Lợi ích cho nền kinh tế nhiều hơn khi giá dầu giảm

Đỗ Hoàng

(Tài chính) Giá xăng dầu thế giới giảm sâu trong năm 2014 đã gây ra những lo ngại kim ngạch xuất khẩu dầu và thuế nhập khẩu giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, giá dầu giảm có lợi cho kinh tế Việt Nam nhiều hơn.

Với dự báo giá dầu xuống 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
Với dự báo giá dầu xuống 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo tính toán tổng hợp, giá dầu giảm có lợi nhiều hơn có hại, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,2% năm 2015 vẫn khả thi. Với dự báo giá dầu xuống 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng và như vậy ngân sách hoàn toàn có khả năng cân đối mà không làm đảo lộn các nhiệm vụ thu chi.

Hụt thu ngân sách có đáng lo ngại?

Tháng 11/2014, Quốc hội thông qua dự toán NSNN năm 2015 với tổng thu cân đối trên 921.000 tỷ đồng (kể cả thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang) và tổng chi cân đối là 1,147 triệu tỷ đồng. Các cân đối ngân sách này được tính toán dựa trên cơ sở thu nội địa (gồm cả xuất khẩu dầu thô) dự kiến sẽ tăng 13,4% so với năm 2014 khi giá dầu thô quốc tế dự toán khoảng 100 USD/thùng.

Hơn ba tháng qua, giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh, phổ biến ở mức dưới 60 USD/thùng, thậm chí có thời điểm “rớt” giá dưới 50 USD/thùng. Theo đại diện Bộ Công Thương, nếu giá dầu ở mức 40 USD/thùng thì hoạt động sản xuất, xuất khẩu dầu thô phải giảm từ 1,8 - 2 triệu tấn. Như vậy, kế hoạch năm 2015 về khai thác dầu thô ở trong nước là 14,74 triệu tấn dầu, thậm chí có thể chỉ đạt 13,08 triệu tấn nếu giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng. Đó là chưa kể tác động tới những dự án đầu tư lớn ở trong và ngoài nước về khai thác, hóa dầu.

Đánh giá tác động tới nguồn thu ngân sách khi giá dầu giảm mạnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, nếu giá dầu giảm 1 USD/một thùng dầu thì Việt Nam mất gần 1.000 tỷ đồng. Nếu chạm ngưỡng 40 USD/thùng, Việt Nam sẽ giảm thu gần 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế và tiền đóng thuế có thể bù đắp cho khoản hụt thu này, nên khi giá dầu giảm ở mức 60 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu 1.500 tỷ đồng; nếu 50 USD/thùng, ngân sách hụt thu 9.500 tỷ đồng và nếu 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu 11.500 tỷ đồng.

Giá dầu thô giảm mặc dù ảnh hưởng đến thu ngân sách, song, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, bù lại nền kinh tế sẽ tự chủ hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và chi tiêu cũng dần hướng tới tiết kiệm.

Lợi ích tổng thể cho kinh tế

Trên thực tế, người dân và toàn xã hội đang được hưởng lợi rất nhiều khi giá xăng dầu thế giới và trong nước giảm mạnh. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, giá dầu giảm sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá bán sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo ra vòng lan tỏa kéo dài trong nền kinh tế, kích thích tổng cầu, khiến nền kinh tế được kích hoạt và mở rộng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, giá dầu có thể ổn định ở mức thấp dài hạn (không phải yếu tố chính trị, mà đây là thành tựu công nghệ thực sự). Rất có thể các nước khác sẽ bắt chước Mỹ để phát triển công nghệ sản xuất xăng sinh học và khi nó thành đại trà thì triển vọng giá dầu thế giới có thể duy trì mức thấp khá dài.

Trên cơ sở đó, với điều kiện chính sách tiền tệ không còn dư địa, chính sách tài khóa bị giới hạn do nợ công thì giá dầu giảm là gói kích thích đối với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Giá dầu giảm sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất mạnh, giúp phục hồi tổng cầu của nền kinh tế. Khi tất cả các doanh nghiệp đều phục hồi thì ngân sách thu được từ thuế và lợi tức, nhờ đó kinh tế sẽ phục hồi trở lại thì thương mại tăng lên, cầu tăng lên còn thu được thuế hàng hóa, thuế giá trị gia tăng. Tức là giảm thu trực tiếp từ dầu nhưng lại tăng thu trực tiếp từ nền kinh tế, mà chắc chắn tăng thu từ nền kinh tế bao giờ cũng lớn hơn từ dầu.

Ông Lê Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Quản lý dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, nếu giá mỗi thùng dầu giảm 1 USD thì doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giảm 2,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, về tổng thể, giá dầu giảm có lợi cho nền kinh tế. Lợi đầu tiên là chi phí nguyên liệu như xăng giảm, kích thích sản xuất trong nước, kích thích tiêu dùng, về dài hạn sẽ tốt cho kinh tế. Trong ngắn hạn, giá dầu giảm chưa thể có tác động lớn ngay. Giá dầu giảm đột ngột nhưng xăng lại giảm từ từ và việc giảm cước giao thông vận tải cần độ trễ.

Theo các chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái và Bùi Trinh, việc giảm giá xăng dầu có lợi cho nền kinh tế nói chung, đặc biệt trong lúc các doanh nghiệp gặp khó khăn. Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể cho thấy, nếu giá xăng dầu giảm 20% sẽ khiến chỉ số giá sản xuất giảm ngay trong chu kỳ sản xuất đầu tiên khoảng 0,8 điểm phần trăm. Đến chu kỳ tiếp theo, khi nền kinh tế sử dụng các sản phẩm đầu vào đã được giảm giá thành thì chỉ số giá sản xuất sẽ giảm tiếp 0,3 - 0,5 điểm phần trăm, tính chung, chỉ số giá sản xuất cả năm 2015 sẽ giảm 1,1 - 1,3%. Khi đó, GDP tăng khoảng 2,2 điểm phần trăm và thuế gián thu sẽ tăng khoảng 3,2 điểm phần trăm, nếu tính cả lạm phát thì thuế gián thu sẽ tăng khoảng 8 điểm phần trăm.

Ông Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi theo bất kỳ kịch bản nào mà giá dầu thế giới có thể giảm trong năm 2015.

Ba kịch bản giá dầu và tác động tới tăng trưởng (chưa tính tới giảm sản lượng khai thác dầu của PVN) do các chuyên gia của NCIF xây dựng cụ thể như sau: (i) Kịch bản 1, khi giá dầu 50 USD/thùng thì GDP sẽ tăng thêm 0,48 điểm phần trăm, lạm phát giảm 1,14 điểm phần trăm, thu thuế sẽ giảm 6.656 tỷ đồng và dự trữ ngoại hối sẽ giảm 1,04 tỷ USD. Với tổng GDP Việt Nam năm 2014 ước đạt 184 tỷ USD, mức tăng thêm 0,48 điểm phần trăm GDP sẽ tạo ra con số tương đương khoảng 900 triệu USD (19.000 tỷ đồng); (ii) Kịch bản 2, giá dầu ở mức 40 USD/thùng thì GDP sẽ tăng thêm 0,61 điểm phần trăm, lạm phát giảm 1,11 điểm phần trăm, thu thuế sẽ giảm 7.643 tỷ đồng và dự trữ ngoại hối sẽ giảm 1,12 tỷ USD; (iii) Kịch bản 3, giá dầu giảm về mức 30 USD/thùng sẽ giúp tăng trưởng GDP thêm 0,75 điểm phần trăm, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,01 điểm phần trăm, kim ngạch nhập khẩu tăng 2,48 điểm phần trăm, lạm phát có thể giảm 1,07 điểm phần trăm và giảm thu NSNN 8.663 tỷ đồng và dự trữ ngoại hối cũng giảm 1,45 tỷ USD.

Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã giảm khoảng 40%. Tính toán của 2 chuyên gia cho thấy, trong khoảng 3 tháng đầu năm 2015, giá trị gia tăng của GDP ước tính tăng khoảng từ 2 - 2,3 điểm phần trăm và chỉ số giá sản xuất giảm khoảng 0,95 - 0,98 điểm phần trăm. Đến chu kỳ sản xuất kế tiếp (khoảng 6 - 8 tháng sau), GDP sẽ tăng khoảng 2 - 2,13 điểm phần trăm do mặt bằng giá giảm. Điều này cũng có nghĩa rằng, việc giá dầu thế giới giảm cơ bản là một thuận lợi để tạo đà cho nền kinh tế trong năm 2015.

Theo TS. Lương Văn Khôi, với giả định giá dầu giảm còn 30 USD/thùng, nếu áp dụng các biện pháp can thiệp bằng việc hạ lãi suất có thể giúp GDP tăng trưởng thêm từ 1,04 điểm phần trăm, lạm phát có thể tăng thêm 0,29 điểm phần trăm, tổng thu thuế sẽ giảm 5.228 tỷ đồng và dự trữ ngoại hối cũng sẽ giảm 0,79 tỷ USD.

Các chuyên gia kiến nghị năm 2015, Ngân hàng Nhà nước nên giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng để doanh nghiệp chuyển hướng nhập khẩu tư liệu sản xuất tiên tiến, hiện đại từ những nước có công nghệ nguồn, tạo “cú huých” cho các doanh nghiệp trong nước tiến hành tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.