Kho bạc Nhà nước sẽ cung cấp dịch vụ điện tử hỗ trợ người nộp thuế

Theo Tạp chí Thuế

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) Kho bạc Nhà nước (KBNN), ông Bùi Thế Phương cho biết, hiện tại ngành Kho bạc đang gấp rút triển khai đồng bộ các ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa Ngành, tiến tới hình thành hệ thống kho bạc điện tử với mục tiêu, đáp ứng tốt nhất yêu cầu quản lý tài chính - ngân sách; đơn giản hóa thủ tục hành chính và hỗ trợ người nộp thuế.

 Kho bạc Nhà nước sẽ cung cấp dịch vụ điện tử hỗ trợ người nộp thuế
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo ông Phương, kết quả nổi bật nhất trong ứng dụng CNTT ngành Kho bạc thời gian qua là, KBNN đã xây dựng được hệ thống ứng dụng phục vụ công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), quỹ tài chính nhà nước và các quỹ Nhà nước giao KBNN quản lý; hoàn thiện công tác kế toán NSNN, hoạt động nghiệp vụ kho bạc và công tác thanh toán giữa các đơn vị trong hệ thống với các ngân hàng; đồng thời, phục vụ một phần công tác quản lý nội bộ về tài chính kế toán nội bộ, quản lý cán bộ, văn bản điện tử.

Việc phát triển các chương trình ứng dụng đang chuyển dần từ mô hình phân tán cơ sở dữ liệu ở từng đơn vị kho bạc sang mô hình sơ sở dữ liệu tập trung tại Trung ương. Thông qua tác động của công nghệ, nhiều quy trình tác nghiệp đã được cải tiến, đổi mới, hỗ trợ rút ngắn thời gian thực hiện và đơn giản hóa nhiều khâu công việc, góp phần đẩy nhanh tốc độ xử lý và cải cách thủ tục hành chính.
 
Đến nay, KBNN đã thiết lập hệ thống hạ tầng CNTT tương đối mạnh, tạo cơ sở cho việc ứng dụng các chương trình phần mềm. Theo đó, hệ thống máy chủ, máy trạm, máy in, thiết bị tin học đã được kết nối và hình thành trên diện rộng, cho phép kết nối tất cả các mạng cục bộ của các đơn vị KBNN cấp huyện, tỉnh và Trung ương. Toàn Ngành đã hình thành đội ngũ cán bộ tin học từ Trung ương đến địa phương, vừa nắm vững CNTT, vừa am hiểu nghiệp vụ kho bạc, đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai các chương trình ứng dụng đến tận các địa phương. 
 
Ông Phương cho biết, trên nền tảng công tác ứng dụng CNTT đã có, ngành Kho bạc đang hướng tới mục tiêu chung là xây dựng nền hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo đó, KBNN đang nghiên cứu, triển khai các dịch vụ công điện tử, từ đó tạo ra các kênh giao dịch và kênh thông tin trực tuyến giữa KBNN với các tổ chức, cá nhân có quan hệ với NSNN. Cùng lúc, hình thành chuỗi quy trình nghiệp vụ được ứng dụng CNTT đầy đủ, hiệu quả, hướng đến mục tiêu đồng bộ, chia sẻ, tái sử dụng thông tin giữa các ứng dụng trong các mảng nghiệp vụ khác nhau trong nội bộ hệ thống cũng như giữa KBNN với các đơn vị có liên quan. 
 
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, KBNN sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan, đơn vị là khách hàng của KBNN và các đối tượng quan tâm; cung cấp các dịch vụ công điện tử cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, người nộp thuế, từ đó tạo cơ sở bước đầu cho việc hình thành kho bạc điện tử. Ngoài ra, còn phát triển dịch vụ công nhằm thu thập thông tin dự báo dòng tiền từ các đơn vị có quan hệ với ngân sách, phục vụ chức năng quản lý ngân quỹ, thu thập thông tin kế toán nhà nước từ các đơn vị, tổ chức thuộc hệ thống kế toán nhà nước phục vụ chức năng tổng kế toán.
 
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, ông Phương cho hay, KBNN sẽ hiện đại hóa công tác thanh toán, qua đó nâng cấp, mở rộng hệ thống thanh toán song phương và trao đổi thông tin thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại, đảm bảo xử lý các giao dịch thanh toán nhanh chóng, kịp thời, quản lý ngân quỹ vừa an toàn, vừa hiệu quả.

Toàn ngành thực hiện mở rộng thanh toán liên ngân hàng đến các KBNN tỉnh, thành phố; nâng cấp chương trình thanh toán điện tử liên kho bạc, đảm bảo kế toán - thanh toán là một thể thống nhất, đẩy nhanh tiến độ các giao dịch thanh toán trong nội bộ hệ thống KBNN, góp phần kết nối sang thanh toán điện tử song phương, điện tử liên ngân hàng, hình thành các kênh thanh toán điện tử tập trung, hiện đại, nhanh chóng. Đồng thời, mở rộng hệ thống trao đổi thông tin thu NSNN với các ngân hàng thương mại, nhằm nhanh chóng tập trung các khoản thu vào ngân sách, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng chữ ký số điện tử.
 
Bên cạnh đó, KBNN sẽ hoàn thiện các hệ thống kiểm soát chi NSNN trên cơ sở nâng cấp, xây dựng hệ thống kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, vốn chương trình mục tiêu đầu tư xây dựng theo mô hình tập trung toàn ngành Tài chính; hình thành hệ thống các ứng dụng kiểm soát chi NSNN một cách đầy đủ, toàn diện, tự động hóa cao, làm hạt nhân cho hệ thống thông tin tài chính tích hợp.

Đồng thời, hình thành kho dữ liệu nghiệp vụ KBNN và các công cụ, thống kê phân tích. Đây là nguồn số liệu quan trọng, không chỉ cho công tác quản lý NSNN mà còn là nguồn phục vụ cho kênh kiểm tra, kiểm soát, giám sát của bộ phận thanh tra KBNN các cấp