Kho bạc Nhà nước trong tiến trình đổi mới và phát triển

TS. Trần Xuân Hà – Thứ trưởng Bộ Tài chính

Năm 2016 là năm quan trọng trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước, đây là năm đầu của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Mặc dù có những yếu tố thuận lợi như: Nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng 6,21% GDP, lạm phát được kiểm soát, tuy nhiên do giá dầu vẫn sụt giảm và duy trì ở mức thấp, cộng với thiên tai, lũ lụt, xâm nhập mặn ở một số địa phương đã làm cho phát triển sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và giảm thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trước bối cảnh như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong kết quả phát triển chung của ngành Tài chính có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) với vai trò là cơ quan quản lý ngân quỹ của nhà nước. Kết quả hoạt động của hệ thống KBNN thể hiện một số điểm nhấn như sau:

Thứ nhất, KBNN đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế chính sách, đặc biệt là trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý ngân quỹ nhà nước theo tinh thần Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và Nghị định về lập báo cáo tài chính nhà nước theo tinh thần Luật Kế toán. Hai văn bản này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình đổi mới và phát triển của KBNN theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thể hiện chức năng cơ bản của KBNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Thứ hai, KBNN đã tích cực phối hợp với cơ quan thuế, hải quan, cơ quan tài chính, các bộ, ngành, các địa phương trong tổ chức tập trung nguồn thu NSNN, thực hiện kiểm soát chi, góp phần thực hiện thắng lợi dự toán NSNN năm 2016 được cấp có thẩm quyền giao. Đến ngày 31/12/2016, thu cân đối NSNN ước đạt 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 7,8% so với dự toán; thu NSTW đạt dự toán, thu NSĐP vượt 18,6% dự toán. Đây là nỗ lực của toàn ngành Tài chính song cũng có phần đóng góp không nhỏ của KBNN;

Thứ ba, KBNN đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, đảm bảo cân đối nguồn lực cho đất nước. Năm 2016, KBNN đã huy động 281,75 nghìn tỷ đồng, với kỳ hạn trái phiếu tăng lên và lãi suất huy động giảm hơn so với thời kỳ trước, chứng khoán hóa các khoản vay của bảo hiểm xã hội trước đây. Với kết quả đó, công tác huy động vốn của KBNN đã làm thay đổi cơ cấu nợ công, trước hết là nợ trong nước theo hướng tăng dần kỳ hạn vay với chi phí phù hợp, nhằm mục tiêu quản lý nợ công bền vững;

Thứ tư, KBNN đã tích cực triển khai cải cách thủ tục hành chính và dịch vụ công của KBNN. Công tác thu thuế trực tuyến thông qua hệ thống ngân hàng, quản lý chi, kiểm soát chi thông qua mạng điện tử và hoàn thành 3 dịch vụ công trực tuyến tại 5 tỉnh, thành phố đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ của KBNN, đồng thời cũng mở ra cơ hội để phát triển tại các tỉnh thành phố khác trong cả nước;

Thứ năm, năm 2016 là năm đầu tiên KBNN đảm nhận nhiệm vụ tổng hợp quyết toán NSNN năm 2014 trình Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là điểm nhấn trong tiến trình đổi mới và phát triển của KBNN, theo đó chức năng tổng kế toán nhà nước được tiến thêm một bước, góp phần cải cách quản lý tài chính nhà nước.

Bước sang năm 2017, nhiệm vụ tài chính - NSNN hết sức nặng nề, theo đó, ngành Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách, giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công bền vững; phân bổ và sử dụng nguồn lực có hiệu quả để phát triển kinh tế cũng như thực hiện chính sách an sinh xã hội... Trong tình hình đó, với vai trò, chức trách của mình, KBNN cần tích cực đổi mới và phát triển nhằm thực hiện chiến lược đã đề ra, cụ thể là:

Một là, KBNN tiếp tục phối hợp với cơ quan thuế, hải quan tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu NSNN, kiểm soát chi chặt chẽ cả chi đầu tư phát triển cũng như chi thường xuyên, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành tốt dự toán NSNN năm 2017 được Quốc hội phê duyệt. KBNN cần tiếp tục cải tiến công tác thu nộp, mở rộng đối tượng nộp thuế qua mạng điện tử, kiểm soát chi trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ quản lý NSNN;

Hai là, KBNN tiếp tục cải tiến công tác huy động vốn, phát hành các loại TPCP nhằm đảm bảo nguồn lực cho NSNN, cho đầu tư phát triển và cơ cấu lại nợ công. Theo đó, KBNN cần đa dạng hóa các kỳ hạn trái phiếu theo hướng tăng tỷ trọng trái phiếu trung và dài hạn, tạo điều kiện hình thành đường cong lãisuất chuẩn cho thị trường nợ; tiếp tục hoán đổi, cơ cấu lại các danh mục nợ hiện tại để có cơ cấu nợ tích cực, phòng ngừa rủi ro trong quản lý nợ công;

Ba là, KBNN tiếp tục hiện đại hóa công nghệ thông tin, đi theo đó là cải cách dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội. Chương trình quản lý vốn đầu tư (còn gọi là đầu tư tài chính) cần được triển khai khẩn trương, quyết liệt nhằm quản lý tốt nguồn vốn đầu tư của NSNN từ khâu phân bổ, dự toán, cũng như quản lý danh mục dự án hoàn thành, chuyển giao tài sản;

Bốn là, quản lý ngân quỹ nhà nước chặt chẽ, có hiệu quả, sử dụng nguồn ngân quỹ nhàn rỗi để tạm ứng cho NSNN khi nguồn thu chưa tập trung kịp hoặc để đáp ứng nhu cầu chi, dự án cấp phát cần thiết. Quản lý dòng tiền là một nội dung mới trong hoạt động của KBNN, cơ chế chính sách đã có quy định, song thực tiễn hoạt động đòi hỏi phải thận trọng; dự báo cả dòng vốn bằng VNĐ, cả bằng ngoại tệ, có kế hoạch sử dụng vốn hợp lý cũng như giải pháp tập trung vốn để đáp ứng nhu cầu của NSNN;

Năm là, chuẩn bị lập báo cáo tài chính nhà nước, theo đó tất cả các nguồn vốn, sử dụng vốn của nền kinh tế phải được trình bày một cách khoa học và hợp lý; có sự phân tích và đánh giá công khai minh bạch. Ngoài việc tiếp tục báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định, chuẩn bị thông tư hướng dẫn, thì việc tập hợp nguồn số liệu, xây dựng dự án công nghệ thông tin, tập huấn nghiệp vụ là hết sức cần thiết. Mặc dù, báo cáo tài chính nhà nước lần đầu tiên sẽ được thực hiện từ năm 2019 song nếu không có sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ thì cũng khó có thể có báo cáo tài chính nhà nước có nội dung, có con số ý nghĩa thiết thực;

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ cũng như làm tốt công tác thanh tra chuyên ngành. Trong năm 2016, KBNN đã thực hiện được 271 cuộc thanh tra chuyên ngành, nộp NSNN 1,7 tỷ đồng và đã xử lý vi phạm hành chính đối với một số đối tượng. Sang năm 2017 và một số năm tới, hệ thống KBNN cần tiếp tục đẩy mạnh công tác này để giữ vững kỷ cương, kỷ luật về tài chính nhưng cũng là để đánh giá lại công việc của KBNN với trọng trách là cơ quan kiểm soát chi NSNN.

Cuối cùng, cũng rất quan trọng là KBNN tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Với bề dày kinh nghiệm của hơn 26 năm hoạt động, chúng ta tin tưởng hệ thống KBNN ngày càng đổi mới và phát triển, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội  chủ nghĩa.