Khuyến nghị giảm lãi suất tránh nguy cơ giảm phát

PV.

(Taichinh) - “Cần giảm lãi suất để tránh nguy cơ giảm phát”. Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện tài chính) tổ chức sáng nay 30/6/2015.

CPI tiệm cận 0%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6/2015 tăng 0,55% so với tháng 12/2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đây đều là các mức tăng thấp nhất của chỉ số này trong tháng 6 kể từ năm 2001 đến nay.

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đánh giá: “Tốc độ lạm phát trong vòng 1 năm qua đang có xu hướng giảm mạnh. Nền kinh tế hiện đang ở tương đối gần mức lạm phát 0% đồng thời lại đang ở rất xa mức lạm phát mục tiêu là 5%”.

Theo Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, tình trạng lạm phát thấp không phải bây giờ mới xuất hiện, khi tốc độ lạm phát của tháng 12-2014 so với cùng kỳ năm trước giảm xuống mức 1,84%, vấn đề lạm phát thấp đã được đặt ra.

6 tháng đầu năm 2015, chỉ số CPI chịu sự tác động của việc tăng giá điện, tỷ giá và giá dịch vụ y tế. Theo tính toán, tỷ giá tăng 2% khiến chỉ số CPI tăng thêm 0,6% và giá điện tăng 8,42% đẩy chỉ số CPI tăng thêm 0,22%.

Trong nửa đầu năm 2015 các yếu tố chi phí đẩy về cơ bản có tác động kéo lạm phát gia tăng. Do đó, tình trạng lạm phát thấp hiện nay có thể giải thích bởi nguyên nhần do tổng cầu.

“Kể từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn trong tình trạng thấp hơn mức tiềm năng (khoảng 6,5%), tức là tốc độ tăng của tổng cầu luôn yếu hơn tốc độ tăng của tổng cung. Điều này khiến chênh lệch tổng cầu – tổng cung liên tục giảm và kéo lạm phát giảm theo. Nếu tăng trưởng bằng mức tiềm năng hoặc cao hơn mức tiềm năng một chút thì kết quả sẽ tốt hơn”, TS Nguyễn Đức Độ phân tích.

TS Nguyễn Đức Độ cho rằng: “Đứng trên quan điểm tổng cầu là yếu tố tác động lâu dài và mang tính quyết định, xu hướng lạm phát giảm sẽ chỉ dừng lại khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng từ 6,5% trở lên. Để nền kinh tế tránh xa vùng giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần đạt mức 6,5% trở lên. Nếu nền kinh tế chỉ tăng trưởng ở mức 6-6,25%, xác suất rơi vào tình trạng giảm phát là tương đối lớn”.

Cần giảm lãi suất cho vay

“Trên thực tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 6,28% trong 6 tháng đầu năm, nguy cơ nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát đang lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại như trước đây. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ mức 6,5% trở lên, một trọng những điều kiện cần là phải giảm được lãi suất đặc biệt là lãi suất cho vay”, TS Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Với mức lại suất cho vay trung bình trên thị trường hiện nay khoảng 8,5% trong khi lạm phát chỉ ở mức 1%, mức lãi suất cho vay thực dương là 7,5%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP.

TS Nguyễn Đức Độ chỉ rõ: “Điều này có nghĩa là đối với một doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động ở mức trung bình trên thị trường, lợi nhuận kiếm được từ các khoản vay thêm sẽ không đủ để trả nợ lãi suất và sớm hay muộn các doanh nghiệp này cũng sẽ thu hẹp quy mô sản xuất”.

Theo các chuyên gia, rõ ràng mức lãi suất cho vay thực cao như hiện nay sẽ cản trở doanh nghiệp đầu tư và mở rộng kinh doanh. Đồng thời, gây khó khăn cho các con nợ trong đó có cả nợ xấu và nợ công. Các tính toán cho thấy, nếu lãi suất cho vay thực (lãi suất cho vay sau khi trừ đi lạm phát) tăng thêm 1%, tỷ lệ đầu tư/GDP sẽ giảm khoảng 0,76 điểm phần trăm.