Kho bạc Nhà nước tận dụng tốt lợi thế từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

PV.

Xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin, điện tử hóa các quy trình nghiệp vụ trong và ngoài hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN); Hình thành kênh giao dịch giữa các tổ chức, đơn vị với hệ thống Kho bạc… là những nội dung trọng tâm được KBNN triển khai trong những năm qua nhằm tận dụng lợi thế từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điện tử hóa các quy trình nghiệp vụ trong quản lý và điều hành ngân quỹ

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Kho bạc Nhà nước (KBNN) điện tử, từ nhiều năm nay, KBNN luôn chú trọng đến công tác phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đưa công tác quản lý ngân sách ngày càng hiện đại và hiệu quả.

Để tận dụng tối đa thành quả công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 trong công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), từ năm 2011, KBNN đã triển khai hiện đại hóa công tác thu kết nối với hệ thống các cơ quan thuế, hải quan và kết nối phối hợp thu với các hệ thống ngân hàng, nên công tác thu NSNN thực hiện chủ yếu bằng chuyển khoản và bằng phương thức điện tử. KBNN đã hợp tác với các ngân hang thương mại đẩy mạnh giao dịch điện tử trong công tác thu NSNN, từ đó giúp rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục thu NSNN, tập trung nhanh chóng đầy đủ kịp thời các khoản thu của NSNN.

Năm 2012, KBNN đã hoàn thành việc triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) theo mô hình tập trung tại Bộ Tài chính, KBNN, 37 bộ ngành và 3 Sở tại địa bàn Hà Nội, 700 cơ quan tài chính địa phương và 700 đơn vị KBNN trực thuộc.

Nhờ đó, Hệ thống TABMIS đã giúp cho hệ thống Kho bạc thực hiện quản lý tập trung và phân cấp xử lý chu trình NSNN từ khâu phân bổ dự toán ngân sách, thực hiện cam kết chi ngân sách, thực hiện thủ tục kiểm soát chi NSNN và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các đơn vị chi tiêu ngân sách.

Trong công tác tập trung ngân quỹ nhà nước và công tác thanh toán chi ngân sách đến các đơn vị thụ hưởng, KBNN đã tận dụng triệt ứng dụng CNTT trong công tác chuyên môn nghiệp vụ của Ngành.

Cụ thể, từ năm 2013 đến 2014, KBNN đã hoàn thành triển khai hệ thống thanh toán song phương điện tử tập trung giữa hệ thống KBNN với các hệ thống ngân hàng thương mại lớn với trên 750 tài khoản trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, KBNN hoàn thành triển khai hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng, bắt đầu tại Sở Giao dịch KBNN và 8 đơn vị KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ những năm 2011-2013. Đến năm 2017, KBNN triển khai rộng đến các tỉnh còn lại.

Về kênh giao dịch điện tử giữa các đơn vị, tổ chức với KBNN, năm 2016, KBNN đã thí điểm cung cấp dịch vụ công điện tử trực tuyến gồm dịch vụ công trực tuyến đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN, dịch vụ công trực tuyến giao nhận và trả kết quả đối với hồ sơ kiểm soát chi, kê khai yêu cầu thanh toán.

Đặc biệt, từ ngày 01/02/2018, KBNN chính thức vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi rộng tại KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, KBNN quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và Sở Giao dịch KBNN. Việc KBNN chính thức vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi rộng đã hình thành thêm một kênh giao dịch để khách hàng có thể lựa chọn kênh giao dịch, đưa KBNN đến gần hơn nữa với khách hàng và xã hội thông qua mạng internet, là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và hướng tới Kho bạc điện tử.

Ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ theo xu thế cuộc CMCN 4.0

Để tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, toàn hệ thống KBNN sẽ tiếp tục ưu tiên hoàn thiện các đề án cải cách của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Cụ thể, KBNN sẽ tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm như tổng kế toán nhà nước, cải cách quản lý ngân quỹ, ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ theo xu thế cuộc CMCN 4.0

KBNN tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ và các ứng dụng của 4.0, đặc biệt là khả năng ứng dụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của KBNN; Tiến hành các thử nghiệm vào các bài toán có khả năng ứng dụng để đánh giá tính khả thi so với nghiệp vụ quản lý của Ngành; Tổ chức các khóa đào tạo nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ nghiệp vụ, cán bộ quản lý về khả năng ứng dụng và phương pháp đặt đầu bài cho bộ phận CNTT có ứng dụng công nghệ 4.0 và tăng cường năng lực cho cán bộ CNTT trong điều kiện công nghệ 4.0 đang phát triển rất mạnh và nhanh.

Đồng thời, rà soát, đánh giá và xây dựng chiến lược phát triển của Ngành cho giai đoạn 2021-2030, trên cơ sở đó bộ phận CNTT xây dựng chiến lược chuyển đổi số sử dụng công nghệ 4.0 nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của chiến lược phát triển của Ngành; Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ 4.0 trong công tác quản lý nghiệp vụ của KBNN gồm: Cung cấp dịch vụ ứng dụng thông qua công nghệ di động thông minh và qua internet cho các đơn vị sử dụng NSNN và cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện khai thác thông tin và thực hiện kênh giao dịch điện tử với KBNN.

Ngoài ra, KBNN cung cấp dịch vụ hỗ trợ tự động với đơn vị sử dụng ngân sách về kỹ thuật và nghiệp vụ khi sử dụng kênh giao dịch điện tử với KBNN; Kết hợp sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ quản lý rủi ro hoạt động nghiệp vụ; Xây dựng và triển khai cổng trao đổi dữ liệu điện tử để kết nối với tất cả các tổ chức có kênh liên kết nghiệp vụ với KBNN.

Tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển sang sử dụng công nghệ điện toán đám mây theo kế hoạch chung của Bộ; Nghiên cứu và từng bước ứng dụng công nghệ chuỗi khối blockchain trong thực hiện các giao dịch điện tử có liên kết đa tổ chức giữa KBNN với các tổ chức đơn vị có liên quan; Triển khai các giải pháp bảo mật các mức, đặc biệt là bảo mật cho nền tảng ảo hóa và điện toán đám mây và các bài toán mở ra khai thác từ internet.