Khung quản lý rủi ro: Công cụ quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả

TS. NNguyễn Văn Quang, ThS. Đinh Thị Hồng Điệp

Đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mới, thời gian tới, Kho bạc Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện các công cụ quản lý ngân quỹ hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế. Một trong những công cụ quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả hiện nay được thông lệ quốc tế ghi nhận đó là Khung quản lý rủi ro. Khung quản lý rủi ro sẽ giúp Kho bạc Nhà nước chủ động đối phó với rủi ro có thể xảy ra thông qua việc nhận dạng các loại rủi ro, xây dựng các công cụ, phương án phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro nhằm đảm bảo an toàn thanh khoản và hiệu quả trong sử dụng ngân quỹ nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) 2015 quy định: Kho bạc Nhà nước (KBNN) quản lý tập trung, thống nhất ngân quỹ nhà nước để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại KBNN; bảo đảm quản lý an toàn và sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước. Để thể chế hóa các quy định về quản lý ngân quỹ nhà nước, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 314/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.

Việc ban hành các văn bản pháp luật trên đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước nhằm đáp ứng được 2 mục tiêu cơ bản là an toàn và hiệu quả. Một trong những điểm mới của chế độ quản lý ngân quỹ đó là việc quy định KBNN được phép sử dụng nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để gửi có kỳ hạn dưới 03 tháng tại ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao hoặc mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ.

Những thay đổi về chính sách này dẫn tới thay đổi trong cơ chế quản lý hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước. Để triển khai các nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng yêu cầu mới, mục tiêu mới, KBNN cần xây dựng và hoàn thiện các công cụ quản lý ngân quỹ hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế. Một trong những công cụ quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả hiện nay được thông lệ quốc tế ghi nhận đó là Khung quản lý rủi ro. Khung quản lý rủi ro sẽ giúp KBNN chủ động phòng ngừa, đối phó với rủi ro có thể xảy ra thông qua việc nhận dạng các loại rủi ro, xây dựng các công cụ, phương án phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro nhằm đảm bảo an toàn thanh khoản và hiệu quả trong sử dụng ngân quỹ nhà nước.

Theo tiêu chuẩn ISO 31000: 2009, “Khung quản lý rủi ro là một tập hợp các thành phần cung cấp nền tảng và cơ cấu tổ chức cho việc thiết kế, thực hiện, theo dõi, rà soát và liên tục cải tiến quản lý rủi ro trong toàn tổ chức”. Các thành phần quan trọng, cần phải xem xét khi xây dựng khung quản lý rủi ro bao gồm: Nhận dạng rủi ro; đo lường rủi ro; giảm thiểu rủi ro; báo cáo và theo dõi rủi ro; quản trị rủi ro.

Theo Ủy ban thuộc Hội đồng quốc gia Hoa kỳ (COSO) về chống gian lận khi lập báo cáo tài chính, khung quản lý rủi ro gồm 08 thành phần cơ bản:

- Môi trường bên trong: Đặt nền tảng cho cách thức mà rủi ro được xem xét và đề cập tới, bao gồm triết lý rủi ro, khẩu vị rủi ro, sự nhất quán, các giá trị đạo đức và môi trường hoạt động.

- Xây dựng mục tiêu: Mục tiêu phải tồn tại trước khi cấp quản lý có thể xác định các sự kiện tiềm ẩn ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu đặt ra, đảm bảo rằng ban lãnh đạo sẵn có một quy trình để đặt ra các mục tiêu và các mục tiêu đã chọn hỗ trợ và phù hợp với sứ mệnh của tổ chức và nhất quán với khẩu vị rủi ro của tổ chức đó.

- Nhận dạng sự kiện: Các sự kiện bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến việc đạt được các mục tiêu của tổ chức phải được nhận dạng, phân biệt giữa rủi ro và cơ hội.

- Đánh giá rủi ro: Rủi ro được phân tích, xem xét khả năng và ảnh hưởng, làm căn cứ để quyết định cách thức quản lý những rủi ro đó.

- Xử lý rủi ro: Cấp quản lý lựa chọn cách xử lý đối với rủi ro: Tránh, chấp nhận, giảm thiểu hoặc chia sẻ rủi ro - xây dựng một bộ các hành động để điều chỉnh rủi ro phù hợp với giới hạn chấp nhận rủi ro và khẩu vị rủi ro của tổ chức.

- Các hoạt động kiểm soát: Các chính sách và thủ tục được thiết lập và thực thi nhằm đảm bảo các biện pháp đối phó rủi ro thực hiện hiệu quả.

- Thông tin và tuyên truyền: Các thông tin phù hợp được nhận dạng, nắm bắt và truyền đạt dưới hình thức và khung thời gian để người thực thi thực hiện trách nhiệm.

- Giám sát: Việc giám sát được thực hiện thông qua các hoạt động quản lý đang diễn ra, các đánh giá tách biệt hoặc cả hai.

Đề xuất khung quản lý rủi ro trong hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước

Nội dung cơ bản của Khung quản lý rủi ro

Khung quản lý rủi ro hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước bao gồm những nội dung cơ bản sau: Mục đích; khuôn khổ pháp lý; tuyên bố chung về quản lý rủi ro; các nguyên tắc cơ bản; tổ chức bộ máy, phân công trách nhiệm, quyền hạn trong quản lý rủi ro; quy trình quản lý các loại rủi ro chính (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro tác nghiệp); đánh giá, cập nhật và hoàn thiện Khung quản lý rủi ro.

Mục đích và khuôn khổ pháp lý của Khung quản lý rủi ro

Khung quản lý rủi ro nhằm đưa ra khuôn khổ, các quy định mang tính nguyên tắc chung về quản lý rủi ro mà hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho ngân quỹ nhà nước.

Khung quản lý rủi ro được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các quy định của Luật NSNN năm 2015, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và các văn bản pháp lý có liên quan khác.

Tuyên bố chung về quản lý rủi ro

Mọi hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước đều phải tuân thủ các quy trình, thủ tục đã quy định và trong khuôn khổ quản lý rủi ro cho phép. KBNN sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để quản lý và giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước trong phạm vi năng lực và điều kiện có thể. Ban Lãnh đạo KBNN đánh giá quản lý rủi ro là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược và cam kết tạo mọi điều kiện và bố trí nguồn lực cần thiết để thiết lập hệ thống quản lý rủi ro một cách tổng thể và toàn diện. Quản lý rủi ro hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước là trách nhiệm chung của Ban lãnh đạo, tập thể, cá nhân có liên quan đến nghiệp vụ này. 

Nguyên tắc cơ bản của Khung quản lý rủi ro

Khung quản lý rủi ro được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản như: Hoạt động quản lý rủi ro độc lập với các hoạt động quản lý ngân quỹ khác; trong mọi tình huống, an toàn ngân quỹ nhà nước là ưu tiên hàng đầu. KBNN sẽ thực hiện tất cả biện pháp quản lý rủi ro cần thiết để đảm bảo an toàn cho ngân quỹ nhà nước trong các hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi; hoạt động quản lý rủi ro tuân thủ các quy định của Chính phủ, các quy trình, thủ tục về hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi; đồng thời đảm bảo các hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước luôn trong khuôn khổ cho phép; ranh giới về thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong quản lý rủi ro hoạt động ngân quỹ nhà nước được thiết lập một cách rõ ràng, cụ thể nhằm đảm bảo các cá nhân, tập thể có liên quan đến hoạt động quản lý ngân quỹ nhận thức rõ phạm vi thẩm quyền, đồng thời chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được giao. 

Ngoài ra, các chính sách, quy trình, thủ tục quản lý rủi ro được theo dõi, rà soát định kỳ để luôn phù hợp với những thay đổi trong mục tiêu, định hướng, chính sách quản lý ngân quỹ, cũng như đảm bảo mọi rủi ro mới được cập nhật kịp thời và có biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu.

KBNN xây dựng văn hoá công sở, đạo đức nghề nghiệp nơi mà quản lý rủi ro được đánh giá cao, được xem là một phần không thể tách rời của hoạt động quản lý ngân quỹ và được coi là trách nhiệm của mọi cán bộ, công chức.

Bộ máy quản lý rủi ro, phân định quyền hạn, trách nhiệm trong quản lý rủi ro hoạt động
sử dụng ngân quỹ tại KBNN

Để thực hiện quản lý rủi ro, cần có bộ máy quản lý vận hành thông suốt, theo thứ bậc hành chính, trong đó người đứng đầu trong cơ cấu tổ chức là Tổng Giám đốc. Giúp việc cho Tổng Giám đốc về các hoạt động sử dụng ngân quỹ và quản lý rủi ro hoạt động sử dụng ngân quỹ là Phó Tổng giám đốc phụ trách. Các đơn vị giúp việc bao gồm các đơn vị Cục Quản lý ngân quỹ; Cục Kế toán nhà nước, Sở Giao dịch KBNN, Vụ Tài vụ quản trị, KBNN các tỉnh, thành phố.

Quy trình quản lý rủi ro

Quy trình quản lý rủi ro được thực hiện theo 04 bước: Nhận dạng rủi ro, đánh giá/đo lường rủi ro, xây dựng các biện pháp quản lý rủi ro, theo dõi và báo cáo. Tất cả các quy trình, thủ tục hiện có và các quy trình, thủ tục mới trong tương lai đều đã và sẽ được rà soát kỹ lưỡng để nhận dạng tất cả các rủi ro. Nhận dạng rủi ro có thể được thực hiện thông qua khảo sát, kiểm tra nội bộ, kết luận của kiểm toán...

Đối với rủi ro tín dụng, xây dựng hệ thống đánh giá nội bộ về chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại dựa trên Bộ tiêu chí. Bộ tiêu chí được chia thành 3 nhóm:

- Quan hệ tín dụng và lịch sử quan hệ tín dụng: Đánh giá khả năng thanh khoản, mức độ tin cậy tín dụng dựa trên thống kê về chất lượng, kết quả của các lần giao dịch cũng như thời gian có quan hệ giao dịch.

- Mức độ cạnh tranh: Thống kê và so sánh mức độ cạnh tranh thông qua lãi suất, kỳ hạn, việc đáp ứng các điều khoản đặc biệt (rút tiền gửi trước hạn, tiền gửi có bảo đảm).

- Uy tín tín dụng: Xếp hạng tín dụng theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước, thông tin về ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rủi ro thị trường được đánh giá/đo lường bằng phương pháp phân tích theo kịch bản; rủi ro tác nghiệp được đánh giá/đo lường thông qua việc thu thập các thông tin rủi ro, phân tích, xác định nguồn gốc, yếu tố rủi ro, ước đoán tần số tổn thất, mức độ rủi ro.

Theo dõi, báo cáo rủi ro

Các thông tin về tình hình tín dụng của các đối tác phải được thu thập thường xuyên. Bất cứ những thông tin bất lợi về đối tác (hạ mức xếp hạng tín dụng, tham nhũng nội bộ, hành vi vi phạm của nhân viên với mục đích trục lợi, ăn cắp, đối tác bị kiện tụng, liên quan đến các vấn đề về pháp luật...) phải được xử lý kịp thời. Trường hợp xảy ra khủng hoảng tín dụng, khủng hoảng thanh khoản, các hạn mức đầu tư, các đối tác nơi gửi tiền được xem xét lại để đảm bảo an toàn của các khoản sử dụng ngân quỹ nhàn rỗi.

Các thay đổi, biến động trên thị trường phải được theo dõi, thu thập thường xuyên. Bất cứ thay đổi tích cực hay tiêu cực nào đều phải được phân tích để có biện pháp ứng phó kịp thời. Trường hợp thị trường diễn biến bất thường, không dự báo được xu hướng, các hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi phải được xem xét lại hoặc áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bảo toàn ngân quỹ nhà nước.

Các bộ phận nghiệp vụ lập Nhật ký rủi ro để theo dõi, ghi chép rủi ro. Định kỳ 06 tháng, 12 tháng, Phòng Quản lý rủi ro thực hiện phân loại các rủi ro được ghi chép theo loại tổn thất và nguyên nhân, đánh giá rủi ro theo xác suất xảy ra và mức độ nghiêm trọng của hậu quả, lập thứ tự ưu tiên xử lý rủi ro tác nghiệp theo xếp hạng mức độ rủi ro. Đối với những rủi ro tác nghiệp đặc biệt nghiêm trọng, hoặc xảy ra thường xuyên, Phòng Quản lý rủi ro lập đề xuất điều chỉnh lại quy trình nghiệp vụ để hạn chế khả năng lặp lại những rủi ro này.

Đánh giá, cập nhật và hoàn thiện Khung quản lý rủi ro

Khung quản lý rủi ro được thực hiện đánh giá lại theo từng năm. Các phương pháp, mô hình phân tích rủi ro hoặc công nghệ thông tin phục vụ phân tích rủi ro mới, phù hợp sẽ được nghiên cứu và ứng dụng trong điều kiện cho phép.

Việc đánh giá thường niên cũng nhằm đảm bảo mọi rủi ro mới và các biện pháp quản lý rủi ro đi kèm được cập nhật kịp thời; cũng như đảm bảo Khung quản lý rủi ro luôn phù hợp và đồng bộ với những thay đổi về chính sách, chiến lược, kế hoạch.