Kho bạc Nhà nước phấn đấu đến năm 2020 cơ bản không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt

Vũ Đức Hiệp, Nguyễn Thị Cẩm Bình - Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước)

Với mục tiêu hiện đại hóa công tác thanh toán, phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản Kho bạc Nhà nước không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã và đang triển khai đồng bộ các nội dung như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý thu, chi bằng tiền mặt; hoàn thành việc triển khai hệ thống thanh toán điện tử tập trung nội bộ toàn hệ thống, kết nối với hệ thống Ngân hàng… Các hoạt động trên đã và đang góp phần giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, tạo cơ sở để hướng tới xây dựng Kho bạc Nhà nước không giao dịch bằng tiền mặt vào năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ sở pháp lý và quá trình triển khai thực hiện

Về quản lý thu bằng tiền mặt, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đa dạng các hình thức thu ngân sách nhà nước (NSNN) bằng tiền mặt, cụ thể:

- Triển khai việc mở tài khoản chuyên thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng: KBNN được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ngân hàng thương mại (NHTM) và không phân biệt NHTM nhà nước hay NHTM cổ phần. Riêng đối với tài khoản chuyên thu, Thông tư 315/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính không khống chế số lượng tài khoản của từng đơn vị KBNN (KBNN cấp tỉnh, cấp huyện).

Căn cứ Thông tư 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu NSNN giữa KBNN - Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan và các NHTM, KBNN đã triển khai thực hiện ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho các NHTM nơi mở tài khoản; đồng thời, tổ chức mở thêm các tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN tại chi nhánh của 4 NHTM (là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank).

Qua đó, tạo nhiều thuận lợi cho người nộp NSNN, góp phần tập trung đầy đủ, kịp thời nguồn thu vào NSNN và giảm thiểu các giao dịch thu, nộp NSNN bằng tiền mặt tại KBNN (theo ước tính của các KBNN địa phương, đã có trên 90% các giao dịch nộp NSNN bằng tiền mặt đã được thực hiện qua NHTM).

- Triển khai thu NSNN qua máy chấp nhận thẻ (POS) lắp đặt tại KBNN: Để tạo thuận lợi cho người nộp NSNN và giảm thiểu thu bằng tiền mặt tại trụ sở KBNN, từ cuối năm 2015 KBNN đã phối hợp với Vietinbank triển khai thí điểm thu NSNN qua POS tại một số đơn vị KBNN cấp huyện trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Qua triển khai và theo báo cáo của các KBNN địa phương, quy trình thủ tục thu NSNN qua POS không gặp vướng mắc lớn; tuy nhiên, số khoản thu NSNN phát sinh theo hình thức này chưa nhiều, do các khoản thu bằng tiền mặt tại các địa bàn này đa phần đã được chuyển sang NHTM.

Về quản lý chi bằng tiền mặt, KBNN đã xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 thay thế Thông tư 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN.

Theo đó, Thông tư 13/2017/TT-BTC đã bổ sung, hoàn thiện một số nội dung về quản lý thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN như: Hoàn thiện quy định về chi trả cá nhân qua ATM; quy định về thanh toán chi trả NSNN bằng thẻ tín dụng; sửa đổi quy định về nội dung được phép chi bằng tiền mặt qua KBNN; bổ sung quy định đối với các khoản chi bằng tiền mặt có giá trị trên 1 tỷ đồng, thì đơn vị phải thực hiện lĩnh tiền mặt tại NHTM… Những sửa đổi, bổ sung trên là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN trong thời gian tới.

- Triển khai thực hiện chi bằng tiền mặt cho các đơn vị tại ngân hàng: Trong thời gian qua, một số đơn vị KBNN đã phối hợp với NHTM để thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho đơn vị giao dịch tại NHTM. Để đẩy mạnh phương thức chi trả này, Thông tư 13/2017/TT-BTC cũng đã pháp lý hóa nội dung chi bằng tiền mặt tại ngân hàng (cụ thể, đối với các khoản chi có giá trị từ 1 tỷ đồng/khoản thanh toán, KBNN thực hiện chuyển chứng từ để đơn vị làm thủ tục rút tiền mặt tại NHTM).

Khi triển khai quy định này, dự kiến khối lượng chi bằng tiền mặt qua KBNN sẽ giảm khoảng 40% so với hiện nay (theo thống kê năm 2015, có 34.071 món chi bằng tiền mặt có giá trị trên 01 tỷ đồng, với tổng số tiền là 108.202 tỷ đồng, chiếm 43,59% tổng số tiền chi bằng tiền mặt).

- Triển khai thẻ tín dụng trong chi tiêu công, KBNN đã phối hợp với Vietcombank và Vietinbank triển khai thí điểm thẻ tín dụng trong chi tiêu NSNN tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Qua triển khai và theo báo cáo của các KBNN địa phương thí điểm, về cơ bản cơ chế và quy trình triển khai thí điểm thẻ tín dụng trong chi tiêu NSNN không gặp những vướng mắc lớn.

Tuy nhiên, số lượng đơn vị sử dụng thẻ và số giao dịch chi tiêu qua thẻ còn hạn chế, chủ yếu là do tâm lý, thói quen của các đơn vị sử dụng ngân sách còn ngại chi tiêu qua thẻ; số lượng hệ thống NHTM tham gia còn ít (mới chỉ có 2 NHTM tham gia thí điểm), nên tính cạnh tranh giữa các NHTM trong việc phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách chưa cao; hạ tầng thanh toán (các điểm lắp đặt máy POS tại các nơi cung cấp hàng hóa, dịch vụ) của hệ thống NHTM còn hạn chế, chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn…

Kho bạc Nhà nước phấn đấu đến năm 2020 cơ bản không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt - Ảnh 1
 - Thực hiện thanh toán cá nhân qua thẻ ATM: Căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011, KBNN đã trình Bộ Tài chính ban hành nhiều văn bản quy định địa bàn triển khai bắt buộc thanh toán cá nhân qua tài khoản (Công văn số 16675/BTC-KBNN ngày 06/12/2008; Công văn số 13446/BTC-KBNN ngày 22/9/2009; Công văn số 15935/BTC-KBNN ngày 31/10/2014). Đến nay, đã có khoảng 81% số đơn vị sử dụng NSNN với 80% số cán bộ công chức thực hiện chi trả cá nhân qua tài khoản (Bảng 1).

Một số tồn tại, khó khăn

Về thu NSNN qua POS lắp đặt tại KBNN, thực tiễn triển khai thí điểm tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, vướng mắc lớn nhất chính là việc người nộp thuế chưa quen với hình thức thu này; mặt khác, các khoản thu bằng tiền mặt tại các địa bàn này đa phần đã được chuyển sang NHTM. 

Về chi bằng tiền mặt qua ngân hàng, hiện nay do KBNN cấp tỉnh chỉ được mở tài khoản thanh toán tại NHNN, theo đó các đơn vị giao dịch không được trực tiếp rút tiền mặt tại NHNN. Vì vậy, đối với các đơn vị có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, thì vẫn thực hiện chi bằng tiền mặt tại các đơn vị KBNN cấp tỉnh.

Đối với các đơn vị an ninh, quốc phòng đa phần là các khoản chi có tính chất “mật”, nên việc triển khai giao dịch thu, chi bằng tiền mặt cũng như thanh toán qua tài khoản đối với các đơn vị này còn hạn chế, do vậy, cần có bước đi phù hợp hơn khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Một số giải pháp đến năm 2020

Nhằm hướng tới việc giảm khối lượng thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN, phấn đấu đến năm 2020 KBNN cơ bản không thực hiện thu, chi tiền mặt theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN, thời gian tới cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc mở rộng tài khoản chuyên thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho NHTM đảm nhận, cụ thể:

Quán triệt và chỉ đạo các KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện yêu cầu phải thực hiện mở tài khoản chuyên thu tại tất cả các NHTM trên cùng địa bàn thuộc 5 hệ thống NHTM gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và MB (riêng MB sẽ được triển khai thực hiện sau khi triển khai thanh toán song phương với KBNN), do đây là những địa bàn có số thu NSNN lớn, số lượng người nộp thuế đông để một mặt tạo thuận lợi cho người nộp thuế; mặt khác, giảm thiểu số thu bằng tiền mặt tại KBNN. 

Bên cạnh 5 hệ thống NHTM nói trên, KBNN sẽ từng bước triển khai việc mở tài khoản đối với các NHTM khác trên cơ sở xác định tiêu chí đánh giá, lựa chọn các NHTM (hệ số tín nhiệm theo xếp hạng của NHNN, số lượng khách hàng, số lượng chi nhánh, điểm giao dịch…) để đề xuất một số hệ thống NHTM cổ phần mà KBNN dự kiến sẽ mở tài khoản chuyên thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Riêng đối với việc mở tài khoản bằng ngoại tệ nhằm tạo thuận lợi cho việc tập trung số thu NSNN bằng ngoại tệ; đồng thời, hướng tới việc thực hiện thanh toán bằng ngoại tệ tại các địa phương mà trước hết là đáp ứng việc thanh toán vốn ODA dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới, cần đánh giá lại các cơ sở pháp lý, thực trạng mở tài khoản ngoại tệ hiện nay (những thuận lợi, khó khăn)… qua đó KBNN sẽ đề xuất và  báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương, định hướng mở tài khoản ngoại tệ tại NHTM.

Thứ hai, tổ chức mở rộng thu NSNN qua POS, theo đó, đối với KBNN cấp huyện đóng tại địa bàn các tỉnh, quận, thành phố, thị xã (đây là những địa bàn có hạ tầng thanh toán tốt; số lượng người nộp NSNN có sử dụng thẻ tương đối nhiều), cần phối hợp với NHTM nơi mở tài khoản thanh toán để lắp đặt ít nhất 01 máy POS để tổ chức thu NSNN từ người nộp thuế (đối với người nộp có thẻ).

Đối với các đơn vị KBNN cấp huyện khác, tùy thuộc tình hình thực tế trên địa bàn để triển khai thực hiện cho phù hợp.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các nội dung chi bằng tiền mặt theo quy định của Thông tư 13/2017/TT-BTC; Chủ động phối hợp với các đơn vị giao dịch để tuyên truyền, phổ biến và thực hiện chi trả bằng tiền mặt qua NHTM đối với các khoản chi có giá trị từ 1 tỷ đồng/món thanh toán; đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá và chuyển dần các đơn vị hiện đang giao dịch với KBNN cấp tỉnh có lượng chi tiền mặt lớn đến giao dịch với KBNN cấp huyện để thực hiện chi tiền mặt qua NHTM; chủ động phối hợp với các đơn vị giao dịch và các NHTM trên địa bàn để đẩy mạnh việc chi trả NSNN qua thẻ tín dụng mua hàng. 

Thứ tư, mở rộng thẻ tín dụng trong chi tiêu công, theo đó vừa tuyên truyền, vừa khuyến khích và tạo điều kiện để các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chi tiêu qua thẻ tín dụng; trước hết, triển khai tại các tỉnh, thành phố là những địa bàn có hạ tầng thanh toán tốt (do việc triển khai thanh toán qua thẻ tín dụng chủ yếu phụ thuộc vào hạ tầng thanh toán của NHTM và nhu cầu sử dụng thẻ của các đơn vị sử dụng ngân sách), như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ với tất cả các hệ thống NHTM có phát hành thẻ tín dụng tại 5 địa bàn trên, bao gồm cả những NHTM mà KBNN có mở tài khoản và những NHTM hiện nay KBNN chưa có mở tài khoản.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán qua tài khoản, cụ thể: (i) Đối với đơn vị thuộc khối dân sự, tiếp tục rà soát về hạ tầng thanh toán của NHTM để báo cáo Bộ Tài chính ban hành công văn quy định các địa bàn mở rộng bắt buộc phải thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản; (ii) Đối với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, cần thúc đẩy sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa KBNN – NHTM Cổ phần Quân đội (MB) – Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng) để triển khai thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản mở tại MB.

Với giải pháp và bước đi cụ thể, đến năm 2020 về cơ bản hệ thống KBNN hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu giao dịch không bằng tiền mặt tại các đơn vị KBNN, theo đúng chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Vấn đề còn lại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của xã hội và hạ tầng thanh toán của hệ thống ngân hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách.

Tài liệu tham khảo:

1.  Thông tư 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN;

2. Thông tư 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu NSNN giữa KBNN - Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan và các NHTM;

3. Thông tư 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 thay thế Thông tư 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN.