Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Kho bạc Nhà nước xứng đáng là nơi quản lý, “tay hòm chìa khóa” của nền tài chính nước nhà

Thái Hằng (lược ghi)

Nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với Kho bạc Nhà nước sáng ngày 3/3/2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kỳ vọng: Ngành Tài chính nói chung và hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng sẽ luôn phát huy được những truyền thống tốt đẹp, phát huy được những kết quả đã đạt được và tiếp tục lập thêm nhiều thành tích hơn nữa trong thời gian tới, để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với hệ thống Kho bạc Nhà nước sáng ngày 3/3/2017. Nguồn: Lục Trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với hệ thống Kho bạc Nhà nước sáng ngày 3/3/2017. Nguồn: Lục Trường.

Góp phần tô đậm thêm nét son truyền thống tốt đẹp của ngành Tài chính

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tài chính trong những năm vừa qua, tại buổi làm việc tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) sáng ngày 3/3/2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận: Thành tích của KBNN đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Quốc hội ủng hộ ngành Tài chính, Bộ Tài chính và KBNN trong việc tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược phát triển KBNN với mục tiêu hình thành Kho bạc điện tử vào năm 2020. Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban có liên quan thuộc Quốc hội tiếp tục quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện để KBNN thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Quốc hội cũng ủng hộ KBNN thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước và thực hiện chức năng tổng kế toán nhà nước. KBNN cũng cần chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị quyết có liên quan để tạo khuân khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc triển khai thực hiện cho được chiến lược phát triển KBNN.

(Lược trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi làm việc với Kho bạc Nhà nước, ngày 3/3/2017).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Mặc dù kinh tế trong vào ngoài nước còn rất khó khăn, đất nước trải qua một giai đoạn nhiều thăng trầm nhưng phải khẳng định ngành Tài chính đã rất chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất những giải pháp cho Chính phủ, cho Quốc hội để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; nhất là góp phần quan trọng trong huy động nguồn lực tài chính để phát triển đất nước.

“Hệ thống KBNN đã có những đóng góp rất lớn cùng với toàn ngành Tài chính trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, tổ chức quản lý, kiểm soát chi tiêu ngân sách nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng và giữ vững được kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý tài chính, ngân sách”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, KBNN thực sự đã làm tốt nhiệm vụ huy động nguồn vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua phát hành tín phiếu, trái phiếu Chính phủ. Điều này thể hiện vai trò hết sức quan trọng của KBNN trong việc thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển nền kinh tế cũng như phục vụ thực hiện các mục tiêu trọng yếu của Đảng và Nhà nước.

“Báo cáo của Tổng Giám đốc KBNN cho thấy, đội ngũ cán bộ công chức của ngành Tài chính nói chung và của hệ thống KBNN nói riêng đã thể hiện một tinh thần rất cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt, các đồng chí đã xây dựng, giữ gìn và luôn phát huy được truyền thống đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong toàn ngành, toàn hệ thống. Đây là tài sản hết sức quý báu và là nhân tố quan trọng quyết định cho sự thành công trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá.

Kho bạc Nhà nước xứng đáng là nơi quản lý, “tay hòm chìa khóa” của nền tài chính nước nhà - Ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội tới thăm và viết sổ lưu niệm tại Phòng truyền thống Kho bạc Nhà nước (sáng ngày 3/3/2017). Nguồn: Lục Trường.

Có thể nói, trong hơn 27 năm qua, hệ thống KBNN đã có bước phát triển nhanh, bền vững và toàn diện, từ hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu, cho tới xây dựng cơ sở vật chất và từng bước hiện đại hóa các mặt hoạt động của hệ thống, phục vụ cho công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước nói chung.

Ngành Tài chính, hệ thống KBNN đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nền kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi và các kết quả đạt được thì kinh tế - xã hội vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, mức bội chi ngân sách còn cao, nợ công cũng còn cao và nhu cầu chi tiêu để xây dựng phát triển đất nước vượt xa nguồn lực ngân sách nhà nước. Đây là bài toán nan giải cho những người làm công tác tài chính, cho những người làm nhiệm vụ lãnh đạo quản lý tài chính đất nước.

Để thực hiện tốt hơn vai trò nhiệm vụ to lớn của hệ thống KBNN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: KBNN tiếp tục thực hiện đúng định hướng mà trong chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà KBNN đã đề ra.

Trước hết, hệ thống KBNN, nhất là đối với mỗi cấp KBNN cần phải nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời theo chức năng nhiệm vụ được giao;

Song song với đó là phải tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong quản lý, điều hành tài chính ngân sách và chính sách tài khóa; huy động tối đa các nguồn lực tài chính để thúc đẩy phát triển đất nước; Đề xuất các giải pháp quản lý sử dụng hiệu quả nhất những nguồn lực để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định và vững chắc.

“Ngành Tài chính nói chung và hệ thống KBNN đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội”, nhận định điều này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương: Việc làm này đã góp phần giúp thực hiện thành công hoạt động cơ cấu lại nợ trong nước và ngoài nước; cơ cấu nợ vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hợp lý.

Thứ hai, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao cho hệ thống KBNN quản lý một khối lượng rất lớn tiền và tài sản, do vậy, hệ thống KBNN phải có trách nhiệm quản lý cho tốt, cho an toàn và sử dụng hiệu quả, đúng mục đính, đúng đối tượng. “Mỗi đồng tiền mà KBNN đang quản lý là sự đống góp từ mồ hôi, công sức của nhân dân. Mỗi đồng tiền được chi kịp thời, chi hiệu quả sẽ góp phần làm cho kinh tế - xã hội thêm phát triển; quốc phòng, an ninh thêm vững chắc. Do vậy, mỗi cán bộ, công chức KBNN dù ở bất ở bất kỳ vị trí nào đều có những vai trò nhất định, đóng góp nhất định vào nhiệm vụ xây dựng một nền tài chính quốc gia phát triển ổn định, tự chủ, vững mạnh, để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

Thứ ba, ngành Tài chính nói chung và hệ thống KBNN nói riêng cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách và hiện đại hóa, tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực để xây dựng và triển khai thành công các đề án, cơ chế chính sách lớn, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra. “Việc hiện đại hóa công tác quản lý và các hoạt động của ngành Tài chính, của hệ thống KBNN phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính để phục vụ các hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội và nhân dân ngày càng tốt hơn”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Thứ tư, các bài học thực tiễn cho thấy công tác cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của mọi nhiệm vụ, do vậy chúng ta phải luôn trân trọng giữ gìn và phát huy tốt truyền thống đoàn kết nội bộ mà hệ thống KBNN đã xây dựng và vun đắp trong gần 27 năm qua. Đoàn kết phải được xây dựng trên nguyên tắc tập trung - dân chủ, thường xuyên làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai và minh bạch. Có đoàn kết mới thống nhất được ý chí và  hành động tạo ra sức mạnh tổng hợp để hoàn thành một cách tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.

Thứ năm, ngành Tài chính, hệ thống KBNN cần phải tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước; đồng thời, phải thường xuyên phát động các phòng trào thi đua gắn với thực tiễn hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; lựa chọn và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong toàn hệ thống nhằm khích lệ cán bộ, công chức thi đua học tập, lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Thứ sáu, Quốc hội ủng hộ ngành Tài chính, Bộ Tài chính và KBNN trong việc tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược phát triển KBNN với mục tiêu hình thành Kho bạc điện tử vào năm 2020. Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban có liên quan thuộc Quốc hội tiếp tục quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện để KBNN thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Quốc hội cũng ủng hộ KBNN thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước và thực hiện chức năng tổng kế toán nhà nước. KBNN cũng cần chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị quyết có liên quan để tạo khuân khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc triển khai thực hiện cho được chiến lược phát triển KBNN.

Về việc sửa đổi, bổ sung các Luật và Pháp lệnh có liên quan đến việc mở tài khoản của KBNN, đề nghị Bộ Tài chính thống kê trình Chính phủ đánh giá, trình Quốc hội xem xét, để KBNN thực hiện đầy đủ và chủ động vai trò chức năng, quản lý ngân quỹ, quản lý nợ, kiểm soát chi, huy động vốn tổng kiểm toán nhà nước.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiên cứu, trình Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh Quản lý ngoại hối để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các quy định của Luật NSNN năm 2015, tạo điều kiện tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời nguồn thu vào ngân sách, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán chi trả, thanh toán của NSNN.

Về công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN hàng năm. Đây là công việc định kỳ hàng năm, vì vậy đề nghị Bộ Tài chính, KBNN tiếp tục duy trì sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội để xây dựng báo cáo quyết toán NSNN trình Quốc hội phê chuẩn đảm bảo chất lượng và thời gian.

Về việc tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN các cấp, khi KBNN chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nguồn nhân lực và hệ thống CNTT, Quốc hội sẽ xem xét quy định trong Luật là giao KBNN thực hiện nhiệm vụ này thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Về Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn sau năm 2020, tầm nhìn đến năm 2040, đề nghị Bộ Tài chính, hệ thống KBNN phối hợp với các đơn vị liên quan tổng kết, đánh giá kỹ kết quả thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020, để từ đó xây dựng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn sắp tới cho phù hợp. Trước hết là phải hoàn thiện về mặt thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới. Cùng với đó là phải tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống KBNN…

“Sự trưởng thành của hệ thống KBNN trong 27 năm qua, đã góp phần tô đậm thêm những nét son truyền thống tốt đẹp của ngành Tài chính nói chung và xây dựng một truyền thống riêng cho hệ thống KBNN”, ghi nhận điều này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu: Trong thời gian tới, KBNN Việt Nam phải thực sự hiện đại, hoạt động phải hiệu quả an toàn và phải phát triển ổn định vững chắc. Đặc biệt, KBNN phải hoàn thiện thể chế chính sách, gắn với việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; KBNN cũng cần thực hiện đầy đủ các chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quản lý ngân quỹ, quản lý nợ Chính phủ…