Kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước theo mô hình Kho bạc Điện tử: Những vấn đề cần hoàn thiện

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 176 (2/2017)

Hành chính công, dịch vụ công điện tử vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ tại Việt Nam, với lĩnh vực tài chính nói chung và đặc biệt hơn đối với lĩnh vực kiểm soát chị ngân sách nhà nước (NSNN) qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) nói riêng. Sự thay đồi đó đòi hỏi các đơn vị sử dụng ngan sách phải thay đồi tư duy về các vấn đề như nguyên tắc, quy trình kiểm soát chi trên dịch vụ công điện tử cũng như điều kiện hạ tầng kỹ thuật để tham gia dịch vụ công trên Cổng thông tin KBNN và quy trình quản lý chứng thư số, ứng dụng trong giao dịch điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo Quyết định số 1605/ QĐ-TTg ngày 27/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Tài chính sẽ cung cấp 30 dịch vụ công, trong đó hệ thống KBNN cung cấp 03 dịch vụ công hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị trong quá trình kiểm soát thanh toán.

Quá trình xây dựng mô hình giao dịch kho bạc điện tử

Ngày 26/11/2015, Bộ Tài chính đã khai trương giao diện mới Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính (http://mof.gov.vn) và Cổng Thông tin điện tử KBNN (http://vst.mof. gov.vn).

Cổng thông tin điện tử KBNN được xây dựng để trở thành kênh giao tiếp, hỗ trợ các công dân, tổ chức trong và ngoài nước nhanh chóng tiếp cận với thông tin về hoạt động của kho bạc, về quy trình thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của KBNN, góp phần chuyển hóa KBNN thành kho bạc điện tử.

Trong năm 2016, KBNN đã triển khai thí điểm cung cấp 3 ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3 trên Cổng thông tin điện tử tại 5 KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà nẵng, Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Để được tham gia dịch vụ, đơn vị, tổ chức phải có máy tính và kết nối mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử liên lạc với KBNN để nhận thông báo chấp nhận đăng ký sử dụng dịch vụ công và một số thông báo khác của KBNN trong quá trình sử dụng dịch vụ công; có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị cấp, trừ trường hợp đơn vị tham gia dịch vụ công để khai báo thông tin giao nhận hồ sơ; đã được KBNN cấp tài khoản đăng nhập và sử dụng các dịch vụ công của KBNN.

Giao dịch điện tử nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi NSNN của hệ thống KBNN. Giao dịch này còn có tác dụng minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử; giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho những người thực hiện công việc giao dịch với kho bạc. Đơn vị thực hiện giao dịch điện tử là đơn vị sử dụng NSNN và các ban quản lý dự án.

Thực trạng triển khai kiểm soát chi NSNN theo mô hình kho bạc điện tử

Khi thực hiện giao dịch điện tử, đơn vị có thể gửi hồ sơ, chứng từ điện tử qua dịch vụ công của KBNN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết. Lợi ích của giao dịch điện tử là có hệ thống cảnh báo kiểm soát chi quá thời hạn.

Đồng thời, giúp lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được tình trạng xử lý hồ sơ kiểm soát chi, làm tăng tính trách nhiệm đối với cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do thí điểm nên các đơn vị sử dụng ngân sách vẫn có thể áp dụng song song hai phương pháp giao dịch điện tử và giấy truyền thống.

Cả hai phương pháp trên đều có giá trị pháp lý như nhau. Đối với những tài liệu pháp lý chi đầu tư có dung lượng lớn hơn 5Mb, nên không thể tải lên được dịch vụ công, các đơn vị sử dụng ngân sách vẫn đến KBNN nộp hồ sơ trực tiếp.

Ngày 28/3/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, KBNN đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thí điểm giao dịch điện tử đối với dịch vụ công trên Cổng thông tin KBNN tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Trước đó giao dịch điện tử đối với dịch vụ công trên Cổng thông tin điện tử KBNN đã được triển khai thí điểm và thu được kết quả tốt tại các địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Nội dung triển khai thí điểm nhằm tập huấn cho công chức KBNN và các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư về quy trình, thao tác thực hiện trên các dịch vụ công trực tuyến của KBNN; thực hiện giao dịch điện tử đối với các dịch vụ công của KBNN trên Cổng thông tin điện tử KBNN; qua đó ghi nhận vướng mắc để tiếp tục hoàn thiện các quy trình, thủ tục có liên quan.

Sau thời gian thí điểm, các đơn vị có quan hệ với NSNN trên 5 địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ công trên Cổng thông tin điện tử KBNN tại địa chỉ: http://vst.mof.gov.vn.

Căn cứ thực tế triển khai thí điểm tại các địa bàn, KBNN sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và tuyên truyền đến các đơn vị đăng ký tham gia thực hiện thí điểm hoàn thành các thủ tục đăng ký chứng thư số với Ban cơ yếu Chính phủ để tham gia dịch vụ công một cách trọn vẹn

Cải cách các thủ tục pháp lý và hiện đại hóa công nghệ hướng tới kiểm soát chị NSNN điện tử

Trước hết, Luật NSNN sửa đổi năm 2002 và có hiệu lực từ năm ngân sách 2004 đã thay đổi căn bản công tác kiểm soát thanh toán, chi trả các khoản chi ngân sách của hệ thống KBNN.

Thay cho việc xuất quỹ chi trả theo yêu cầu của cơ quan tài chính thì hệ thống KBNN đã thực hiện việc kiểm soát thanh toán, đảm bảo các khoản chi NSNN phải tuân thủ nghiêm các điều kiện chi theo quy định của Luật NSNN; bên cạnh đó việc chuyển đổi hình thức cấp phát thanh toán các khoản chi NSNN từ hạn mức kinh phí (từ năm 2008 đối với chi đầu tư, và từ năm 2012 đối với chi thường xuyên) chuyển sang cấp phát thanh toán theo dự toán ngân sách năm được giao, theo đó công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN đã từng bước được cải cách theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt một số khâu và thủ tục không cần thiết cho cơ quan tài chính cũng như cơ quan chủ quản, tăng quyền chủ động và trách nhiệm cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư.

Đối với chi đầu tư, quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua hệ thống KBNN đã được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương với các bước kiểm soát, thanh toán được quy định rõ ràng, phù hợp với từng loại vốn như: Vốn quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án và thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, quy trình kiểm soát thanh toán còn bổ sung quy định cụ thể đối với việc kiểm soát, thanh toán các dự án nhiều nguồn vốn, thuộc nhiều cấp ngân sách; các dự án đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư; công trình đặc thù, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, công trình phục vụ an ninh, quốc phòng; đồng thời từng bước giảm bớt hồ sơ thủ tục thanh toán vốn đầu tư tại cơ quan KBNN từ 7 loại chứng từ trước đây xuống còn 4 loại chứng từ hiện nay (giảm 3 loại chứng từ).

Đối với chi thường xuyên, đã cải tiến theo hướng bỏ toàn bộ việc kiểm soát chi theo dự toán chi quý, thay vào đó là thực hiện kiểm soát chi theo dự toán ngân sách năm, trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chi NSNN.

Một số khoản chi nhỏ lẻ, dưới 20 triệu đồng được kiểm soát chi theo bảng kê chứng từ, nhằm tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách; đồng thời quy định rõ thời gian kiểm soát hồ sơ của công chức KBNN đối với từng khoản chi.

Xây dựng và hoàn thiện Chương trình tổng hợp báo cáo (Chương trình THBC_ĐTKB/LAN), qua đó đã thiết lập một hệ thống lưu trữ thông tin dữ liệu tập trung liên quan đến nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán các nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn TPCP, các chương trình mục tiêu Quốc gia, đáp ứng kịp thời yêu cầu tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất đảm bảo số liệu cung cấp chính xác thông qua việc đối chiếu khớp đúng số liệu giữa bộ phận kiểm soát chi và kế toán, phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính, lãnh đạo KBNN và các cấp chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 nay là Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN và KBNN ban hành Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư trong nước theo Quyết định số 567/QĐ-KBNN ngày 31/05/2012 của KBNN về việc ban hành quy chế kiểm soát nghiệp vụ kế toán trong hệ thống KBNN, theo đó đã thay đổi phương thức, cách thức thực hiện kiểm soát chi dựa trên nguyên tắc “Thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với từng lần thanh toán của công việc, hợp đồng thanh toán nhiều lần.

Từ đó kiểm soát chi đầu tư đã rút ngắn thời gian thanh toán đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ 7 ngày theo quy định còn 3 - 4 ngày làm việc.

Những vấn đề cần nghiên cứu nhằm hoàn thiện quy trình giao dịch điện tử

Hoàn thiện kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu chi NSNN

Để hoàn thiện việc kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu chi NSNN theo mô hình kho bạc điện tử, KBNN cần nhanh chóng triển khai việc khai báo và giao nhận hồ sơ kiểm soát chi trên Cổng thông tin điện tử KBNN thay cho việc giao nhận hồ sơ giấy tại quầy giao dịch như hiện nay.

Trên Cổng thông tin điện tử KBNN, hồ sơ và chứng từ chi NSNN được thiết kế mẫu theo đúng mẫu quy định với đầy đủ các tiêu chí thông tin trên hồ sơ, chứng từ, các đơn vị sử dụng ngân sách có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của KBNN để lập và nộp hồ sơ trực tuyến.

Kiểm soát tính pháp lý của chữ ký điện tử của đơn vị sử dụng ngân sách

Khi triển khai thực hiện việc giao nhận hồ sơ kiểm soát chi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử KBNN, toàn bộ hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi sẽ được số hóa và lưu trữ dưới dạng dữ liệu điện tử, lúc này chữ ký tươi của thủ trưởng và kế toán đơn vị cũng như con dấu sẽ không thể đưa vào gắn kèm hồ sơ, tài liệu nữa mà thay vào đó sẽ là chữ ký điện tử của thủ trưởng và kế toán đơn vị sử dụng ngân sách.

Chữ ký điện tử chứa đựng những thông tin thể hiện đầy đủ tính pháp lý như: Họ và tên người ký; số chứng minh thư nhân dân của người ký; đơn vị công tác của người ký; chức vụ của người ký; thời gian ký...

Việc ứng dụng chữ ký số trong quá trình kiểm tra, kiểm soát hồ sơ kiểm soát chi điện tử, ký duyệt kết quả xử lý hồ sơ sẽ giảm thời gian đi lại của đơn vị do không cần làm việc trực tiếp tại KBNN đồng thời làm tăng tốc độ xử lý hồ sơ của cán bộ KBNN, đảm bảo chính xác tuyệt đối tính pháp lý của chữ ký điện tử, mang lại hiệu quả cao trong việc giải quyết hồ sơ kiểm soát chi NSNN.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hoàn thiện kiểm soát chi NSNN

Đối với công chức nghiệp vụ: Để triển khai thành công kiểm soát chi NSNN theo mô hình kho bạc điện tử thì nhiệm vụ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của KBNN là hết sức quan trọng, cần phải được quan tâm và chú trọng hàng đầu từ khâu tuyển dụng, quy hoạch,đào tạo và đào tạo lại cũng như bố trí sắp xếp công chức cho phù hợp với từng vị trí công tác; đồng thời đòi hỏi mỗi công chức KBNN phải nỗ lực rèn luyện, học tập và lao động sáng tạo, thay đổi nhận thức tư duy mới để thích nghi với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng sử dụng phần mềm ứng dụng và trang bị, cập nhật thường xuyên kiến thức về CNTT và phẩm chất công chức KBNN là nhân tố quan trọng nhất nhằm tìm kiếm, sử dụng và phát huy cao năng lực, phẩm chất có trong mỗi cán bộ..

Đối với công chức chuyên trách về CNTT: Việc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý hệ thống thông tin là các nhân tố cơ bản cần phát triển đồng thời với việc hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ trong quá trình phát triển kho bạc điện tử.

Thực hiện đào tạo nguồn nhân lực CNTT tập trung vào các chuyên môn kỹ thuật CNTT trọng tâm như: Quản trị cơ sở dữ liệu OCP của Oracle; quản trị mạng CCNA; quản trị mạng nâng cao CCNP; an toàn bảo mật cơ bản SCNP; an toàn an ninh thông tin CISSP; kiến thức về điện toán đám mây trong tương lai; nghiên cứu phát triển ứng dụng và quản trị vận hành các chương trình ứng dụng trong hệ thống KBNN.

Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện tốt kiểm soát chi NSNN

Xây dựng và đưa các chương trình phần mềm phục vụ cho công tác thanh toán, báo cáo và đặc biệt là kiểm soát chi NSNN như: Chương trình tổng hợp và thông báo kế hoạch vốn đầu tư; kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, kiểm soát thanh toán theo dự toán, tổng hợp thông tin báo cáo...

Nâng cấp mạng nội bộ trong hệ thống KBNN, trang bị các chương trình xử lý thông tin. Từ đó đảm bảo cho mỗi KBNN tỉnh, thành phố là một trung tâm xử lý thông tin, là nơi quản lý dữ liệu hoàn chỉnh của tỉnh, thành phố. Tại KBNN cấp trên sẽ là một ngân hàng dữ liệu, cho phép các bộ phận nhiệp vụ khai thác, tổng hợp, phân tích để phục vụ cho công tác chuyên môn của mình, đặc biệt là lĩnh vực quản lý và kiểm soát chi NSNN qua mạng.

Bên cạnh đó KBNN cũng cần phối hợp với các cơ quan hữu quan như thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng... để hoàn thiện và nâng cao năng lực của đội ngũ công chức quản trị vận hành hệ thống trao đổi thông tin giữa các cơ quan đảm bảo việc trao đổi dữ liệu thu, chi ngân sách, đối chiếu, theo dõi các số liệu về thu, chi NSNN được an toàn, kịp thời, chính xác.

Xây dựng phần mềm kiểm soát chi NSNN theo mô hình kho bạc điện tử.

Hiện tại việc kiểm soát chi thường xuyên đang được KBNN thực hiện trên Hệ thống TABMIS. Từ việc lập dự toán, phân bổ dự toán và hệ thống tiêu chuẩn định mức chi thường xuyên được đưa vào TABMIS làm căn cứ kiểm soát chi.

Khi đơn vị sử dụng ngân sách mang hồ sơ, tài liệu chi thường xuyên đến KBNN, công chức kiểm soát chi sẽ nhập dữ liệu trong hồ sơ, tài liệu của đơn vị vào TABMIS để thực hiện kiểm soát chi thường xuyên.

Tiếp tục trong thời gian tới, khi KBNN triển khai 3 dịch vụ công trên Cổng thông tin điện tử KBNN trong đó có dịch vụ giao nhận hồ sơ kiểm soát chi, KBNN cần phát triển thêm một chức năng trên Cổng thông tin điện tử sau khi nhận hồ sơ, tài liệu điện tử của đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến, sẽ truyền các dữ liệu trong hồ sơ, tài liệu của đơn vị sang TABMIS để thực hiện kiểm soát chi, công chức kiểm soát chi không phải nhập dữ liệu trong hồ sơ, tài liệu của đơn vị vào TABMIS nữa.

Như vậy, toàn bộ quy trình chi thường xuyên sẽ được tin học hóa, đáp ứng đầy đủ yêu cầu kiểm soát chi thường xuyên theo mô hình kho bạc điện tử.

Đối với kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản, do hệ thống tiêu chuẩn, định mức chi rất phức tạp, dự án kéo dài từ năm này sang năm khác, TABMIS có một số tồn tại không thể đáp ứng được kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản trên TABMIS nên thực tế hiện nay phần lớn các công việc phải kiểm tra kiểm soát thủ công, công chức kiểm soát chi phải đối chiếu dữ liệu trên hồ sơ, tài liệu của đơn vị mang đến KBNN với hệ thống tiêu chuẩn định mức chi đầu tư xây dựng cơ bản trên các văn bản giấy tờ.

Việc kiểm soát chi thủ công này không những mất rất nhiều thời gian  mà còn có thể còn phát sinh tiêu cực nhũng nhiễu trong quá trình kiểm tra kiểm soát.

Giải pháp cho vấn đề này là xây dựng một phần mềm kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh, có kết nối với Cổng thông tin điện tử KBNN để nhận hồ sơ, tài liệu do đơn vị sử dụng ngân sách lập gửi đến KBNN, đồng thời có kết nối với hệ thống TABMIS và các phần mềm khác để trao đổi dữ liệu về dự toán (kế hoạch vốn), dữ liệu về tiêu chuẩn định mức chi đầu tư xây dựng cơ bản, dữ liệu danh mục hệ thống và các dữ liệu về chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Từ các vấn đề trên, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, chế độ về quản lý, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư của KBNN phù hợp với Luật Xây dựng và trên nguyên tắc, xác định rõ phạm vi, đối tượng, nội dung kiểm tra và quy trình luân chuyển chứng từ một cách nhanh gọn, tránh qua nhiều khâu trung gian không cần thiết.

Điều hành một cách linh hoạt, nhanh chóng và kiểm soát chi NSNN qua KBNN được nhiều thuận lợi, hoàn thành nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống KBNN.