Kỳ vọng 2 năm tới, quy mô xuất nhập khẩu sẽ đạt mốc 500 tỷ USD

Thái Hằng

Kể từ thời điểm ghi nhận xuất nhập khẩu chạm mốc 100 tỷ USD (ngày 1/12/2007) đến nay, sau 10 năm, con số này đã tăng gấp 4 lần, đạt mốc 400 tỷ USD. “Đây là kỳ tích, chắc chắn vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới tiếp tục thay đổi, bởi dự tính cả năm 2017 sẽ là 410 tỷ USD”, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định tại Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD diễn ra chiều ngày 19/12/2017 tại Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính).

Toàn cảnh Lễ ghi nhận XNK hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD, ngày 19/12/2017.
Toàn cảnh Lễ ghi nhận XNK hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD, ngày 19/12/2017.

Quy mô xuất nhập khẩu tăng gấp 4 lần, sau 10 năm gia nhập WTO

Nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động XNK. Cụ thể: Bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch XNK của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD.

Thế nhưng, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thứ hạng về XNK của Việt Nam trên bản đồ thế giới cũng ghi nhận sự chuyển biến theo chiều hướng tăng lên.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đã tăng từ vị trí 50 năm 2007 lên vị trí 26 năm 2016; Nhập khẩu của Việt Nam cũng từ vị trí thứ 41 (năm 2007) tăng lên vị trí 25 vào năm 2016 và theo đà này chắc chắn vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới sẽ còn tiếp tục thay đổi trong năm 2017.

Kỳ vọng 2 năm tới, quy mô xuất nhập khẩu sẽ đạt mốc 500 tỷ USD  - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Lễ ghi nhận XNK hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD, ngày 19/12/2017.
Tổng kim ngạch XNK cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD vào năm 2007; Bốn năm tiếp theo, (đến năm 2011), kim ngạch XNK tiếp tục lập mốc 200 tỷ USD và ghi nhận con số 300 tỷ USD vào năm 2015. Tính đến giữa tháng 12/2017, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đã chính thức lập kỳ tích mới, đạt mốc 400 tỷ USD (hơn 9 triệu tỷ đồng). Như vậy, sau 10 năm gia nhập WTO, quy mô xuất nhập khẩu tăng gấp 4 lần, từ 100 tỷ USD lên 400 tỷ USD.

Sự kiện XNK lập mốc 400 tỷ USD đã khẳng định đường lối hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng  và Chính phủ nhất quán, kiên trì thực hiện xác định trong 20 năm qua là đúng đắn; Là dấu mốc ghi nhận nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, cùng sự chia sẻ, hợp tác và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp (DN), các hiệp hội ngành hàng trong thời gian qua…

Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp và nỗ lực của ngành Hải quan đối với thành tích XNK đạt mốc 400 tỷ USD, phát biểu tại buổi Lễ ghi nhận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị: Bộ Tài chính nói chung và ngành Hải quan nói riêng cần chủ động hơn nữa trong việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan theo Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chuyển mạnh tiền kiểm sang hậu kiểm; Nâng cao hoạt động hệ thống hải quan điện tử, thanh toán điện tử; Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ; Nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh XNK, xuất nhập cảnh.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, mở rộng thực hiện thủ tục hành chính về XNK qua cơ chế 1 cửa quốc gia; Tiếp tục cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành theo tinh thần các Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm tiết giảm hơn nữa thời gian thông quan cho DN.

“Năm 2017 chúng ta xác định là năm giảm chi phí thông quan cho DN, thì năm 2018 chúng ta sẽ tiếp tục quá trình này, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu.

Đối với các bộ, ngành địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu; Triển khai đầy đủ các biện pháp tạo thuận lợi thương mại; Khắc phục kịp thời những bất cập trong công tác kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại,kịp thời hỗ trợ DN, thúc đẩy hoạt động kinh doanh…

Tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho DN

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết: '"Thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, tổ chức triển khai cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động XNK hàng hóa'".

Kỳ vọng 2 năm tới, quy mô xuất nhập khẩu sẽ đạt mốc 500 tỷ USD  - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Lễ ghi nhận XNK hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD, ngày 19/12/2017.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, Bộ Tài chính đã cùng các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhiệm vụ theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014 đến nay) nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch cho người dân và DN, qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa.

Về triển khai thực hiện giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan đẩy nhanh các đề án, dự án cải cách thủ tục hành chính hiện đại hóa hải qua và đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau: 100% quy trình thủ tục cơ bản được thực hiện tự động với 99% tờ khai hải quan; 99% kim ngạch XNK được xử lý thông qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS tại 100% đơn vị trong hệ thống Hải quan; Thời gian thông quan hàng hóa luồng xanh không quá 3 giây.

Bên cạnh đó, đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN với sự tham gia của 11 bộ, ngành với 41 thủ tục hành chính đã cho phép chia sẻ và xử lý thông tin, quản lý về hàng hóa XNK một cách tự động, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho DN, đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Thực hiện nộp thuế bằng phương thức điện tử thông qua 35 ngân hàng thương mại, gần đây Tổng cục Hải quan đã ký kết với 5 ngân hàng thương mại lớn, thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7. Đưa cổng thông tin, tờ khai điện tử hải quan chính thức hoạt động vào tháng 3/2017, qua đó đã cung cấp thông tin, tờ khai hải quan điện tử cho các cơ quan, tổ chức liên quan, giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai thí điểm hệ thống quản lý hàng hóa tại một số cục Hải quan như Hà Nội, Hải Phòng, qua đó tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa của DN…

Trước những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của cộng đồng DN, của quá trình hội nhập quốc tế, đòi hỏi ngành Tài chính nói chung và cơ quan Hải quan nói riêng cần phải có những nỗ lực mới, biện pháp mới để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa, Bộ Tài chính cam kết: Tiếp tục cùng các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương nỗ lực hợp tác, phối hợp hoạt động và đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc của cộng đồng DN;

Đồng thời, tập trung thực hiện những nhiệm vụ giải pháp, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thu hút đầu tư, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN khi làm các thủ tục XNK hàng hóa với mục tiêu sẽ đón nhận những kỷ lục mới về cả chất và lượng XNK hàng hóa cũng như cán mốc 500 tỷ USD trong 2 năm tới.