Kiện toàn bộ máy hệ thống Kho bạc Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 10/2018

Với các kết quả đạt được trong công tác đổi mới, sắp xếp bộ máy trong toàn hệ thống theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, Kho bạc Nhà nước tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020, tiến hành đặt nền móng xây dựng chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Kho bạc Nhà nước là chủ động tổ chức bộ máy, hiện đại hóa về mặt công nghệ trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa nền tài chính.

Từ ngày 1/6/2018, 43 phòng giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh sẽ bị giải thể. Việc giải thể này không ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ tại KBNN.
Từ ngày 1/6/2018, 43 phòng giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh sẽ bị giải thể. Việc giải thể này không ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ tại KBNN.

Sắp xếp, tinh gọn, kiện toàn bộ máy

Thực  hiện  Kết  luận  số  64-KL/TW  ngày  28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, thời gian qua, Đảng ủy cơ quan Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phối hợp với Lãnh đạo đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống và tổ chức thực hiện  một  số  giải  pháp  đổi mới,  sắp  xếp  bộ  máy  của toàn hệ thống KBNN theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Trong đó, các giải pháp được tập trung thực hiện gồm: Kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống KBNN theo Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 8/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN.

Tính đến nay, hệ thống  KBNN  đã  rà  soát,  cắt  giảm  122  phòng  thuộc KBNN cấp tỉnh và tinh giản trên 1.900 tổ tại KBNN cấp huyện; Xây dựng và trình Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt Đề án giải thể 43 phòng giao dịch tại KBNN cấp tỉnh xóa bỏ gần 1.300 đơn vị cấp tổ tại các KBNN cấp huyện trên toàn quốc theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, KBNN đã triển khai đồng bộ công tác quản lý biên chế và sắp xếp tinh gọn đội ngũ công chức. Theo thống kê, biên chế công chức của hệ thống KBNN hiện nay đã giảm được 843 chỉ tiêu so với thời điểm năm 2015, đạt 53% theo kế hoạch cắt giảm (tối thiểu 10%) chỉ tiêu biên chế được  giao  đến  năm  2021,  theo  đúng  tinh  thần  Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Nhìn chung, việc cắt giảm các đầu mối cấp phòng, cấp tổ, đội đi đôi với việc cắt giảm các chức danh lãnh đạo trong toàn hệ thống KBNN đã góp phần tiết kiệm đáng  kể  cho  ngân  sách  nhà  nước,  đồng  thời  từng bước thay đổi nhận thức và tư duy quản lý của cán bộ KBNN.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống

Điểm lại một số kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách thời gian qua của hệ thống KBNN, theo Tổng Giám đốc KBNN, KBNN đã bước đầu thực hiện thành công và tiếp tục xây dựng hệ thống KBNN hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn với đầy đủ các chức năng theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, KBNN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các bước của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, trong đó, tiến hành đặt nền móng xây dựng chiến lược phát  triển  KBNN  đến  năm  2030.  Theo  đó,  nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBNN được Chính phủ, Bộ Tài chính giao là chủ động xây dựng hệ thống KBNN với chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy; hiện đại hóa công nghệ theo xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa ngành Tài chính.

Hệ thống KBNN tiếp tục rà soát, xây dựng Đề án cơ cấu, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc và trực thuộc từ cơ quan KBNN ở Trung ương đến  cấp  tỉnh,  cấp  huyện  theo  lộ  trình,  phù  hợp  với công  tác  cải  cách  hành  chính  và  yêu  cầu  trong  quản lý.

Cụ thể, cơ quan KBNN ở Trung ương có 12 đơn vị hành chính (vụ, cục, văn phòng) và 2 đơn vị sự nghiệp. Các vụ tham mưu được tổ chức làm việc theo chế độ chuyên viên, không có phòng. Đối với văn phòng, các cục và đơn vị sự nghiệp hiện có 32 phòng chức năng, KBNN sẽ thực hiện cắt giảm 4 phòng hiện có nhiệm vụ đan xen tại các đơn vị.

Tại 63 KBNN tỉnh, thành phố hiện nay, KBNN tiếp tục  rà  soát,  sắp  xếp  nhiệm  vụ  giữa  các  phòng  thuộc KBNN  cấp  tỉnh  và  cải  cách  quy  trình  nghiệp  vụ, hướng đến phục vụ tốt nhất các đơn vị và cá nhân giao dịch với hệ thống KBNN. Để đạt được mục tiêu này, KBNN tiếp tục sắp xếp, cắt giảm số phòng chức năng tại  cơ  quan văn  phòng KBNN  cấp  tỉnh  (từ 7  phòng hiện  nay  giảm  xuống  còn  5  phòng).  Tổng  số  phòng được  cắt  giảm  tại  KBNN  cấp  tỉnh  sẽ  là  126  phòng, dự kiến hoàn thành trong khoảng thời gian từ quý IV/2018 đến quý I/2019. Tại KBNN cấp huyện, nhằm thống nhất mô hình quản lý, KBNN tiếp tục sắp xếp kiện toàn KBNN cấp huyện theo hướng quản lý, chỉ đạo điều hành theo chế độ chuyên viên...

Chủ động nguồn lực, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ

Năm tài khóa 2018 kết thúc, trong khi khối lượng công  việc  của  hệ  thống  KBNN  cần  phải  hoàn  thànhcòn rất lớn, nhất là thời điểm khóa sổ cuối năm, điều này đòi hỏi hệ thống KBNN cần phải tập trung hơn nữa sức mạnh, trí tuệ tập thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Cụ thể các đơn vị thuộc và trực thuộc KBNN cần chú trọng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Đối với các đơn vị thuộc KBNN: Cần rà soát lại kế hoạch  và  tập  trung  nguồn  lực  để  hoàn  thành  về  cơ bản các đề án, chính sách thuộc chương trình công tác. Đồng thời, chuẩn bị tốt công tác khóa sổ cuối năm 2018, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền và tài sản nhà nước giao quản lý. Năm 2018 là năm thứ 2 thực hiện Luật  Ngân  sách  Nhà  nước  (NSNN)  2015,  do  vậy  sẽ còn những vướng mắc liên quan đến công tác chuyển nguồn... Vì vậy, Cục Kế toán Nhà nước sớm  có văn bản hướng dẫn hệ thống về nội dung này. Cục Công nghệ thông tin chủ động xây dựng kịch bản xử lý các tình huống có thể xảy ra vào thời điểm cuối năm, đảm bảo  hệ  thống  TABMIS  cũng  như  các  hệ  thống  ứng dụng khác hoạt động ổn định, thông suốt.

- Đối với KBNN các tỉnh, thành phố: Chủ động tham mưu, báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình, số liệu thu, chi NSNN trên địa bàn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan thu trên địa bàn để tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, đồng thời thực hiện điều tiết cho các cấp  ngân  sách  đảm  bảo  chính  xác,  đúng  quy  định.

Kiểm  soát  chi  NSNN  đảm  bảo  chặt  chẽ,  đúng  quy định, đặc biệt lưu ý đối với các khoản chi thanh toán cá nhân, chi bằng tiền mặt, chi mua sắm xe ô tô, các khoản chi phải có trong dự toán được duyệt. Khẩn trương đôn đốc các chủ đầu tư thu hồi vốn tạm ứng; đồng thời, làm thủ tục thu hồi vốn đã ứng trước theo đúng quy định.

- Về chuẩn bị cho công tác khóa sổ cuối năm: Tổng Giám đốc  KBNN  yêu  cầu  các  Thủ  trưởng  đơn  vị  chỉ  đạo công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN cuối năm được kịp thời, chặt chẽ, an toàn, đúng chế độ quy định; thực hiện công tác khóa sổ, mở sổ, chuyển nguồn  kinh  phí,  phân  luồng  trên  Hệ  thống  TABMIS theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và KBNN.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị;
  2. Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về

tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở;

  1. Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
  2. Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 8/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy

định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN.

  1. Các website: mof.gov.vn, vst.mof.gov.vn, thoibaotaichinhvietnam.vn,

tapchitaichinh.vn…