JICA ưu tiên cho Việt Nam vay 1,9 tỷ USD trong năm tài khóa 2012

Hồng Nhung

(Tài chính) Ngày 22/3/2013, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung và ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã ký 11 Hiệp định vay vốn JICA thuộc năm tài khóa 2012 với tổng trị giá 175, 025 tỷ Yên, tương đương khoảng 1,9 tỷ USD. Tham dự lễ ký có đại diện của các bộ, ban ngành như Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài nguyên – Môi trường…

Toàn cảnh Lễ ký kết
Toàn cảnh Lễ ký kết

Theo đó, số vốn ODA tài trợ được đầu tư cho các dự án quan trọng của Việt Nam gồm: Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (II); Dự án xây dựng đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân (II); Dự án xây dựng cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (II); Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội- TP. Hồ Chí Minh (III); Dự án nâng cáp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An; Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) - giai đoạn I - Khu tranh (I); Chương trình tín dụng hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh (I); Dự án tín dụng ngành giao thông vận tải giai đoạn II để nâng cấp mạng lưới đường quốc gia; Dự án xây dựng cầu Nhật Tân (cầu Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản) (III); Dự án xây dựng nhà máu nhiệt điện Ô Môn tổ máy số 2 (II); Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá - Hà Nội (I).

Đánh giá về ý nghĩa của những Hiệp định mới được ký kết này, đại diện Bộ Tài chính Việt Nam và JICA cùng khẳng định, sự hợp tác giữa Chính phủ Nhật Bản với Chính phủ Việt Nam nói chung cũng như sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa Bộ Tài chính Việt Nam và JICA nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

Thứ trưởng Trương Chí Trung cũng cho biết, năm 2013 là năm thứ 21 liên tiếp Chính phủ Nhật Bản cũng cấp ODA cho Việt Nam, với tổng số vốn cam kết lên tới gần 2000 tỷ Yên (tương đương 21 tỉ USD) và Nhật Bản luôn là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam.

Các dự án dùng vốn vay ưu đãi của Nhật Bản tập trung hầu hết trong các lĩnh vực như giao thông (đường quốc lộ, cầu, cảng biển, sân bay, tầu điện ngầm), năng lượng (thuỷ điện và nhiệt điện), phát triển đô thị (cấp thoát nước, xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị), viễn thông, nâng cao mức sống khu vực nông thôn…

Nhiều dự án lớn sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như: các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Phú Mỹ, nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi; các quốc lộ số 5,10,18 tại khu vực đồng bằng bắc bộ, các cầu Bãi Cháy, Cần Thơ, Bính (Hải Phòng), cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân, nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, đại lộ Đông – Tây TP.Hồ Chí Minh, cải thiện môi trường nước TP. Hà Nội giai đoạn 1...

Một số dự án lớn đang thực hiện như tuyến tầu điện ngầm số 1 TP.Hồ Chí Minh, cầu Nhật Tân, Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên, nhiệt điện Nghi Sơn 1, tuyến cáp quang ven biển Bắc – Nam... Ngoài các khoản vay tài trợ cho dự án, Nhật Bản còn cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam theo hình thức hỗ trợ ngân sách trực tiếp với các khoản đồng tài trợ với Ngân hàng Thế giới cho các chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC), khoản vay kích cầu năm 2009 và các khoản vay cho Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC).

Ngoài việc cho Việt Nam vay vốn ưu đãi, trong lĩnh vực tài chính, Nhật Bản còn hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong các lĩnh vực hải quan, thuế, chứng khoán... thông qua việc viện trợ thiết bị, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng chế độ chính sách, đào tạo cán bộ. Việc ký kết các Hiệp đinh vay Nhật Bản thuộc năm tài khóa 2013 với trị giá lớn là minh chứng cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Thứ trưởng Trương Chí Trung cũng cho biết, hiện tại, Bộ Tài chính cũng đang thực hiện chương trình hợp tác với JICA trong các nội dung như tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án, quản lý việc đấu thầu, mua sắm... Các hoạt động hợp tác này trong thời gian qua đã tỏ ra rất thiết thực và hiệu quả đáp ứng được nhu cầu của phía Việt Nam trong việc hoàn thiện công tác quản lý tài chính.

Chia sẻ tại buổi ký kết, ông Motonori Tsuno khẳng định, năm 2013 là năm đánh dấu 40 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản và được gọi là năm Hữu nghị Nhật – Việt. Có thể nói, trong năm tới đây sẽ có rất nhiều sự kiện kỷ niệm chào mừng để thắt chặt mối quan hệ hữu nghị này và lễ ký kết này là sẽ tô thắm thêm cho tình đoàn kết giữa hai nước và 11 dự án được ký kết trên là những dự án rất quan trọng, phù hợp với sự phát triển của Việt Nam.

Đồng thời, ông Motonori Tsuno cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới sẽ nhận được sự chỉ đạo hơn nữa của Bộ Tài chính và sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ ngành của Việt Nam cũng như các cơ quan liên quan để các dự án đạt được hiệu quả cao nhất.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Trương Chí Trung bày tỏ sự biết ơn sâu sắc và cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm và giúp đỡ Việt Nam thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam, đồng thời, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực.