Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020 và những đổi mới tích cực

Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh

Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 lần đầu tiên được xây dựng và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, khóa XIV (tháng 11/2016) với mục tiêu khắc phục các hạn chế trong quản lý tài chính ngân sách thời gian qua. Kế hoạch hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn nợ công, đảm bảo tính bền vững của ngân sách. Với 428 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 86,64%), sáng 9/11/2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Bài viết phân tích những nội dung chủ yếu và quan trọng của Nghị quyết này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kế hoạch tài chính trung hạn - Những mục tiêu lớn

Nền tài khóa chỉ bền vững khi kiểm soát được các nguồn thu chi, hướng tới nguồn ngân sách cân bằng và ổn định. Ðể quản lý một cách hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực, mỗi quốc gia đều phải sử dụng những cách thức nhất định để soạn lập kế hoạch ngân sách sát với khả năng thu, từ đó cân đối mức độ chi và phân bổ ngân sách vào những mục tiêu nhất định. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng kế hoạch ngân sách trung hạn, nhờ đó góp phần bảo vệ ngân sách nhà nước (NSNN) trước các cú sốc kinh tế.

Theo ông Marc Christoph Schumacher – Trưởng nhóm Dự án hiện đại hóa nền tài chính công của Liên minh châu Âu (EU), việc lập kế hoạch tài chính trung hạn sẽ giải quyết các hạn chế thường thấy trong ngân sách hàng năm. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chi tiêu công, là tiền đề để đạt được 3 mục tiêu lớn của quản lý chi tiêu công đó là: tính tuân thủ tài khóa, hiệu suất phân bổ và hiệu suất kỹ thuật.

Tại Việt Nam, thực tế cho thấy, việc lập dự toán NSNN hàng năm đã phát sinh nhiều bất cập trong quản lý, điều hành ngân sách. Dự toán NSNN hàng năm có ưu điểm nổi bật là tính chính xác cao so với các kế hoạch tài chính trung hạn, do thời gian dự báo ngắn, dễ làm, dễ thực hiện, nhưng lại thiếu tính linh hoạt, chủ động trước các biến động lớn về kinh tế, xã hội, môi trường...

Việc lập dự toán NSNN hàng năm đã không lường trước được các rủi ro sẽ xảy ra 3- 5 năm sau đó, do đó không có giải pháp phù hợp để hạn chế bội chi, kiểm soát nợ công vào những năm kinh tế phát triển thuận lợi, dành dư địa cho những năm khó khăn. Vì vậy, khi tăng trưởng nền kinh tế có xu hướng giảm sút, nguồn thu NSNN gặp khó khăn thì cả bội chi ngân sách và dư nợ công đều có xu hướng tăng mạnh, bội chi NSNN trong một số năm qua đã có lúc vượt ngưỡng cho phép.

Hơn nữa, dự toán NSNN hàng năm có xu hướng tập trung vào các nhu cầu cụ thể của từng năm, dẫn tới phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào các ưu tiên chiến lược trong trung, dài hạn của nền kinh tế và tổng hợp nhu cầu của các năm thường vượt khả năng cân đối nguồn lực trong cả giai đoạn.

Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia, nhà quản lý thống nhất cho rằng, việc lập kế hoạch tài chính trung hạn là cần thiết. Dẫn chứng cụ thể hơn về vấn đề này, có thể thấy, giai đoạn 2004 - 2009, Bộ Tài chính đã tổ chức thực hiện thí điểm lập kế hoạch tài chính và chi tiêu trung hạn 3 năm ở 4 Bộ: Giáo dục và đào tạo, Y tế, Giao thông, Nông nghiệp Phát triển nông thôn và 03 địa phương: Hà Nội, Vĩnh Long, Bình Dương.

Kết quả thí điểm cho thấy, việc lập kế hoạch tài chính và chi tiêu trung hạn bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với công tác quản lý tài chính - NSNN và quản lý nợ trên phạm vi cả nước và thu hút được sự quan tâm của hơn 20 bộ, cơ quan trung ương và khoảng 30 địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và tài chính - NSNN trong trung hạn và hàng năm; nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách.

Thực tế cho thấy, một trong những hạn chế trong quản lý tài chính – NSNN thời gian qua được chỉ ra là cân đối chi chưa gắn với khả năng thu, vay nợ chưa gắn với khả năng trả nợ và trách nhiệm bố trí nguồn trả nợ, bội chi NSNN còn cao, nợ công tăng nhanh. Do đó, Kế hoạch tài chính trung hạn - 5 năm lần đầu tiên (2016-2020) đã được Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng trình Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 2, khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Đại diện Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo Kế hoạch cho biết, việc xây dựng Kế hoạch tài chính 5 năm dựa trên Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, các quy định của pháp luật về quản lý ngân sách, thuế, phí, tài sản công, các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành và các dự báo kinh tế của các tổ chức uy tín.

Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đề ra mục tiêu tổng quát là: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và cơ chế tài chính quốc gia; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từng bước cơ cấu lại thu, chi NSNN;

Cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đầu tư hợp lý cho con người và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính; giảm mạnh và kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia”.

Từ mục tiêu tổng quát, Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016-2020) đề ra 4 mục tiêu cụ thể:

Một là, tỷ lệ huy động vào NSNN không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84-85% tổng thu NSNN.

Hai là, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực. Tổng chi NSNN cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi NSNN; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi NSNN. Ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 tối đa khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn trái phiếu chính phủ là 260 nghìn tỷ đồng (bao gồm 60 nghìn tỷ đồng còn lại của giai đoạn 2014-2016), từ nguồn vốn ngoài nước là 300 nghìn tỷ đồng, từ nguồn bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả 10 nghìn tỷ đồng dự kiến bù hụt thu ngân sách trung ương năm 2015 nhưng chưa sử dụng).

Phân bổ 1.800 nghìn tỷ đồng, dành 10% dự phòng chưa phân bổ để xử lý rủi ro về thu và các yêu cầu cấp bách về đầu tư trong điều hành. Căn cứ tình hình thực tế, số bố trí chi đầu tư phát triển sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán NSNN hằng năm.

Ba là, tỷ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP. Phấn đấu giảm mạnh bội chi NSNN để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, nhằm thực hiện cân đối NSNN tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.

Bốn là, bảo đảm an toàn nợ công, với mục tiêu nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu NSNN hàng năm.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 23,5% GDP; Tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi NSNN; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP.

Đánh giá về Kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020), đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Luật Ngân sách (năm 2015). Luật có nhiều điểm mới, trong đó có việc lần đầu tiên xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm (2016-2020). “Việc xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn trước tiên là thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách.

Việc đưa ra kế hoạch tài chính trung hạn là sự đổi mới theo hướng rất tích cực bởi đưa ra được mức dự kiến chi tối đa. Đây là “ngưỡng” để các bộ, các địa phương nhìn thấy khả năng (thu/chi) để “liệu cơm gắp mắm”, ông Nguyễn Hữu Quang nhận định.

Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 nêu rõ các giải pháp cần thực hiện:

Một là, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính và cơ chế tài chính quốc gia nhằm tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Thực hiện cơ cấu lại thu, chi NSNN bảo đảm theo mục tiêu, định hướng đã đề ra. Từng bước thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ (kết quả đầu ra); thống kê ngân sách theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; kiên quyết và kiên trì giảm mạnh bội chi NSNN.

Hai là, thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế; nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các luật về thuế. Rà soát các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu NSNN.

Ba là, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về đổi mới quản lý NSNN theo Luật NSNN. Sắp xếp các khoản chi, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng nguồn thu sự nghiệp, không ban hành các chính sách, chế độ, các chương trình, đề án khi không cân đối được nguồn; kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng NSNN. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ.

Bốn là, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi NSNN. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi NSNN, đặc biệt là trong chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Năm là, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan đến việc đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, đặc biệt là đẩy nhanh lộ trình thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công tiến tới tính đủ chi phí, góp phần nâng cao tính tự chủ của các đơn vị; có lộ trình thực hiện giá thị trường đối với giáo dục, y tế gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách xã hội và hộ nghèo; tạo điều kiện để cơ cấu lại chi NSNN, dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương, đồng thời đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Sáu là, đẩy mạnh cơ cấu lại và nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu, quản lý vốn nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ hoặc nắm quyền chi phối theo cơ chế thị trường đảm bảo tối đa hóa lợi ích của Nhà nước và người dân.

Bảy là, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương; bố trí nguồn bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN.

Không sử dụng NSNN để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.

Tám là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với thị trường tài chính, bảo hiểm và dịch vụ kế toán, kiểm toán; nâng cao hiệu lực, hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường và chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý nợ công theo hướng điều chỉnh phạm vi nợ công hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế của Việt Nam.

Chín là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính. Thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài chính quốc gia thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính quốc gia. Thúc đẩy và tăng cường tính minh bạch các thông tin tài chính ngân sách theo quy định. Giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, hải quan.

Được biết, trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 lần này, Chính phủ đã dự kiến nguồn lực thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bình quân khoảng 7 - 8%/năm... Việc điều chỉnh thực tế sẽ được Chính phủ trình Quốc hội quyết định trong dự toán NSNN hằng năm. Theo nhận định của các chuyên gia, để đạt được định hướng nêu trên, đòi hỏi phải rất nỗ lực để đạt được mức tăng trưởng kinh tế như dự kiến, thực hiện thành công các giải pháp đã đề ra...

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu Kế hoạch hành động trong giai đoạn 2014-2016 của ngành Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020, mof.gov.vn;

2. Kế hoạch chi tiêu trung hạn và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng hệ thống thông tin quản lý tài chính Chính phủ, mof.gov.vn;

3. Các website: tapchitaichinh.vn, thoibaotaichinhvietnam.vn, baohaiquan.vn.