Ngành Tài chính:

Làm tốt công tác thanh, kiểm tra và xây dựng chính sách

PV.

Đi đầu trong thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ, ngành Tài chính đã thực hiện rất sát sao nhiều công việc liên quan, đặc biệt, nỗ lực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thu hồi nợ đọng thuế.

Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, tạo điều kiện thông thoáng cho sản xuất kinh doanh... là nhiệm vụ của ngành Tài chính. Nguồn ảnh: internet
Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, tạo điều kiện thông thoáng cho sản xuất kinh doanh... là nhiệm vụ của ngành Tài chính. Nguồn ảnh: internet

Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra

Lãnh đạo Bộ thường xuyên giao ban, chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan, Thanh tra Bộ thực hiện hàng loạt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, giảm nợ đọng và thu hồi nợ thuế; tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, doanh nghiệp có giao dịch liên kết, kinh doanh thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng thương hiệu, chuyển giá...

Kết quả cụ thể tính đến tháng 11/2015:

- Cơ quan Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 60 nghìn doanh nghiệp, đạt 73,2% kế hoạch năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2014; số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra gần 10 nghìn tỷ đồng, đã nộp NSNN khoảng 7 nghìn tỷ đồng; đồng thời, đã xử lý khoảng 18,9 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế từ năm 2014 chuyển sang;

- Cơ quan Hải quan đã thực hiện khoảng 2500 cuộc kiểm tra sau thông quan, bằng 81% kế hoạch đề ra; xử lý truy thu vào NSNN 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2014.

- Từ đầu năm đến ngày 15/11/2015, Thanh tra Bộ đã kiến nghị xử lý về tài chính, với số tiền 1.893 tỷ đồng; Kiến nghị xử lý tài chính đối với các kết luận đã lưu hành năm 2013, 2014, 2015, với số tiền 810 tỷ đồng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý thuế, hải quan, tài chính - ngân sách, tiền, tài sản nhà nước để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và xây dựng chính sách góp phần hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2015 và các năm tiếp theo.

Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh

Để tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, bên cạnh việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản pháp luật thuế mới; Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan, KBNN đẩy mạnh công tác với hiện đại hóa, ứng dụng CNTT trong quy trình nghiệp vụ, trong đó nổi bật là hải quan điện tử, kê khai, thu, nộp thuế điện tử, cụ thể:

- Triển khai thủ tục hải quan và nộp thuế điện tử 100% tại các Cục, Chi cục Hải quan trên cả nước.

- Triển khai khai thuế, nộp thuế điện tử tại các Cục thuế địa phương trên cả nước, với 98% doanh nghiệp khai thuế điện tử, trên 26 triệu hồ sơ; 91% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, số tiền đã nộp NSNN bằng phương thức điện tử là trên 86 nghìn tỷ đồng.

- Cơ bản hoàn thành việc triển khai thanh toán song phương điện tử tập trung với các ngân hàng thương mại trên toàn quốc và kết nối thanh toán liên ngân hàng.

Quản lý chi tiêu NSNN chặt chẽ

Quán triệt chủ trương chặt chẽ, tiết kiệm trong sử dụng kinh phí NSNN năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ chi mua sắm xe ô tô công, máy móc, trang thiết bị làm việc.

Điều chỉnh giá cả, lệ phí linh hoạt

Bám sát diễn biến thị trường thế giới, trên cơ sở chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở, trong tháng 11, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương 2 lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu phù hợp với thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tính chung sau 2 lần điều chỉnh, giá xăng Ron 92 giảm 950 đồng/lít, dầu diesel 0,05S giảm 430 đồng/lít, dầu hỏa giảm 360 đồng/lít và dầu mazut giảm 400 đồng/lít so với cuối tháng 10.

Bộ Tài chính đã có công văn số 16236/BTC-QLG ngày 3/11/2015 về điều chỉnh học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, trong đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tác động của việc điều chỉnh học phí để có kế hoạch điều phối việc thực hiện giữa các địa phương (nên tránh điều chỉnh học phí tại các thành phố lớn, nhất là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào cùng một thời điểm) nhằm hạn chế tác động đột biến đến chỉ số giá tiêu dùng chung và tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Có thể nói, công tác rà soát, nắm bắt nguyện vọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân để bổ sung, sửa đổi các chính sách chế độ, xây dựng các quyết định trình Chính phủ ban hành nhằm điều tiết các hoạt động kinh tế, tài chính của các bộ, ngành cho phù hợp luôn được ngành (Bộ) Tài chính chú trọng, làm tốt.