Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc

LH.

(Tài chính) Hàng năm Bộ Tài chính đều phát động phong trào thi đua lao động trong toàn Ngành và được các đơn vị trong Bộ hưởng ứng nhiệt liệt. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11-6-1948), FinancePlus.vn xin đăng lại nội dung này, như một lần hiệu triệu nữa của Bác Hồ tới mỗi chúng ta: “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”.

Bác Hồ thăm xưởng cơ khí Nhà máy Ôtô 1-5 (tháng 12 năm 1963). Nguồn: internet
Bác Hồ thăm xưởng cơ khí Nhà máy Ôtô 1-5 (tháng 12 năm 1963). Nguồn: internet
Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến, kiến quốc, để động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hi sinh, gian khổ hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà nhiệm vụ cấp bách của dân tộc là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, theo đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về việc đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị vạch rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”.

Để triển khai một cách sâu rộng Chỉ thị của Trung ương Đảng về phong trào thi đua ái quốc và chuẩn bị kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc. Lời kêu gọi này được đăng trên báo Cứu quốc số 968, ngày 24/6/1948, toàn văn như sau:

LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC

Mục đích thi đua ái quốc là:
Diệt giặc đói,
Diệt giặc dốt,
Diệt giặc ngoại xâm.
Cách làm là, dựa vào:
Lực lượng của dân,
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân.
Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:
Làm cho mau,
Làm cho tốt,
Làm cho nhiều.
Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa.
Thực hiện khẩu hiệu:
Toàn dân kháng chiến,
Toàn diện kháng chiến.
Trong cuộc Thi đua ái quốc, chúng ta:
Vừa kháng chiến,
Vừa kiến quốc.
Kết quả đầu tiên của Thi đua ái quốc sẽ là:
Toàn dân đủ ăn đủ mặc,
Toàn dân biết đọc, biết viết,
Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới,
để diệt ngoại xâm,
Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.
Thế là chúng ta thực hiện:
Dân tộc độc lập,
Dân quyền tự do,
Dân sinh hạnh phúc,
Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra.
Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin
Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,
Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,
Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,
Đồng bào công nông thi đua sản xuất,
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,
Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.
Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi.
Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
Hỡi toàn thể đồng bào,
Hỡi toàn thể chiến sĩ,
Tiến lên!

Ngày 11 tháng 6 năm 1948
HỒ CHÍ MINH

Trước đó, ngày 1/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời tâm huyết với quốc dân đồng bào:
Cùng toàn thể đồng bào yêu quý,
Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai.
Nay muốn độc lập, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau.
Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái, trai, già trẻ, toàn thế quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất.
Như thế thì:
Kháng chiến nhất định thắng lợi,
Kiến quốc nhất định thành công.


Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, coi đó là một bộ phận không thể thiếu được trong công tác quản lý của Nhà nước, đồng thời là tấm gương mẫu mực trong mọi phong trào thi đua do chính Bác khởi xướng. Ngày 01-5-1952, tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Bác nhấn mạnh “Thi đua là yêu nước: Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực… Yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất…”. Những lời nhắn gửi của Bác Hồ lúc đó, đến nay còn nguyên giá trị.

Hiện nay, trên tất cả các mặt trận: giáo dục, khoa học, quốc phòng, an ninh, chính trị,… cũng như các lĩnh vực sản xuất công - nông - ngư nghiệp, đầu tư, tài chính, tiền tệ… còn vô vàn khó khăn càng đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn về vai trò của thi đua, đòi hỏi mọi ngành, mọi cấp, mọi người dân phải đồng lòng, chung tay, góp sức để chèo lái con thuyền kinh tế vượt qua sóng gió.

Nhận thức rõ nhiệm vụ quan trọng của ngành Tài chính, Bộ Tài chính lúc này là phải điều hành thu - chi ngân sách, thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả, đưa ra các quyết sách đúng đắn, các chính sách khả thi… góp phần từng bước bình ổn kinh tế, thực hiện tốt an sinh - xã hội… Hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, thực hiện được các chỉ tiêu mà Quốc hội giao… là mục tiêu mà ngành Tài chính hướng tới. Để thực hiện được điều đó, từng đơn vị, từng cán bộ, nhân viên của Ngành, dù ở đâu, dù ở cương vị nào… cũng phải phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Đọc lại những lời kêu gọi của vị Cha già dân tộc, hiểu được những mong mỏi mà Bác đã gửi gắm vào đó, dù ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào, mỗi chúng ta đều thấm nhuần tinh thần thi đua, yêu nước đó để vận dụng vào cuộc sống, vào công việc của mình…

Góp gió thành bão, mỗi cán bộ nhân viên của Ngành Tài chính đều thi đua lao động, lao động với tinh thần nhiệt tình, hăng hái nhất; phát huy trí tuệ, năng động, sáng tạo và bản lĩnh của người cán bộ trong thời kỳ mới… nhất định ngành Tài chính sẽ đạt được mục tiêu đề ra, nền kinh tế của chúng ta sẽ đi vào quỹ đạo phát triển, bền vững, thực hiện được mong mỏi cuối cùng của Bác Hồ: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Để chúng ta không thua kém bất kỳ một nước nào, để con cháu chúng ta có quyền tự hào về cha ông mình, thế hệ tiên phong…

Hưởng ứng phong trào thi đua do Bộ Tài chính phát động nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Tạp chí Tài chính đã phát động phong trào thi đua lao động, phát huy sáng kiến, thực hành tiết kiệm, thực hiện kỷ cương lao động,… phát động phong trào uống nước nhớ nguồn, đóng góp tôn tạo và về thăm Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn…
Toàn thể cán bộ, đảng viên đơn vị rất tâm huyết và nhiệt tình tham gia phong trào bằng các hành động như: thực hiện nghiêm 8 giờ vàng ngọc, tiết giảm chi phí điện, nước, văn phòng phẩm,… trau dồi sức khỏe, trau dồi kỹ năng làm việc, làm việc hiệu quả, xây dựng đơn vị trở thành tập thể thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh… vừa là lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc vừa là để thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đơn vị (7/11/1963 - 7/11/2013) và nhân dịp Tạp chí Tài chính – đơn vị báo chí có thời gian hoạt động lâu nhất trong làng báo chí của Ngành - vinh dự được Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba.
(Tham khảo tài liệu Hồ Chí Minh toàn tập)