong hoạt động hàng ngày đã và đang tăng lên chóng mặt. Bối cảnh đó đòi hỏi chính phủ phải đẩy mạnh phát triển một hệ thống thông tin quản lý tài chính toàn diện, hiệu quả và hiện đại.

Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 450/QĐ – TTg ngày 18/4/2012 trong đó việc xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính – tiền tệ, đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính là những nhiệm vụ quan trọng mà ngành Tài chính cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện trong giai đoạn tới. Để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-BTC ngày 30/01/2013 về việc phê duyệt Chương trình hành động của ngành Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020, trong đó có kế hoạch thực hiện triển khai Hệ thống thông tin quản lý tài chính Chính phủ (GFMIS).

Trong những năm vừa qua nhận thức rõ tầm quan trọng của cải cách quản lý tài chính công trong đó hướng tới việc xây dựng GFMIS, Bộ Tài Chính đã và đang thực hiện các nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính Chính phủ, nhằm quản lý tài chính công chặt chẽ và hiệu quả giúp mang lại các lợi ích to lớn trong việc cải thiện các chỉ số tài chính cũng như tạo ra dư địa tài khóa để hỗ trợ chiến lược và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho Chính phủ. Trong đó, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ dựa trên công nghệ thông tin nhằm cải cách hoạt động quản lý tài chính công thông qua ứng dụng công nghệ thông tin được cho là chìa khóa giúp nâng cao hoạt động tác nghiệp của cán bộ.

Cụ thể, từ năm 2003, Bộ Tài chính đã bắt đầu xây dựng và triển khai Dự án Cải cách Quản lý Tài chính công (PFMRP), trong đó Hệ thống Thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) là một cấu phần quan trọng được quan tâm đầu tư ngay từ đầu nhằm quản lý chặt thu, chi NSNN tại các cơ quan quản lý tài chính, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị chi tiêu cấp Bộ, ngành. Sau hơn 10 năm triển khai Hệ thống TABMIS đã được đưa vào hoạt động chính thức từ cuối năm 2013.

Một số kết quả bước đầu ghi nhận được như: Từ năm 2013, 37 bộ, ngành trực tiếp tham gia phân bổ dự toán của đơn vị trên hệ thống và đồng bộ xuống địa phương; 32 bộ, ngành còn lại tham gia phân bổ gián tiếp (Off-line) trên hệ thống thông qua các bộ chuyên quản thuộc các vụ tài chính chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính. Trên phạm vi cả nước, TABMIS đã được triển khai thành công tại 1.500 điểm sử dụng với hơn 10.000 nhân viên đã được đào tạo khai thác hệ thống. Đánh giá chung về kết quả thực hiện dự án, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Dự án đã tăng cường đáng kể tính minh bạch tài khóa nội bộ giữa các chính quyền trung ương và địa phương, hỗ trợ việc ra các quyết định kịp thời và nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, tiền mặt và các khoản phải chi. Dự án này cũng tạo thuận lợi cho quá trình kiểm toán về ngân sách và các giao dịch thanh toán, thúc đẩy trách nhiệm giải trình, nâng cao lòng tin của các nhà cung cấp và các đối tác phát triển. Triển khai thành công dự án này có thể coi là những bước đi lớn trong sự nghiệp hiện đại hóa ngành Tài chính, mở đường cho các dự án lớn tiếp theo của Bộ Tài chính, hướng tới việc phát triển một Hệ thống thông tin tài chính Chính phủ (GFMIS) đầy đủ trong tương lai.

Hệ thống thông tin quản lý tài chính Chính phủ (Government Financial Managment Information System - GFMIS) là một hệ thống quản lý tài chính có tính chiến lược nhằm hỗ trợ Chính phủ có được các thông tin tài chính chính xác và kịp thời, qua đó hỗ trợ Chính phủ trong việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính, tiền tệ cũng như đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Các thành phần của GFMIS bao gồm sự kết hợp của các hệ thống thông tin kho bạc (T), quản lý ngân sách (B) và các hệ thống thông tin quản lý tài chính chính phủ khác (O). Theo đó, GFMIS tại Việt Nam dự kiến gồm một số hệ thống thông tin quản lý/tác nghiệp “lõi” sau: (i) Hệ thống thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS); (ii) Hệ thống lập dự toán ngân sách; (iii) Hệ thống Quản lý chi đầu tư ; (iv) Hệ thống Thông tin Quản lý nợ (bao gồm Quản lý danh mục nợ công, quản lý rủi ro nợ công, DMFAS,…); (v) Hệ thống thông tin quản lý thuế tập trung (TMS); (vi) Hệ thống thông tin quản lý Hải quan tập trung; (vii) Hệ thống Tổng kế toán nhà nước; (viii) Hệ thống quản lý tài sản công; (ix) Hệ thống quản lý và cơ sở dữ liệu về giá; (x) Hệ thống quản lý tài chính tại đơn vị chi tiêu; (xi) Hệ thống thông tin quản lý chứng khoán thống nhất; (xii) Hệ thống thông tin dự trữ nhà nước; (xiii) Hệ thống tổng hợp, tích hợp GFMIS và Kho dữ liệu.