Kịp thời tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP

PV.

Để kịp thời xử lý những vướng mắc xung quanh việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Cục hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn cụ thể, xử lý vướng mắc liên quan...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Hải quan, ngay sau khi Nghị định 15/2018/NQ-CP được ban hành, Tổng cục Hải quan chủ động tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính về các vướng mắc bất cập liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh. 

Mới đây, Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) tổ chức cuộc họp, làm việc với Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế để làm rõ các vướng mắc khi triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Trên cơ sở các vướng mắc, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị hải quan thống nhất thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP; đồng thời, tổng hợp lại tất cả các vướng mắc và có văn bản chuyển các cơ quan chuyên ngành để các cơ quan chuyên ngành có ý kiến bằng văn bản cụ thể.

Thực tế, khi triển khai Nghị định mới đã phát sinh nhiều vướng mắc cần được các cơ quan hữu quan tháo gỡ để cơ quan Hải quan thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp và tránh “mang tiếng” làm khó doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Cụ thể, tại Điều 16, 18, 19 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định phương thức kiểm tra giảm áp dụng tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng một năm do cơ quan Hải quan lựa chọn ngẫu nhiên và thực hiện kiểm tra hồ sơ.

Theo Cục Giám sát quản, quy định này hiện chưa thể thực hiện được bởi, để xác định được số lượng 5% tổng số lô hàng áp dụng phương thức kiểm tra giảm cần có dữ liệu thống kê về tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng một năm tính từ ngày Nghị định 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực.

Tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng chưa đưa ra quy định cụ thể một số giấy tờ phải nộp là bản chính hay bản sao có chứng thực hay bản photo có xác nhận của doanh nghiệp, số lượng bao nhiêu. Cụ thể như: Bản tự công bố sản phẩm, ba Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu liên tiếp theo phương thức kiểm tra thông thường.

Vấn đề đặt ra là, đối với hàng hóa thực phẩm nhập khẩu, cơ quan kiểm tra nhà nước được quý bộ quản lý chuyên ngành giao hoặc chỉ định thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra theo phương thức thông thường và thực hiện kiểm tra đối với lô hàng, mặt hàng nhập khẩu; Cơ quan Hải quan không có thông tin dữ liệu về doanh nghiệp, mặt hàng được áp dụng phương thức kiểm tra giảm đề lựa chọn ngẫu nhiên tối đa 5% lô hàng để kiểm tra; Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu NK mà DN nộp có phải là liên tiếp hay không; Hàng hóa có phải được sản xuất tại cơ sở áp dụng hệ thống GMP, HACCP... hay không?

Bên cạnh đó, theo Điều 15, 18, 19, 37, 38, 39 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có trách nhiệm giao hoặc chỉ định cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan Hải quan chưa nhận được danh sách này do các bộ giao hoặc chỉ định. Do đó, khi làm thủ tục nhập khẩu không thể xác định được cơ quan nào có đủ thẩm quyền cấp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt hay không đạt yêu cầu nhập khẩu theo quy định của Nghị định.

Và vấn đề đặt ra là, các cơ quan đã được chỉ định thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP có được tiếp tục thực hiện kiểm tra theo quy định của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hay không?

Theo đó, để giải quyết vấn đề này, trước măt, các bộ quản lý chuyên ngành liên quan cần chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu các tổ chức, cá nhân, sản phẩm đáp ứng đủ điều kiện được áp dụng phương thức kiểm tra giảm, cung cấp cho cơ quan Hải quan. Qua đó, cơ quan Hải quan đưa vào hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử, áp dụng chế độ tự động kiểm tra, không yêu cầu tổ chức, cá nhân phải nộp cho từng lần làm thủ tục nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan.

Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, và Bộ Công Thương thông báo danh sách các tổ chức, cá nhân, sản phẩm được áp dụng phương thức kiểm tra giảm để cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan theo quy định của pháp luật hải quan. 

Để kịp thời xử lý kịp thời vướng mắc, đại diện Tổng cục Hải quan cho viết, không cần chờ văn bản kiến nghị của doanh nghiệp đã có văn bản hướng dẫn hải quan địa phương xử lý ngay vướng mắc...

Cụ thể, ngày 09/3/2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 1267/TCHQ-QLGS về việc thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn về sản phẩm, nguyên liệu được miễn thủ tục tự công bố sản phẩm và miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm; về Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm).

Theo đó, Công văn cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổng hợp, báo cáo Tổng cục để có hướng dẫn cụ thể.