Lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Sáng ngày 16/5, tại TP. Hải Dương, Bộ Tài chính phối hợp với Liên minh quốc tế phòng chống Lao và Bệnh phổi (The Union) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Tham dự hội thảo có đại diện của Bộ Công Thương; Bộ Y tế; Bộ Tư pháp; một số cục thuế địa phương; Hiệp hội rượu, bia, thuốc lá; Ngân hàng Thế giới; Tổ chức Y tế thế giới.

Lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: internet
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Thuế TTĐB hiện hành được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực thi hành từ 1/4/2009 thay thế Luật thuế TTĐB năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB năm 2003 và 2005.

Sau gần 5 năm thực hiện Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12, cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành Luật, cụ thể như: Thuế TTĐB đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách nhà nước một cách hợp lý.

Những chính sách điều tiết này phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, góp phần hình thành một xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh và công bằng hơn. Những chính sách điều tiết này phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, góp phần hình thành một xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh và công bằng hơn. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước hiện nay và trong thời gian tới, Luật Thuế TTĐB đã bộc lộ những vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung để ngày càng được hoàn thiện hơn.

Tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính dự định bổ sung mặt hàng nước ngọt có ga không cồn và tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia để định hướng tiêu dùng. Dự thảo này đã được Bộ Tài chính gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và ý kiến thẩm định của Bộ Tư Pháp.

Qua tổng hợp ý kiến trong quá trình xây dựng, soạn thảo và thẩm định dự án Luật sửa đổi cho thấy: về thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn có 69/71 ý kiến tham gia bằng văn bản, nhất trí bổ sung nước ngọt có ga không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB (trong đó 17/17 Bộ, ngành; 41/41 địa phương; 11/13 tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp nhất trí); Về thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá thì đại đa số ý kiến tham gia bằng văn bản nhất trí với dự thảo Bộ Tài chính dự kiến tăng mức thuế suất một số mặt hàng cần hạn chế sử dụng như thuốc lá (tăng từ 65% lên 75% và có lộ trình tăng thêm 10% áp dụng từ năm 2018); bia (tăng từ 50% lên 65% hoặc tăng thuế có lộ trình trong 3 năm từ 50% lên 55% áp dụng 1/7/2015; 60% từ 1/1/2017; lên 65% từ 1/1/2018), rượu (tăng từ 50% lên thuế suất 65% đối với rượu từ 20 độ trở lên, từ 25% lên 35% đối với rượu dưới 20 độ).

Ngoài ra, tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe một số chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu quốc tế về phòng chống buôn lậu; về việc đánh thuế đối với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn, thuốc lá, rượu, bia…

Cũng tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng chính sách thuế TTĐB chỉ có thể phát huy hiệu quả khi công tác quản lý thuế, quản lý thị trường, chống buôn lậu được tăng cường, đảm bảo hiệu lực thực thi chính sách thuế.

Kết thúc Hội thảo, ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, bên cạnh những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, Ban soạn thảo mong rằng các đại biểu tham gia Hội thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB để trình Chính phủ trong thời gian tới đây để sớm đi vào cuộc sống.