Khoán kinh phí sử dụng xe ô tô: Chủ trương đúng, dân ủng hộ

Minh Khang

Việc Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BTC quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, được áp dụng với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng và tương đương tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao từ người dân và dư luận xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Người dân đồng tình

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô của Bộ Tài chính là chủ trương đúng đắn và có thể coi là bước đi cần thiết để tiến tới loại bỏ hoàn toàn cơ chế liên quan đến xe công đầy tranh cãi lâu nay. 

Ngay khi quyết định này được ban hành, nhiều người dân cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Ông Nguyễn Văn Thạch - cán bộ nghỉ hưu (Hà Nội) cho rằng, việc làm này của Bộ Tài chính cho thấy một bước đột phá trong tư duy quản lý, trong quyết tâm chi tiêu ngân sách hiệu quả, qua đó góp phần giảm lãng phí ngân sách và bộ máy cồng kềnh.

"Trong bối cảnh mối lo về nợ công, về chi tiêu hiệu quả đồng tiền đóng thuế của người dân, một chủ trương đúng đắn như vậy tất nhiên sẽ được người dân đồng tình ủng hộ", ông Thạch chia sẻ.

Trên các diễn đàn hay mạng xã hội, dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, song về cơ bản, cách làm này của Bộ Tài chính đã nhận được hiệu ứng tích cực từ cộng đồng mạng.

Độc giả có nick là Robin chia sẻ: "Hoan nghênh dùng xe khoán, vừa rõ ràng vừa ít tốn kém". Độc giả có nick là Ha Thu cũng đánh giá cao quyết tâm của Bộ Tài chính nhưng mong muốn cần có sự kiểm tra, giám sát để chính sách này thực sự hiệu quả, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân...

Cần phổ biến rộng rãi

Thực tế cho thấy, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng bởi nó hướng đến nền hành chính hiện đại, giúp lãnh đạo chủ động trong đi lại, giảm bớt được phương tiện lưu thông, tiết kiệm được tiền ngân sách.

Hiện nhiều quốc gia sử dụng là thuê các hãng xe tư nhân cung cấp dịch vụ di chuyển cho các quan chức có đủ tiêu chuẩn. Chẳng hạn như Nhật Bản chỉ có Thủ tướng mới đi xe công, còn các cấp dưới đó đều đi xe dịch vụ tư nhân.

Việc sử dụng các hàng xe tư nhân có thể giúp cho việc kiểm soát chiều dài quãng đường di chuyển một cách chuẩn xác, và thanh toán chi phí cũng sẽ chính xác và tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc bỏ tiền ra mua xe mới, tuyển lái xe, chi phí vận hành, khấu hao xe...

Điều mong muốn của người dân hiện nay là làm sao để chủ trương này được luật hóa, được triển khai rộng rãi, hiệu quả, đảm bảo công bằng. Theo đó, cần phải quyết liệt thực hiện việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô ở các bộ ngành, địa phương chứ không chỉ riêng Bộ Tài chính hay chỉ mang tính chất kêu gọi, khuyến khích như trước đây. 
  
Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cũng chia sẻ, cần đưa việc khoán kinh phí sử dụng vào các đối tượng cụ thể, xem xét sát từng đối tượng, đặc thù công việc. Cần xem xét đến giá cả cho hợp lý, theo từng thời điểm, địa phương để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người được hưởng... Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát từ các cơ quan liên quan, từ chính người dân cũng như việc phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. 
Cuối cùng, một yếu tố rất quan trọng khác đảm bảo chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống, đó là cần có sự quyết tâm thực sự, đặc biệt là sự gương mẫu đi đầu của những cán bộ chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị.